Kinh tế Chính trị

Giá trái cây trong tháng 2 tại Hàn Quốc tăng cao nhất trong hơn 30 năm trở lại đây

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:24 12-03-2024
Chênh lệch giữa tỷ lệ lạm phát giá trái cây và tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chung trong tháng 2 tại Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất mọi thời đại. Điều này có nghĩa là gánh nặng về giá của các loại trái cây lớn hơn tất cả các mặt hàng khác. Đặc biệt, tỷ lệ lạm phát đối với đào đạt mức cao nhất mọi thời đại, táo và lê cũng có mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng ngoại hối của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Theo Cổng thông tin thống kê quốc gia của Cục Thống kê Hàn Quốc ngày 12, tỷ lệ lạm phát giá trái cây tháng 2/2024 là 40,6%, cao hơn 37,5 điểm phần trăm so với tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chung (3,1%).

Khoảng cách này là lớn nhất trong khoảng 40 năm kể từ tháng 1/1985, khi số liệu thống kê về giá trái cây bắt đầu được thu thập.

Khoảng cách lớn nhất trước đó là 37,2 điểm phần trăm được ghi nhận vào tháng 5/1991.

Điều này là do giá trái cây trong tháng 2 tăng 40,6%, mức cao nhất trong 32 năm 5 tháng kể từ tháng 9/1991 (43,7%).

Giá táo đã tăng đáng kể do sản lượng thu hoạch giảm vì nhiệt độ bất thường, đồng thời giá các loại trái cây khác thay thế cũng tăng.

Tỷ lệ lạm phát giá táo trong tháng 2 là 71,0%, vượt mức 70% lần thứ ba trong lịch sử, sau tháng 3/1999 (77,6%) và tháng 10/2023 (74,7%). Khoảng cách giữa tỷ lệ lạm phát giá táo và tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chung là 67,8 điểm%, cũng là mức lớn thứ ba trong lịch sử.

Tỷ lệ lạm phát giá lê là 61,1%, cao nhất trong 24 năm 5 tháng kể từ tháng 9/1999 (65,5%), và khoảng cách với tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chung tăng thêm 58,0% điểm, lớn nhất kể từ tháng 9/1999 (64,7% điểm).

Tỷ lệ lạm phát giá đào là 63,2%, đã lập kỷ lục mới khi phá vỡ mức cao trước đó là 61,2% được ghi nhận vào tháng 7/1976; đồng thời chênh lệch với tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chung là 60,1 điểm%, mức lớn nhất từ ​​trước đến nay.

Tỷ lệ lạm phát đối với quả hồng là 55,9%, cao nhất trong 29 năm 6 tháng kể từ tháng 8/1994 (69,7%), và tỷ lệ lạm phát đối với dưa lê là 37,4%, cao nhất trong 13 năm 9 tháng kể từ tháng 5/2010 (42,9%).

Tốc độ tăng giá quýt là 78,1%, cao nhất trong 6 năm 5 tháng kể từ tháng 9/2017 (83,9%). Giá dưa hấu (51,4%), dâu tây (23,3%) và anh đào (28,0%) cũng tăng ở mức cao.

Giá trái cây ở mức cao dự kiến ​​sẽ tiếp tục kéo dài trong năm nay.

Gần đây, người dân Hàn Quốc thường gọi táo là "táo vàng" do giá cả quá đắt đỏ. Vì không có sản phẩm thay thế phù hợp và khó nhập khẩu nên gánh nặng về giá đối với quả táo là khó tránh khỏi trong thời điểm hiện tại.

Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc nhấn mạnh rằng nếu nhập khẩu trái cây ồ ạt vào sẽ dễ dẫn đến sâu bệnh xâm nhập thông qua hàng nhập khẩu, gây nguy cơ sản lượng sẽ giảm hơn nữa và chi phí tăng lên, cuối cùng làm tăng gánh nặng cho người tiêu dùng.

Vì lý do này, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng nguồn cung và cung cấp các chương trình giảm giá để giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân.

Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc đã đầu tư 69 tỷ won để hỗ trợ các sự kiện giảm giá cho các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi trong mùa cao điểm Tết Nguyên đán vừa qua và quyết định đầu tư tổng cộng 43,4 tỷ won để hạ đơn giá nông sản, sản phẩm chăn nuôi và hỗ trợ giảm giá trong tháng 3 và tháng 4 tới.

Ngân sách hỗ trợ giảm giá sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi năm 2024 của Hàn Quốc hiện tại là 108 tỷ won, và nếu sau khi chi tổng cộng 92 tỷ won tính đến tháng 4/2024, đã có nhiều lên tiếng lo ngại rằng ngân sách sẽ cạn kiệt hoàn toàn chỉ trong vòng nửa đầu năm.

Thông thường, chính phủ Hàn Quốc cũng có thể hỗ trợ giảm giá trong dịp Trung thu và cao điểm muối kimchi vào nửa cuối năm, do đó, một số ý kiến ​​cho rằng nên thảo luận về khả năng thành lập quỹ dự trữ, nhưng chính phủ đã bác bỏ việc này và đưa ra lập trường rằng việc xem xét quỹ dự trữ từ bây giờ là quá sớm.

Nguồn tin liên quan từ Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn cho biết: "Bên cạnh hỗ trợ giảm giá, chúng tôi cũng có kế hoạch sử dụng thuế hạn ngạch để tăng nguồn cung trái cây nhập khẩu".

Mặt khác, để ngăn chặn tình trạng sản lượng trái cây giảm đột ngột trong năm ngoái tái diễn trong năm nay, Bộ Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc cũng đã thành lập 'Tổ chức tư vấn quản lý giống cây ăn quả' với chính quyền của các địa phương, các nhóm sản xuất.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기