Đời sống Xã hội

[K-Pop đã thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào?] Sự nhiệt tình vừa phức tạp vừa tinh tế…Nhật Bản đối diện với thời đại Kpop

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:59 08-10-2021
"Hiện tại, Hàn Quốc đang dẫn đầu về cả điện ảnh và âm nhạc. Thời điểm khi nhóm nhạc TVXQ ra mắt, Nhật Bản vẫn còn trong vị thế đi trước Hàn Quốc một chút, nhưng giờ đây chúng ta đã nhanh chóng bị vượt qua."

Đây là lời của Shunichi Tokura, Cục trưởng Cục Văn hóa Nhật Bản, người mới nhậm chức vào tháng 4, trong cuộc gặp đầu tiên với các phóng viên. Cùng ngày, Cục trưởng Tokura thông báo rằng các cơ quan quốc gia cũng sẽ đóng vai trò tích cực trong tương lai và hướng tới mục tiêu đưa văn hóa đại chúng Nhật Bản trở nên 'toàn cầu'. Việc một quan chức chính phủ phụ trách phát triển văn hóa ngay khi vừa nhậm chức đã đề cập đến một quốc gia cụ thể (Hàn Quốc) đang vượt qua nền văn hóa của chính đất nước mình có thể coi là một điều bất thường. Điều này cho thấy quan điểm hiện tại của Nhật Bản về việc mở rộng văn hóa Hàn Quốc.

Nội dung văn hóa Hàn Quốc đang mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới, cũng không ngừng gia tăng nhanh chóng sự hiện diện ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nội dung văn hóa Hàn Quốc, bao gồm cả K-pop, là những đối thủ đáng gờm đã vượt qua văn hóa Nhật Bản, vốn là nền văn hóa dẫn đầu thị trường châu Á, đồng thời cũng là những mặt hàng tiêu dùng do Hàn Quốc sản xuất gây khó chịu cho Nhật Bản bởi những vấn đề bên lề liên quan đến chính trị và lịch sử. Do đó, sự chấp nhận K-pop ở Nhật Bản rất khác so với các quốc gia khác, có thể được miêu tả bằng cụm từ 'sự nhiệt tình phức tạp và tinh tế'.

 

[Graphic=Kim Hyo-gon/AJU News]

 
"Tôi vừa thích mà lại vừa không thích"…'Sự nhiệt tình phức tạp và tinh tế' xen lẫn với hiềm khích

Năm 2020, Nhật Bản chiếm vị trí số 1 trên thế giới với tiêu chuẩn người dùng (Unique Voices) sử dụng nhiều tweet liên quan đến K-pop. Điều này phản ánh sự tồn tại mạnh mẽ của K-pop tại Nhật Bản. Hiện tượng này cũng xuất hiện trên thị trường thực tế khi có đến 26 album K-pop lọt vào top 100 của bảng xếp hạng album hàng năm của Oricon vào năm 2020. Tính đến tháng 7 năm ngoái, số lượng album Hàn Quốc nằm trong top 50 doanh số bán đĩa CD hàng tháng đã đạt con số khổng lồ là 13.

Vào đầu những năm 2000, người ta thường đánh giá rằng làn sóng âm nhạc Hàn Quốc bắt đầu ở Nhật Bản khi BoA trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Nhật Bản với album đầu tay "Listen To My Heart". Kể từ đó, các nhóm nam thế hệ thứ hai như TVXQ, Big Bang và SHINee, và các nhóm nữ như Girls 'Generation và Kara, cũng trở nên nổi tiếng. Tuy nhiên, sau vài năm tạm lắng, khi các nhóm nhạc như Twice nổi tiếng trở lại, người hâm mộ K-pop tại Nhật Bản bắt đầu phát triển trở lại từ giữa đến cuối những năm 2010. Theo Tạp chí Giải trí Nikkei của Nhật Bản, TVXQ đã lập kỷ lục mới với 1,28 triệu khán giả tại Nhật Bản cho các buổi biểu diễn lưu diễn chỉ trong năm 2018.

Shirakawa Tsukasa, một nhà phê bình văn hóa, đồng thời là một dịch giả, trong một bài báo đăng trên phương tiện truyền thông trực tuyến Diamond Online của Nhật Bản với tiêu đề 'Tại sao giới trẻ Nhật Bản lại say mê K-Pop' (K-POPが日本の若者を熱狂させる理由) cho biết "Khi ngành công nghiệp thần tượng của Nhật Bản chuyển sang mô hình lợi nhuận tập trung vào bán đĩa CD và các cuộc gặp gỡ trực tiếp, đối tượng tiêu thụ loại hình dịch vụ này đã dần chuyển sang tầng lớp trung niên bao gồm những người vừa có kinh tế và vừa có thời gian. Mặt khác, những người trẻ tuổi không đủ khả năng chi trả đã chuyển hướng sang các thần tượng K-pop, loại hình dịch vụ có thể dễ dàng tiếp cận thông qua Internet, chẳng hạn như YouTube."

Khi sô lượng người tìm đến thần tượng K-pop tăng lên, quan điểm về thần tượng trong văn hóa Nhật Bản cũng thay đổi. Nhà phê bình Shirakawa chỉ ra: "Theo truyền thống, thần tượng Nhật Bản là đối tượng được 'ủng hộ', nhưng đối với nhiều người trẻ Nhật Bản hiện nay, thần tượng có nhiều tài năng giải trí và đã trở thành 'niềm khao khát' được tiêu dùng". Ở Nhật Bản, có một văn hóa độc đáo là ủng hộ thần tượng trong khi coi họ là 'chưa trưởng thành', nhưng khi lượng tiêu thụ K-pop trong giới trẻ tăng lên, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong số các nước Châu Á, Nhật Bản cũng là nước có quan niệm tiêu cực về tiêu dùng Làn sóng Hàn (Hallyu) khá cao. Theo Báo cáo Xu hướng Hallyu Toàn cầu năm 2021 do Cơ quan Giao lưu Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc công bố, Nhật Bản đạt 2,88 trong Chỉ số Hallyu (chỉ số đo lường mức độ phổ biến và tăng trưởng của Hallyu theo quốc gia), ghi nhận mức thấp nhất trong số các quốc gia lớn ở châu Á. Báo cáo cũng cho thấy Chỉ số Hallyu ở Nhật Bản có rất ít thay đổi trong ba năm qua (2018~2020). Mức độ sử dụng và tập trung Làn sóng Hàn Quốc cũng thấp nhất trong số các quốc gia lớn, và nổi bật là hội chứng Galápagos (Galápagos syndrome: là 1 thuật ngữ chỉ việc các sản phẩm của Nhật Bản phát triển theo 1 hướng khác so với thế giới) của văn hóa Nhật Bản.

Mặt khác, tỷ lệ đồng cảm với những nhận thức tiêu cực về Hallyu vẫn tăng đều đặn kể từ năm 2018. Điều này trái ngược với sự giảm sút tỷ lệ đồng cảm với những nhận thức tiêu cực về Hàn Quốc ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Tỷ lệ đồng cảm với những nhận thức tiêu cực là 29,8% vào năm 2018, 31,4% vào năm 2019 và 33,2% vào năm 2020. Xung đột chính trị và ngoại giao với Hàn Quốc (41,6%) là những lý do phổ biến nhất để tỷ lệ này tăng cao, tiếp theo là mối quan hệ lịch sử với Hàn Quốc (34,9%) và tính dân tộc không tích cực của Hàn Quốc (31,6%). Có thể thấy hầu hết các yếu tố bên ngoài nội dung có tác động tiêu cực đến nhận thức của Hallyu. Đặc biệt, lý do đề cập đến tính dân tộc không tích cực của Hàn Quốc cũng phản ánh cảm xúc 'bài Hàn' (thù ghét Hàn Quốc) ngày càng tăng ở Nhật Bản.

 

Nữ ca sĩ BoA. [Ảnh=SM Entertainment]

 
Sự trỗi dậy của lý thuyết phản ánh J-pop…"Cần ngăn chặn vấn đề rò rỉ tài năng âm nhạc"

Vào đầu những năm 2000, Nhật Bản dẫn đầu thị trường âm nhạc châu Á bằng cách tạo ra một fandom J-pop. Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim không kéo dài. Sách trắng về ngành công nghiệp âm nhạc năm 2020 do Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc phát hành cho biết, "Nhật Bản là một trong những thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới và là một nền công nghiệp âm nhạc tiên tiến dẫn đầu thị trường châu Á cho đến đầu những năm 2000. Do sự lan rộng của văn hóa thần tượng, vốn sử dụng việc hình thành cảm xúc giữa người hâm mộ và nghệ sĩ (hơn là âm nhạc) làm phương pháp tiếp thị chính thì dần dà ranh giới giữa biên giới và thể loại cũng bị xóa nhòa. Người ta đánh giá rằng Nhật Bản dường như đang tụt hậu so với dòng chảy của thị trường thế giới, vốn đang được tổ chức lại xung quanh hình thức tiêu thụ như phát nhạc trực tuyến (online streaming)."

Cảm giác khủng hoảng này cũng phổ biến ở Nhật Bản. Soichiro Matsutani, một nhà báo và phóng viên giải trí Nhật Bản, cho biết: “Trong một thời gian dài, tiềm năng phát triển của các nhóm nam ở nước ngoài là cực kỳ hạn chế ở Nhật Bản, nơi các nghệ sĩ của Johnny đã thống trị truyền hình mặt đất.Tuy nhiên, vào những năm 2010, K-pop sử dụng các phương tiện Internet như YouTube đã mở cửa thị trường Nhật Bản. Âm nhạc đại chúng của Nhật Bản, vốn nằm trong môi trường Galápagos, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu ngay lập tức."

Phóng viên Matsutani cho biết, "Theo nghiên cứu của riêng chúng tôi, có hơn 30 nghệ sĩ giải trí gốc Nhật Bản đã ra mắt với tư cách là nghệ sĩ K-pop vào tháng 9 năm ngoái. Và trên thực tế, có thể thấy rằng họ đã và đang nỗ lực luyện tập hơn gấp 10 đến 100 lần so với việc ra mắt ở Nhật Bản. Với nhiều người trẻ, điều này chỉ đồng nghĩa với việc họ đang cố gắng xây dựng tương lai của mình ở Hàn Quốc, nhưng đối với ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản, đây không khác gì việc rò rỉ tài năng.”

Miyawaki Sakura, người từng là center của AKB48, ngôi sao hàng đầu của nhóm nhạc nữ xuất sắc nhất Nhật Bản, đã ký hợp đồng với HYBE ở Hàn Quốc, cũng đang cho thấy xu hướng gần đây.

Khi sức ảnh hưởng của K-pop ngày càng phát triển trong mọi khía cạnh văn hóa, thì văn hóa thần tượng ở Nhật Bản ngày càng được quan tâm. Sau sự ra đi của Yasuko Fujishima, chủ tịch danh dự của Johnny, một công ty giải trí lớn của Nhật Bản, đã xuất hiện một lý thuyết tự phát đề cập đến tính cần thiết của việc cải thiện hệ thống giải trí ở Nhật Bản.

 

Nhóm nhạc TWICE. [Ảnh=JYP Entertainment]

 
Những người Nhật đến Hàn Quốc thông qua âm nhạc và câu chuyện của họ

Câu chuyện đầu tiên trong chuyên mục 'K-pop đã thay đổi cuộc sống của tôi như thế nào?' chúng tôi sẽ đưa tới cho độc giả về các khía cạnh khác nhau của sự chấp nhận K-pop ở quốc gia láng giềng là Nhật Bản. Chẳng hạn như Hiroko Sasa, một trợ lý giáo sư tại Cyber Hankuk University of Foreign Studies người đã 'phải lòng' Hàn Quốc thông qua con đường âm nhạc hay những bạn trẻ có ước mơ bước chân vào làng giải trí Hàn Quốc như Takeyuchi Miyu, cựu thành viên của nhóm nhạc thần tượng nữ Nhật Bản AKB48 Team B và hiện đang hoạt động tại Hàn Quốc. 

Trong số tiếp theo, chúng ta cũng sẽ cùng lắng nghe câu chuyện và cả những lo lắng của họ - những người trẻ tuổi tiêu thụ văn hóa K-pop trong môi trường tương đối độc đáo là Nhật Bản.

[Bài viết gốc được thực hiện bởi phóng viên Yoon Eun-sook (Trưởng phòng Quốc tế)]

◆ Bài viết này được thực hiện với sự hỗ trợ chi phí của Tổ chức Báo chí Hàn Quốc (Korea Press Foundation).

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기