Đời sống Xã hội

[AJU Phỏng vấn] CEO Gbike - công ty giải pháp về phương tiện di chuyển xanh: "Thành phố Huế mang đến một môi trường lý tưởng cho việc mở rộng của chúng tôi"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:21 29-03-2024
Gbike - công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện di chuyển cá nhân (personal mobility·PM) có trụ sở tại Seoul, là chủ sở hữu của ứng dụng 'GCoo', dịch vụ cho thuê xe điện (scooter) công cộng. Hiện Gbike đang vận hành dịch vụ chia sẻ PM tại các thành phố lớn ở Hàn Quốc, Mỹ và Thái Lan.

Gbike cho biết đang trong quá trình đưa dịch vụ xe đạp điện dùng chung vào thử nghiệm tại Thành phố Huế (Việt Nam). Theo thỏa thuận với chính quyền địa phương, công ty có kế hoạch cung cấp dịch vụ tại các điểm du lịch lớn ở Thành phố Huế, bao gồm Hoàng thành Huế và Lăng Gia Long.

Phóng viên Kinh Tế AJU đã có buổi phỏng vấn với ông Yoon Jong-soo Giám đốc điều hành (CEO) của Gbike vào ngày 26/3 tại trụ sở công ty tọa lạc ở quận Gangnam, Seoul.
 
Yoon Jong-soo Giám đốc điều hành Gbike trong buổi phỏng vấn với Kinh Tế AJU ẢnhGbike
Yoon Jong-soo Giám đốc điều hành Gbike trong buổi phỏng vấn với Kinh Tế AJU. [Ảnh=Gbike]
 Xin ông giới thiệu đôi lời về công ty Gbike.

Công ty chúng tôi là Gbike, còn ứng dụng của chúng tôi có tên là GCoo. Chúng tôi là dịch vụ chia sẻ phương tiện di chuyển vi mô lớn nhất tại thị trường Châu Á. Chúng tôi hiện đang vận hành hơn 100.000 các loại phương tiện cá nhân và đang cung cấp dịch vụ không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Mỹ, Thái Lan và sắp tới đây là Việt Nam. Chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp phương tiện di chuyển thuận tiện, thân thiện với môi trường và có lượng phát thải ròng bằng 0 (net-zero). Với tầm nhìn rằng đây sẽ là một dịch vụ có thể được sử dụng bởi tất cả mọi người, bất kể giới tính, độ tuổi, chúng tôi hướng tới việc cung cấp các dịch vụ giúp mọi người di chuyển những quãng đường ngắn một cách thuận tiện trong cuộc sống đồng thời cũng cố gắng tìm cách tạo ra những phương pháp vận chuyển phù hợp với người cao tuổi.

Chúng tôi hiện đang vận hành cả xe đạp điện, ván trượt điện (kick-board), v.v. nhưng mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một hệ sinh thái nơi các đối tác sản xuất khác có thể cùng nhau phát triển bằng cách sản xuất xe máy điện, ghế điện.

Chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái nơi chúng ta có thể tiếp cận môi trường nhiều hơn thông qua việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.
 
Một góc văn phòng của Gbike với rất nhiều xe đạp điện Gcoo ẢnhHoàng Phương Ly
Một góc văn phòng của Gbike với rất nhiều xe đạp điện Gcoo. [Ảnh=Hoàng Phương Ly]
Về việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Gbike đã thành lập pháp nhân tại đây chưa?

Trên giấy tờ, chúng tôi đã có pháp nhân Việt Nam từ tháng 12/2023. Thành phần cổ đông và các công việc liên quan khác cũng đã hoàn tất và chúng tôi cũng đang rót vốn vào pháp nhân Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, văn phòng của chúng tôi chính thức hoạt động từ tháng 2/2024.
 
Thay vì các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Gbike lại lựa chọn Huế là thành phố đầu tiên để cung cấp dịch vụ. Lý do để lựa chọn thành phố Huế là gì?

Trước hết, kể cả là tại Hàn Quốc, dịch vụ của chúng tôi cũng được phân bố nhiều ở các khu vực địa phương hơn là ở Seoul.

Thứ hai là thay vì tiếp cận theo phương thức B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp), khi tiến vào thị trường Việt Nam chúng tôi áp dụng phương thức B2G nghĩa là doanh nghiệp với chính phủ. Chúng tôi đã rất tích cực thảo luận với chính quyền địa phương của Huế trước khi tiến vào đây.

Chúng tôi đã xem xét qua nhiều kênh khác nhau và chọn Huế làm điểm thâm nhập thị trường Việt Nam vì cảm nhận được sự hoan nghênh từ chính quyền địa phương cũng như sự tích cực trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh của thành phố.

Huế là một thành phố có bề dày lịch sử và văn hóa, và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi tin rằng thành phố Huế mang đến một môi trường lý tưởng cho việc mở rộng của chúng tôi, với di sản văn hóa phong phú và tư duy tiến bộ hướng tới sự bền vững.

Hơn thế nữa, tôi nghĩ hướng đi mà chính quyền địa phương mong muốn và nhu cầu của Gbike là rất phù hợp. Vì vậy, chúng tôi quyết định chọn thành phố Huế làm đầu cầu tiến vào Việt Nam.
 
Hiện tại đã có bao nhiêu xe đạp điện được đưa đến Huế? Và dịch vụ được cung cấp ở những khu vực nào?

Vì hiện tại chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm nên số lượng xe đạp điện còn vô cùng khiêm tốn với khoảng 20 chiếc. Hiện những chiếc xe này đang chờ cơ quan hải quan Việt Nam phê duyệt và cho thông quan. 

Trước đó chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh (MOU) với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC). Và địa điểm cung cấp dịch vụ dự kiến sẽ ở khu vực Hoàng thành Huế và Lăng Gia Long.

Trước mắt, HMCC sẽ phụ trách việc quản lý, bảo quản cho các chiếc xe này vì địa điểm cung cấp dịch vụ đang nằm trong khu vực mà HMCC quản lý.
 
ẢnhGbike
[Ảnh=Gbike]
Cách sử dụng Gcoo và phương thức thanh toán tại Việt Nam như thế nào?

Người dùng có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ thông qua thao tác trên ứng dụng 'GCoo'. Hiện ứng dụng tại Việt Nam được hỗ trợ tiếng Việt, tiếng Hàn và cả tiếng Anh. Chúng tôi cũng tích hợp cả phương thức thanh toán bằng Momo pay nhằm tăng cường sự thuận tiện cho khách hàng địa phương.

Vì vẫn còn khá mới với thị trường Việt Nam nên chúng tôi tạm thời vẫn chưa quyết định sẽ áp dụng hệ thống tính phí theo thời gian sử dụng (đơn vị tính bằng phút) hay theo khoảng cách (đơn vị tính bằng mét). Thay vào đó, chúng tôi đang đưa ra rất nhiều lựa chọn đa dạng, khách hàng có thể lựa chọn sử dụng trong 1 quãng đường ngắn và trả tiền cho đúng quãng đường đó hoặc có thể mua vé tháng (trong đó người dùng trả 1 khoản tiền cố định và có thể sử dụng dịch vụ 30 phút/ngày trong vòng 1 tháng), vé sử dụng trong 1 giờ đồng hồ (trong đó người dùng có thể sẽ phải trả khoảng 20.000 VNĐ cho 1 tiếng sử dụng), v.v.

Thông qua việc cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau chúng tôi sẽ nỗ lực để tìm ra phương pháp tính phí cạnh tranh và phù hợp nhất với thị trường Việt Nam.
 
Mục tiêu mà Gbike hướng đến tại thị trường Việt Nam là gì?

Bên cạnh xe đạp điện, tôi nghĩ Gbike cũng có thể tiến vào lĩnh vực xe máy điện. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp các lựa chọn thay thế giá cả phải chăng cho xe máy truyền thống, đặc biệt nhắm đến các bạn sinh viên đại học và người tiêu dùng trẻ tuổi.

Việc sử dụng dịch vụ của Gbike có thể sẽ giúp người dùng tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể so với việc sở hữu và quản lý một chiếc xe máy chạy bằng động cơ đốt trong. Ví dụ, một sinh viên đại học tại Việt Nam có thể sẽ phải trả khoảng 40 triệu đồng để sở hữu một chiếc xe máy thông thường, tuy nhiên sinh viên đó có thể sẽ chi trả ít hơn 30% (số tiền mua xe máy) nếu họ sử dụng xe đạp điện hoặc xe máy điện và đăng ký gói đổi pin của chúng tôi.

Chi phí vận hành đặt ra một thách thức đáng kể đối với các nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp điện, trong đó Gbike chi khoảng 100 triệu won (74.415 USD) hàng tháng chi phí nhiên liệu cho xe tải thu hồi xe đạp. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đặt kế hoạch giới thiệu hệ thống "Trạm đổi pin (BSS)", cho phép khách hàng đổi pin đã qua sử dụng lấy pin đã sạc đầy để giảm chi phí vận hành. Khi khách hàng thay pin tại BSS sau khi sử dụng sẽ được tặng các quyền lợi như phiếu giảm giá.
 
Người dùng tại Huế đang thử trải nghiệm dịch vụ xe đạp điện Gcoo ẢnhGbike
Người dùng tại Huế đang thử trải nghiệm dịch vụ xe đạp điện 'Gcoo'. [Ảnh=Gbike]
Sau Huế, Gbike có kế hoạch triển khai dịch vụ ở những đâu?

Chúng tôi có kế hoạch mang Gcoo tới những địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang.
 
Cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo Kinh Tế AJU. Liệu ông có muốn chia sẻ thêm điều gì với độc giả hoặc người dùng của Gbike hay không?

Dân số trẻ sôi động của Việt Nam và sự nhiệt tình đổi mới của họ khiến nơi đây trở thành một thị trường hấp dẫn đối với chúng tôi. Chúng tôi mong muốn được thử nghiệm các dịch vụ mới tại Việt Nam vì nhóm người tiêu dùng chủ yếu còn rất trẻ, ở độ tuổi 20~30 và họ không ngần ngại thử những điều mới. Tôi nghĩ Việt Nam và con người Việt Nam thật tuyệt vời. 

Gbike mong muốn có thể tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của mình về các giải pháp di động vi mô, thân thiện với môi trường để có thể phần nào đóng góp được vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기