Kinh tế Chính trị

Việt Nam có thể vượt Nhật Bản để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc trong năm nay

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:32 21-12-2022
Báo cáo phân tích của FKI về những thay đổi trong thương mại và đầu tư giữa hai nước Xuất nhập khẩu lần lượt tăng 142 lần và 240 lần
Việt Nam hiện đang được kỳ vọng sẽ vượt qua Nhật Bản trong năm nay để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, trải qua 30 năm với các cuộc khủng hoảng ngoại hối, khủng hoảng tài chính, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn liên tục ghi nhận thặng dư. Trong năm nay, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất trong số các đối tác thương mại của Hàn Quốc.
 

Xu hướng thặng dư cán cân thương mại xuất nhập khẩu giữa Hàn Quốc và Việt Nam. [Ảnh=KITA]


Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đã công bố báo cáo về những thay đổi trong thương mại và đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong 30 năm qua, hiệu quả kinh doanh của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam và các lĩnh vực mở rộng hợp tác kinh tế.

Theo FKI, Hàn Quốc đã duy trì thặng dư trong cán cân thương mại với Việt Nam kể từ khi ghi nhận mức thặng dư 300 triệu USD vào năm 1992, năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bất chấp cuộc khủng hoảng ngoại hối của IMF, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự bùng phát của Covid-19, quy mô thặng dư giữa Hàn Quốc và Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2021, trong thời kỳ đại dịch, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại 32,7 tỷ USD, con số lớn nhất kể từ năm 1992 và trở thành nước có thặng dư thương mại lớn thứ hai, chỉ xếp sau Hồng Kông (35,3 tỷ USD).

Thặng dư thương mại lũy kế với Việt Nam, tính từ năm 1992 đến tháng 11/2022, là 308,8 tỷ USD, tương đương với tổng doanh thu của Samsung Electronics (244,1 tỷ USD) và LG Electronics (65,2 tỷ USD) năm 2021 (309,3 tỷ USD).
 

Sự thay đổi về quy mô thương mại Hàn Quốc-Việt Nam và xếp hạng giữa các đối tác thương mại. [Ảnh=KITA]


Trong cán cân thương mại của Hàn Quốc năm nay, tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam (31,3 tỷ USD) đang dẫn trước Mỹ (254,4 tỷ USD), theo đó chắc chắn sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu. Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng quốc gia có thặng dư thương mại với Hàn Quốc đã tăng đều đặn từ thứ 5 năm 2012, lên thứ 4 năm 2013, thứ 3 năm 2017 và thứ 2 năm 2020, lần lượt vượt qua Singapore, Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông trong 10 năm qua. Theo đó, trong năm nay đúng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Hàn - Việt, Việt Nam dự kiến sẽ trở thành quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Hàn Quốc. Đặc biệt, xét đến việc cán cân thương mại của Hàn Quốc đang thâm hụt 42,5 tỷ USD tính đến tháng 11 năm nay, thì quy mô thặng dư với Việt Nam chiếm tới 73,6% tổng mức nhập siêu.

Kim ngạch thương mại Hàn Quốc - Việt Nam đến nay đã đạt 81,1 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản (78,4 tỷ USD) và khả năng cao sẽ trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, người đã có chuyến công du Hàn Quốc từ ngày 4~6/12 cho biết "Chúng tôi sẽ nỗ lực nâng quy mô thương mại song phương lên 100 tỷ đô la vào năm tới và hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ đô la vào năm 2030."

Kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam, bắt đầu ở mức 500 triệu USD vào năm 1992, đã tăng 161 lần lên 80,7 tỷ USD vào năm 2021. So với mức tăng gấp 31,8 lần trong thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam trong cùng kỳ, từ 1,3 tỷ USD lên 42 tỷ USD, sự gia tăng thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam là rất đáng chú ý. Cùng thời gian, năng lực ngoại thương của Hàn Quốc trong xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 8,4 lần và 7,5 lần, trong khi xuất khẩu sang Việt Nam tăng 142 lần và nhập khẩu từ Việt Nam tăng 240 lần. Theo đó, Việt Nam đang khẳng định mình là một quốc gia quan trọng trong ngoại thương của Hàn Quốc, chiếm 8,8% kim ngạch xuất khẩu và 3,9% kim ngạch nhập khẩu. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lũy kế lớn nhất là 'chất bán dẫn'. Tiếp theo là △màn hình phẳng và cảm biến △thiết bị liên lạc không dây △sản phẩm dầu mỏ △nhựa tổng hợp.

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng tăng đáng kể. Theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam, tính lũy kế cả năm 2021, đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc vào Việt Nam là 9.203 dự án và 78,5 tỷ USD, đứng đầu cả về số lượng và quy mô đầu tư. Theo sau là Singapore (2.827 dự án, 66,9 tỷ USD) và Nhật Bản (4.793 dự án, 64,3 tỷ USD). Đồng thời, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 17 triệu USD năm 1992 lên 2,4 tỷ USD vào năm 2021.

Các tập đoàn lớn của Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Việt Nam là Samsung, dự kiến ​​sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD trong năm nay, nâng tổng vốn đầu tư lên 20 tỷ USD. LG Electronics cũng đang có kế hoạch mở rộng sản xuất linh kiện điện thoại thông minh bằng cách đầu tư thêm 4 tỷ USD.

Kim Bong-man, người đứng đầu Trụ sở Quốc tế của FKI cho biết, "Quan hệ kinh tế Hàn Quốc-Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 30 năm qua. Doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam lên 150 tỷ đô la vào năm 2030."

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Choo Kyung-ho chứng kiến lễ trao biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Hàn được tổ chức tại Seoul ngày 6/12. [Ảnh=TTXVN]

 

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기