Đời sống Xã hội

Các ngân hàng tại Hàn Quốc tăng cường nhiều dịch vụ dành riêng cho khách hàng là người lao động nước ngoài

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:30 21-03-2024
Trong bối cảnh số lượng lao động nước ngoài ở Hàn Quốc đang ngày một nhiều lên, các ngân hàng Hàn Quốc cũng cho thấy các động thái cạnh tranh quyết liệt trong việc mở rộng dịch vụ cho khách hàng nước ngoài.
 
ẢnhHana Bank
[Ảnh=Hana Bank]
Theo tin tức từ Cục Thống kê Hàn Quốc ngày 21, số lượng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc là 855.000 vào năm 2021, 843.000 vào năm 2022 và 923.000 vào năm 2023, cho thấy xu hướng tăng trưởng liên tục. 

Số lượng lao động nước ngoài tại Hàn Quốc tiếp tục tăng đồng nghĩa với nhu cầu về dịch vụ tài chính cũng ngày càng lớn hơn. 

Một quan chức trong ngành tài chính cho biết: "Trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc tăng cường chính sách giới thiệu lao động nước ngoài vào làm việc trong nước, các tổ chức tài chính cũng cam kết nỗ lực loại bỏ khó khăn về ngôn ngữ cho khách hàng nước ngoài và nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả của các dịch vụ tài chính".

Theo đó, các ngân hàng như Shinhan, Hana, Woori, v.v. đang không ngừng đưa ra nhiều dịch vụ cạnh tranh để thu hút khách hàng nước ngoài chẳng hạn như mở các điểm giao dịch dành riêng cho khách hàng nước ngoài tại các khu vực tập trung đông người nước ngoài, cung cấp dịch vụ tư vấn đa ngôn ngữ.

Ngân hàng Shinhan vận hành tổng đài hỗ trợ khách hàng nước ngoài từ năm 2009, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính hỗ trợ tới 10 ngôn ngữ bao gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Nga, tiếng Campuchia, tiếng Philipin, tiếng Indonesia và tiếng Mông Cổ

Ngân hàng Hana thành lập chi nhánh dành riêng cho khách hàng người nước ngoài tại Wongok-dong, Ansan, Hàn Quốc vào tháng 8/2003, cung cấp dịch vụ bằng tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Trung và các ngôn ngữ khác. 

Ngân hàng Hana cũng bố trí nhân viên ngoại ngữ đặc biệt, tuyển phiên dịch viên bán thời gian, đồng thời cũng hoạt động cả ngày chủ nhật tại 16 cơ sở kinh doanh ở những khu vực tập trung lao động nước ngoài. Thông thường, người lao động người nước ngoài sẽ đi làm vào hầu hết các ngày trong tuần, thậm chí là cả thứ 7 tuy nhiên các chi nhánh ngân hàng truyền thống chỉ làm việc từ thứ 2~6 gây nên bất tiện cho khách hàng là người lao động nước ngoài. Vì thế các chi nhánh dành riêng cho khách nước ngoài này đã góp phần không nhỏ giúp người lao động nước ngoài dễ dàng hơn khi xử lý các dịch vụ tài chính.

Đồng thời, để nâng cao sự tiện lợi của dịch vụ tài chính cho người dùng nước ngoài, Ngân hàng Hana cũng cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát hành "Chứng chỉ Hana" trên ứng dụng chuyển tiền xuyên biên giới  Hana EZ hỗ trợ tới 16 ngôn ngữ. Thông qua dịch vụ cấp chứng chỉ chứng nhận, người dùng nước ngoài có thể sử dụng dịch vụ trực tuyến để thực hiện các giao dịch tài chính, quyết toán cuối năm và hay nhận được giải đáp cho những thắc mắc về bốn loại bảo hiểm lớn của Hàn Quốc.

Một quan chức từ bộ phận kinh doanh ngoại hối của Ngân hàng Hana cho biết: "Là ngân hàng ngoại hối đại diện nhất của Hàn Quốc, chúng tôi sẽ cố gắng tích cực cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dùng nước ngoài trong tương lai nhằm loại bỏ những bất tiện và khó khăn về ngôn ngữ và cách sử dụng".

Đối với ngân hàng Woori, hiện ngân hàng này đang vận hành 5 chi nhánh dành riêng cho khách hàng nước ngoài, bao gồm Trung tâm tài chính Ansan, Trung tâm tài chính Gimhae, Trung tâm tài chính Uijeongbu, Trung tâm tài chính Baran và Trung tâm tài chính Gwanghee-dong, cung cấp dịch vụ vào Chủ nhật cho người lao động nước ngoài. Đồng thời sắp xếp nhân viên người bản địa (Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Thái Lan, Campuchia, Philippines) làm việc trực tiếp tại các chi nhánh này để có thể phục vụ các khách hàng nước ngoài một cách tốt nhất.

Không những thế, từ tháng 10/2019 ngân hàng Woori còn triển khai cơ chế bảo đảm chi phí học tập cho du học sinh người Việt khi qua Hàn du học. 

Cơ chế bảo đảm chi phí du học với đối tượng du học sinh người Việt là một quy định đang được Bộ Tư pháp Hàn Quốc triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng lưu trú trái phép của người nước ngoài, tăng cường xác minh khả năng tài chính của sinh viên quốc tế khi xem xét cấp thị thực du học. Theo đó, du học sinh Việt Nam phải gửi 10 triệu KRW dưới dạng tiền gửi dự trữ tại ngân hàng có trụ sở hoặc chi nhánh tại Việt Nam và Hàn Quốc và nộp giấy xác nhận số dư cho Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và nhà trường. Khoản tiền gửi sẽ được chuyển vào tài khoản won Hàn Quốc do sinh viên quốc tế mở tại Ngân hàng Woori sau khi sinh viên nhập cảnh vào Hàn Quốc và có thể rút trả góp 50% 6 tháng một lần trong vòng một năm.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기