Kinh tế Chính trị

Hai năm liên tiếp Việt Nam giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:14 05-02-2024
Chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ, năm 2023 Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí là quốc gia lớn thứ ba về kim ngạch thương mại với Hàn Quốc.
 
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 62023 ẢnhVGP
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 6/2023. [Ảnh=VGP]
Theo hệ thống thống kê thương mại 'K-stat' của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) vào ngày 5, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam năm 2023 là 53,49 tỷ USD, nhập khẩu là 25,94 tỷ USD và thặng dư thương mại ghi nhận 27,55 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Việt Nam giảm 12,3% so với năm trước và nhập khẩu giảm 2,9%. Quy mô cán cân thương mại cũng giảm 19,5%.

Mặc dù cả 3 chỉ số chính gồm xuất, nhập khẩu và cán cân thương mại đều giảm so với năm trước đó (2022) nhưng Việt Nam vẫn duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc trong 2 năm liên tiếp với kim ngạch thương mại đạt 79,43 tỷ USD.

Con số này tương ứng với 30% kim ngạch thương mại của Trung Quốc (267,66 tỷ USD) và 42% của Mỹ (186,96 tỷ USD), 2 quốc gia đối tác thứ nhất và thứ hai của Hàn Quốc. 

Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp kim ngạch thương mại với Hàn Quốc của Việt Nam vượt qua Nhật Bản (76,68 tỷ USD), sau năm 2022.

Về cán cân thương mại, Việt Nam nổi lên là quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Hàn Quốc trong năm 2022, vượt qua cả Mỹ (27,98 tỷ USD) với thặng dư 34,24 tỷ USD. Tuy nhiên trong năm 2023, Mỹ đã quay trở lại vị trí là quốc gia xuất siêu lớn nhất vào Hàn Quốc còn Việt Nam bị đẩy xuống xếp ở vị trí thứ 2.

Các chuyên gia phân tích rằng xuất khẩu và thặng dư thương mại với Việt Nam sụt giảm là do xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc ì ạch.

Do điều kiện thị trường toàn cầu ngày càng tồi tệ, xuất khẩu chất bán dẫn, một trong những sản phẩm chủ lực của Hàn Quốc, đã giảm 7,4% trong năm 2023 so với năm trước đó. Tình trạng này đã được phản ánh trong thương mại với Việt Nam, trong bối cảnh chất bán dẫn chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam.

Năm ngoái, xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc sang Việt Nam đạt 12,73 tỷ USD, giảm 21,6% so với năm 2022.

Ngoài chất bán dẫn, 4 mặt hàng chủ lực còn lại của Hàn Quốc cũng ghi nhận tình hình xuất khẩu có phần ảm đạm trong đó xuất khẩu màn hình phẳng và cảm biến đạt 12,35 tỷ USD, giảm 1,4%, sản phẩm dầu mỏ đạt 3,33 tỷ USD, giảm 10,8%; thiết bị liên lạc không dây đạt 2,17 tỷ USD, giảm 8,1%; nhựa tổng hợp đạt 2 tỷ USD, giảm 22,5%.

Nhập khẩu từ Việt Nam cũng giảm 2,9% so với năm trước xuống còn 25,94 tỷ USD, tuy nhiên thặng dư cán cân thương mại vẫn giảm do xuất khẩu giảm mạnh.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển bùng nổ.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước, vốn chỉ đạt 500 triệu USD vào thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã tăng hơn 150 lần sau hơn 30 năm; các mặt hàng trao đổi cũng đã phát triển từ các sản phẩm sử dụng nhiều lao động như dệt may sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như chất bán dẫn và thiết bị truyền thông không dây.

Đặc biệt, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Hàn Quốc - Việt Nam được ký kết vào năm 2014, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 2,5 lần từ mức 30 tỷ USD lên thành 80 tỷ USD.

Năm 2014, Việt Nam chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hàn Quốc nhưng đã nhảy vọt lên vị trí thứ 4 khi FTA có hiệu lực. Sau đó vào năm 2022, Việt Nam đã chính thức vượt qua Nhật Bản (85,32 tỷ USD) để lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc.

Thương mại và đầu tư của hai nước về cơ bản là theo hướng Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam sau đó xuất khẩu hàng hóa trung gian cần thiết cho các nhà máy tại địa phương, còn Việt Nam xuất khẩu hàng thành phẩm sang Hàn Quốc.
 
Nhà máy sản xuất điện thoại Samsung tại Việt Nam ẢnhYonhap News
Nhà máy sản xuất điện thoại Samsung tại Việt Nam. [Ảnh=Yonhap News]
Đặc biệt, hơn 50% số điện thoại thông minh bán ra trên toàn thế giới của Samsung Electronics được sản xuất tại Việt Nam.

Samsung Electronics là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng 20% ​​tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và vẫn đang mở rộng đầu tư, bao gồm mở trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô lớn tại Hà Nội vào năm 2022.

Gần đây, việc xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến ẩm thực và làm đẹp cũng ngày càng tăng lên nhờ sự  ảnh hưởng mạnh mẽ của làn sóng Hàn Quốc (Hallyu).

Một quan chức của KITA cho biết: "Thông qua ngoại giao cấp cao năm ngoái, hai nước đã quyết định mở rộng kim ngạch thương mại lên 150 tỷ USD vào năm 2030 và ký 111 biên bản ghi nhớ, chủ yếu trong khu vực tư nhân, vì vậy triển vọng hợp tác kinh tế trong tương lai rất tươi sáng. Trong đó, hợp tác dự kiến giữa 2 nước ​​sẽ mở rộng không chỉ trong các ngành sản xuất hiện có mà còn trong các ngành mới như chuỗi cung ứng và năng lượng sạch".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기