Đời sống Xã hội

Người Hàn Quốc giảm tiêu thụ gạo khiến số lượng cửa hàng bán gimbap ngày càng sụt giảm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:30 16-09-2024
Gần đây, số lượng nhà hàng gimbap (cơm cuộn rong biển) - 1 trong những món ăn tiêu biểu của Hàn Quốc hoặc quán ăn nhỏ bán các món ăn nhẹ (bunsik) đang ghi nhận xu hướng sụt giảm ở ngay chính Hàn Quốc.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Các nhà phân tích cho rằng đây là kết quả của xu hướng tránh ăn carbohydrate như gạo, dân số suy giảm và số lượng người dùng bữa tại các cửa hàng tiện lợi hoặc quán cà phê thay vì các quán 'bunsik' phục vụ gimbap đang ngày một tăng lên.

Theo Cục Thống kê Hàn Quốc ngày 16, số lượng nhà hàng gimbap tại Hàn Quốc tăng đều đặn từ 41.726 cửa hàng năm 2016 lên 48.822 cửa hàng vào năm 2020.

Tuy nhiên, số lượng quán gimbap chỉ tăng 76 cửa hàng (0,2%) lên 48.898 cửa hàng vào năm 2021 và giảm 4,6% xuống còn 46.639 cửa hàng vào năm 2022.

Trong cùng thời gian, số lượng các nhà hàng, quán ăn nói chung ở Hàn Quốc chỉ giảm 0,5%.

Đặc biệt, số lượng nhà hàng nhượng quyền lại tăng lên. Năm 2022, số lượng nhà hàng nhượng quyền tăng 7,4% so với năm trước đó lên 179.923 nhà hàng. Theo ngành, số lượng nhượng quyền món Hàn Quốc (Hansik), các loại bánh mì, pizza, cà phê và quán bar Hàn Quốc đều tăng 5~13% so với năm trước đó.

Các chủ doanh nghiệp đồng ý rằng số lượng người tiêu dùng trẻ ghé thăm các quán 'bunsik' đã giảm.

Chủ một nhà hàng gimbap ở Mapo-gu, Seoul cho biết: "Tỷ lệ khách hàng trẻ đến theo nhóm hai hoặc ba người và gọi các món như gimbap, tteokbokki (bánh gạp nếp xào cay), mỳ tôm, bánh xếp mandu đã giảm so với trước đây. Hầu hết khách hàng mua gimbap mang đi vào giờ ăn trưa đều là những người bán hàng ở chợ".

Quan chức của một công ty nhượng quyền gimbap cho biết: "Thực đơn tập trung vào carbohydrate bao gồm gimbap với mì hoặc tteokbokki đã không còn được khách hàng trẻ tuổi quan tâm tới. Gần đây, thực đơn Keto Gimbap với nhân là các lớp trứng tráng mỏng thay vì cơm đang là xu hướng".

Những thay đổi trong thói quen ăn uống, chẳng hạn như hạn chế tiêu thụ carbohydrate, cũng có thể dễ dàng nhận thấy được trong việc tiêu thụ gạo.

Tiêu thụ gạo bình quân đầu người của Hàn Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 60 kg vào năm 2019, với 59,2 kg.

Tiêu thụ gạo tiếp tục giảm xuống lần lượt 57,7 kg và 56,9 kg vào năm 2020 và 2021. Năm 2023, con số này là 56,4 kg, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1962.

Một số nhà phân tích cho rằng sự sụt giảm của các nhà hàng gimbap là kết quả của việc ngày càng có nhiều người đến các cửa hàng tiện lợi hoặc quán cà phê thay vì đến các quán 'bunsik' để có một bữa ăn nhanh chóng.

Choi Cheol, giáo sư kinh tế tiêu dùng tại Đại học Nữ Sookmyung, giải thích: "Trước đây, các quán bunsik bán gimbap và các món ăn nhẹ là nơi tốt nhất để có thể có một bữa ăn nhanh chóng, nhưng giờ đây các cửa hàng tiện lợi bán nhiều loại thực phẩm ăn liền và quán cà phê bán với các loại bánh mì sandwich đang đảm nhận vai trò đó. Thực tế là với việc ngày càng có nhiều loại thực phẩm có thể ăn thuận tiện hơn gimbap cũng đã tác động đến sự suy giảm số lượng các nhà hàng gimbap".

Trên thực tế, vào năm 2022, khi số lượng quán gimbap bắt đầu giảm thì số lượng cửa hàng tiện lợi lại tăng 7,1% so với năm trước đó lên 57.617 cửa hàng. Số lượng quán cà phê cũng tăng 4,5% lên 100.729 quán.

Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng chi phí nhân công cao hơn do tính chất của một nhà hàng gimbap đòi hỏi mọi người phải làm gimbap thường xuyên cũng là một yếu tố gây khó khăn cho việc vận hành một nhà hàng kimbap.

Quan chức của một công ty nhượng quyền gimbap cũng cho hay: "Mặc dù cuộn gimbap có vẻ dễ dàng nhưng đòi hỏi kỹ năng và những người có kỹ năng thì chắc chắn sẽ không làm việc với mức lương tối thiểu. Thông thường một nhà hàng gimbap cần ít nhất 3 người, bao gồm người cuộn gimbap, người nấu các món khác trong bếp, người phục vụ và dọn bàn nên chi phí nhân công thường cao hơn so với các quán bán món khác".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기