Kinh tế Chính trị

Hàn Quốc tăng cường hợp tác với Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thương mại toàn cầu

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)09:47 15-04-2025
Chính phủ Hàn Quốc đang triển khai một kế hoạch toàn diện nhằm mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam. Điều này được hiểu là một nỗ lực nhằm tăng cường thương mại với Việt Nam và ứng phó với sự cạnh tranh bá quyền toàn cầu, chính sách Nước Mỹ trên hết và cuộc chiến thuế quan của chính phủ Mỹ.
 
Ngay sau các khóa họp Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã ký kết các văn kiện hợp tác ẢnhBộ Công thương Việt Nam
Ngay sau các khóa họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã ký kết các văn kiện hợp tác. [Ảnh=Bộ Công thương Việt Nam]
Ngày 14 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) Ahn Duk-geun đã có chuyến thăm đến Việt Nam.

Trong cùng ngày, Bộ trưởng Ahn đã cùng Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam-Hàn Quốc và Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc để thảo luận về các biện pháp mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Tại kỳ họp, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về kết quả triển khai các thỏa thuận giữa hai Bộ tại Kỳ họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 13 và vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam-Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt khoảng 81,5 tỷ USD, tăng 7,3% so với năm 2023.

Nhận định thương mại quốc tế nói chung, Việt Nam và Hàn Quốc nói riêng đang chịu tác động mạnh do chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại, hai Bộ trưởng khẳng định việc tăng cường hợp tác về thương mại Việt Nam-Hàn Quốc là hết sức quan trọng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp 2 nước.

Trên tinh thần đó, trong hợp tác thương mại, hai Bộ trưởng ghi nhận những kết quả tích cực sau 2 năm triển khai các Nhóm công tác 'Korea Plus tại Việt Nam' và 'Viet Nam Plus tại Hàn Quốc', đồng thời nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua các nhóm công tác này để cùng nghiên cứu, đề xuất các dự án hợp tác và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các hoạt động, nhiệm vụ theo Kế hoạch hành động đã thống nhất, hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương 150 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn vào năm 2030, đồng thời đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong một số lĩnh vực như đối thoại về phân phối và logistics.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tổ chức các hội thảo giao thương, trao đổi các đoàn xúc tiến thương mại tham dự hội chợ, triển lãm lớn tại mỗi nước; Giải quyết vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt Hàn Quốc đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam; Hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các khuôn khổ đa phương, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (ASEAN-Hàn Quốc, RCEP…) và các khuôn khổ kinh tế khác (APEC, IPEF…).

Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng nhất trí giao cấp kỹ thuật hai bên phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả dự án Trung tâm hợp tác công nghệ chuỗi cung ứng khoáng sản thiết yếu Việt Nam-Hàn Quốc trên cơ sở Biên bản ghi nhớ được hai Bên ký kết vào tháng 6/2023.

Hai bên cũng đã thảo luận, thống nhất các hoạt động thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nguyên vật liệu, linh kiện trung và dài hạn thông qua vận hành Trung tâm tư vấn công nghệ và giải pháp Việt Nam giai đoạn 2 (VITASK 2); Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung cũng như nhân lực ngành đóng tàu cho Việt Nam để kết nối các cơ hội nghề nghiệp trong bối cảnh Hàn Quốc đang thiếu hụt lao động trong ngành này; Tăng cường kết nối đầu tư và hợp tác, giải quyết các vướng mắc trong các ngành ôtô, thuốc lá, công nghiệp máy… Hàn Quốc cũng nhất trí tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.

Trong lĩnh vực năng lượng, các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực điện lực, dầu khí, năng lượng sạch, điện hạt nhân… cũng được hai Bộ trưởng thảo luận và thống nhất tại Kỳ họp. Phía Việt Nam hoan nghênh sự tham gia, mở rộng đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào các dự án LNG, các dự án dầu khí trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả đầu tư và hài hòa lợi ích, tuân thủ quy định của pháp luật và bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Phía Việt Nam đánh giá cao tiến độ thử nghiệm công nghệ đồng đốt amoniac tại Hàn Quốc và đề nghị phía Hàn Quốc phối hợp chặt chẽ với đối tác Việt Nam để nghiên cứu và triển khai công nghệ này tại Việt Nam.

Tại Kỳ họp lần thứ 8 của Ủy ban hỗn hợp thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, hai đồng Chủ trì hoan nghênh việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc được triển khai thuận lợi, hiệu quả trong 10 năm qua. Đánh dấu sự phát triển đáng kể và ổn định của thương mại hàng hóa hai chiều bất chấp những bất ổn của kinh tế thế giới, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc đối với việc mở rộng thương mại và đầu tư, góp phần hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 150 tỷ USD vào năm 2030.

Hai Bộ trưởng đã trao đổi và nhất trí về phương hướng triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực như hải quan và xuất xứ hàng hóa, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm định động thực vật, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại... nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực thi và tận dụng tối đa những lợi ích mà Hiệp định VKFTA mang lại.

Kết thúc hai kỳ họp, hai Bộ trưởng đã cùng ký kết 3 văn kiện bao gồm: Biên bản kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng Việt Nam-Hàn Quốc; Tuyên bố chung của Kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc; Kế hoạch hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 150 tỷ USD theo hướng cân bằng hơn.

Ngoài ra, hai Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ ký và trao 2 văn kiện, gồm: Biên bản ghi nhớ về điện hạt nhân giữa Cục Điện lực (Bộ Công Thương Việt Nam) và Cục Chính sách công nghiệp hạt nhân, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc; Biên bản ghi nhớ giữa Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) và Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO).
 
Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Ahn Duk-geun đã đến thăm Trung tâm RD của Samsung Electronics tại Hà Nội Việt Nam vào ngày 14 theo giờ địa phương và nghe Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Na Ki-hong báo cáo về tình hình hoạt động của trung tâm ẢnhMOTIE
Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Ahn Duk-geun đã đến thăm Trung tâm R&D của Samsung Electronics tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 14 (theo giờ địa phương) và nghe Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Na Ki-hong báo cáo về tình hình hoạt động của trung tâm. [Ảnh=MOTIE]
Buổi chiều cùng ngày, Bộ trưởng Ahn Duk-geun đã có buổi gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh tại Việt Nam để lắng nghe những khó khăn của họ liên quan đến thuế đối ứng của chính phủ Mỹ và các vấn đề thương mại hiện tại khác với Mỹ, đồng thời thảo luận về các biện pháp hỗ trợ.

Cuộc họp với các doanh nghiệp có sự tham dự của đại diện từ 16 tập đoàn bao gồm Samsung Electronics, LG Electronics, Heesung Electronics, KEB Hana Financial Group, Hyundai Motor Company, Shinhan Bank, SK, GS Energy, Hanwha Energy và Doosan Energy, v.v..

Bộ trưởng MOTIE cho biết, "Bộ sẽ tiếp tục trao đổi tích cực với chính phủ Mỹ cũng như chính phủ Việt Nam thông qua các cuộc đàm phán cấp cao và tham vấn liên chính phủ để giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기