Kinh tế Chính trị

Xuất khẩu ngành dịch vụ của Hàn Quốc giảm liên tiếp 4 quý…↓7,6% trong quý III/2023

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:48 29-01-2024
Bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại dịch vụ toàn cầu, năm ngoái xuất khẩu ngành dịch vụ của Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Điều này trái ngược với thực tế là 'xuất khẩu sản phẩm' của Hàn Quốc tập trung vào chất bán dẫn đang cho thấy sự phục hồi rõ ràng. Theo đó có một số lo ngại rằng khả năng cạnh tranh còn yếu của ngành dịch vụ có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Hàn Quốc.
 
Nhóm khách du lịch Trung Quốc đang đi mua sắm tại chi nhánh Lotte Duty Free World Tower ở Songpa-gu Seoul vào chiều ngày 2102023 ẢnhYonhap News
Nhóm khách du lịch Trung Quốc đang đi mua sắm tại chi nhánh Lotte Duty Free World Tower ở Songpa-gu, Seoul vào chiều ngày 2/10/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổng hợp vào ngày 29, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ trong cán cân thanh toán quốc tế của Hàn Quốc trong quý III/2023 là 30,011 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước đó.

Đây là mức giảm lớn thứ hai trong số 39 nước thành viên OECD chỉ sau Đan Mạch (-20,0%).

Sau quý IV/2022, xuất khẩu dịch vụ của Hàn Quốc đã tiếp tục giảm trong 4 quý liên tiếp. Trong số các nước thành viên OECD, Hàn Quốc và Israel là hai quốc gia duy nhất có xuất khẩu sụt giảm trong khoảng thời gian dài nhất, 4 quý liên tiếp.

Mức giảm đã đạt chạm đáy tại -12,3% vào quý I/2023 và đã thu hẹp mức giảm trong 2 quý liên tiếp tuy nhiên con số này vẫn còn lớn tương đối so với các nước lớn.

Bất chấp những ảnh hưởng của sót lại của dịch Covid-19, năm ngoái xuất khẩu dịch vụ của các nước lớn trên thế giới vẫn ghi nhận sự phục hồi rõ rệt. Trong quý III, trái ngược so với Hàn Quốc (-7,6%), kim ngạch xuất khẩu dịch vụ bình quân của các nước thành viên OECD tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong số 39 quốc gia thành viên OECD, chỉ có 6 quốc gia bao gồm Hàn Quốc, có xuất khẩu dịch vụ sụt giảm trong quý III.

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu ngành dịch vụ của Hàn Quốc sụt giảm là do khả năng cạnh tranh toàn cầu còn thấp so với ngành sản xuất. Quy mô xuất khẩu dịch vụ của Hàn Quốc đứng thứ 15 trên thế giới trong khi xuất khẩu sản phẩm đứng trong top trên với vị trí thứ 6.

Khả năng cạnh tranh dịch vụ yếu cũng là nguyên nhân khiến xuất khẩu của Hàn Quốc tập trung quá mức vào các “sản phẩm” như chất bán dẫn. Tính đến quý III/2023, tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ của Hàn Quốc là 15,8%, chỉ bằng một nửa so với 7 nước lớn (G7, 29,9%).

Mặc dù các dịch vụ vận tải như vận tải biển được coi là một ngành dịch vụ có tính cạnh tranh ở Hàn Quốc nhưng phân tích của chính phủ nước này cho rằng điểm yếu của ngành dịch vụ Hàn Quốc năm ngoái trở nên đáng chú ý hơn là vì ngành vận tải biển sụt giảm do tình hình chung của thương mại toàn cầu.

Nếu sự sụt giảm trong xuất khẩu dịch vụ ngày càng trầm trọng, nó có thể góp phần kéo chậm lại sự phục hồi xuất khẩu tập trung vào sản phẩm và "ăn mòn" động lực tăng trưởng kinh tế.

Trong tình huống mà cả tiêu dùng cá nhân và chính phủ đều sụt giảm vì tiêu dùng và đầu tư trì trệ do lãi suất và lạm phát cao trong năm nay, cũng như chính sách thắt lưng buộc bụng do doanh thu thuế sụt giảm lịch sử, xuất khẩu gần như là sự hỗ trợ duy nhất cho nền kinh tế Hàn Quốc trong năm nay.

Tháng trước, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã trực tiếp đề xuất mục tiêu 'lọt vào top 10 quốc gia hàng đầu xuất khẩu dịch vụ vào năm 2027', tuy nhiên chính phủ vẫn chưa thể đưa ra chính sách quan trọng nào. Các luật liên quan, như Luật khung về phát triển công nghiệp dịch vụ, thậm chí còn chưa vượt qua ngưỡng cửa của Quốc hội.

Kim Gwang-seok, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu kinh tế và công nghiệp Hàn Quốc, cho biết: "Chúng ta cần tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành dịch vụ để tăng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ và đa dạng hóa khả năng cạnh tranh vốn chỉ đang tập trung vào vận tải biển".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기