Kinh tế Chính trị

Ngành thực phẩm và mỹ phẩm Hàn Quốc gia tăng lo lắng trước mức thuế đối ứng 25% của Mỹ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:21 09-07-2025
Các cuộc đàm phán thuế quan giữa Hàn Quốc và Mỹ đã bị hoãn lại một lần nữa khiến ngành công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm Hàn Quốc tiếp tục cảm thấy lo lắng. Các ngành này đang theo dõi quá trình đàm phán của chính phủ và chuẩn bị các biện pháp đối phó, tuy nhiên nếu thuế quan được áp dụng theo đúng lịch trình, việc bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi.
 
Sulwhasoo thương hiệu mỹ phẩm của Amorepacific đã thâm nhập vào Macys chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất tại Mỹ ẢnhAmorepacific
Sulwhasoo, thương hiệu mỹ phẩm của Amorepacific, đã thâm nhập vào Macy's, chuỗi cửa hàng bách hóa lớn nhất tại Mỹ. [Ảnh=Amorepacific]
Trong lá thư gửi đến Tổng thống Lee Jae-myung được công bố trên mạng xã hội (SNS) Truth Social vào ngày 7 (theo giờ địa phương), Tổng thống Trump tuyên bố, "Bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 năm 2025, chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm của Hàn Quốc được xuất khẩu sang Mỹ và mức thuế này tách biệt với mức thuế hiện có với các mặt hàng riêng lẻ".

Sau khi hoãn áp dụng thuế đối ứng trong 90 ngày vào ngày 9 tháng 4, Tổng thống Trump đã tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Hàn Quốc, trong thời gian này, mức thuế vẫn giữ ở mức cơ bản 10%.

Tuy nhiên sau khi chưa thể đạt được thỏa thuận với các quốc gia, ngày 7 Tổng thống Mỹ đã đăng tải bức thư với nội dung "sẽ áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa của Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 1 tháng 8, trừ khi Seoul đồng ý với một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ".

Cho tới thời hạn ngày 1/8, mức thuế áp dụng vẫn duy trì ở mức 10%.

Ngành công nghiệp thực phẩm, gần đây đã chứng kiến ​​sự bùng nổ trong xuất khẩu sang Mỹ, không thể che giấu sự lo lắng.

Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, xuất khẩu K-Food Plus (+), bao gồm thực phẩm tươi và chế biến, thuốc trừ sâu và hạt giống, trong nửa đầu năm nay đạt 6,67 tỷ đô la (khoảng 9 nghìn tỷ won), tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận con số cao nhất từ ​​trước đến nay. Riêng xuất khẩu sang Bắc Mỹ đạt 1,03 tỷ đô la, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, ngành công nghiệp dự đoán rằng Samyang Foods, công ty sản xuất ra mỳ gà cay 'Buldak Bokkeum Myeon', sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi thuế đối ứng mới (25%) được áp dụng.

Năm ngoái, doanh số bán hàng ở nước ngoài của Samyang Foods chiếm 77% (1.335,9 tỷ won) trong tổng doanh số bán hàng là 1.728 tỷ won và 28% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty được tạo ra tại thị trường Mỹ. Vì tất cả các sản phẩm đều được sản xuất tại Hàn Quốc nên tác động của thuế quan hoàn toàn do công ty chi trả.

Trước đó, vào tháng 4, Kim Dong-chan, Tổng giám đốc điều hành của Samyang Foods, tuyên bố rằng không có kế hoạch tăng giá ngay cả khi Mỹ áp dụng thuế đối ứng. Samyang Foods cho biết, "Trong khi quan sát quá trình đàm phán của chính phủ, chúng tôi đang chuẩn bị các biện pháp đối phó bằng cách tính toán trước cơ cấu chi phí theo khu vực ở nước ngoài thông qua nhóm phụ trách (TF) có liên quan".

Daesang, dẫn đầu trong lĩnh vực kim chi toàn cầu với thương hiệu 'Jongga', cũng không thoát khỏi tác động của thuế quan.

Daesang đã mở rộng sản xuất bằng cách xây dựng một nhà máy tại LA (Mỹ) vào năm 2022 và mua lại công ty địa phương Lucky Foods vào năm 2023, nhưng hiện khối lượng xuất khẩu từ Hàn Quốc vẫn gấp đôi sản lượng tại Mỹ.

Ngành công nghiệp mỹ phẩm Hàn Quốc (K-beauty), cũng đang trong tình trạng tương tự.

K-beauty đã và đang tăng thị phần của mình tại thị trường Mỹ bằng chiến lược giá thành phải chăng kết hợp với chất lượng cao tuy nhiên có không ít ý kiến cho thấy khả năng cạnh tranh dựa trên giá của ngành này sẽ yếu đi nếu mức thuế đối ứng 25% được áp dụng.

Theo Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc, xuất khẩu mỹ phẩm trong nửa đầu năm nay đạt 5,5 tỷ đô la (khoảng 7,5 nghìn tỷ won), tăng 14,8% so với nửa đầu năm ngoái, phá vỡ mức cao kỷ lục. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 1,02 tỷ đô la (khoảng 1,38 nghìn tỷ won), tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái; thị phần xuất khẩu sang Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng tăng lên 18,5%.

Các công ty OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc) mỹ phẩm có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Mỹ khi thuế quan chính thức được xác nhận.

Kolmar Korea đã tăng công suất sản xuất hàng năm lên 300 triệu sản phẩm kể từ khi nhà máy thứ hai tại Pennsylvania bắt đầu hoạt động vào tháng 6/2025. Đây là mức tăng 66% so với 180 triệu sản phẩm trước đó.

Cosmax cũng có kế hoạch tăng sản lượng tại địa phương tập trung vào công ty con tại Mỹ, 'Cosmax USA'. Nhà máy Cosmax USA ở New Jersey, miền đông nước Mỹ, sản xuất 280 triệu sản phẩm, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của công ty mỗi năm.

Tuy nhiên, LG Household & Health Care và Amorepacific, các công ty không có cơ sở sản xuất tại Mỹ, sẽ phải gánh toàn bộ gánh nặng thuế quan.

Amorepacific có kế hoạch đầu tư vào các cơ sở sản xuất và hậu cần tại Mỹ trong vòng 3 đến 5 năm tới.

LG Household & Health Care vẫn chưa công bố kế hoạch đầu tư vào các cơ sở sản xuất tại Bắc Mỹ, nhưng gần đây đã quyết định tăng vốn thêm 130 triệu đô la (khoảng 180 tỷ won) cho công ty con tại Mỹ là LG H&H USA và đang củng cố các kênh phân phối tại địa phương. LG H&H USA đang bán các thương hiệu chủ lực của công ty các cửa hàng mỹ phẩm lớn tại địa phương.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기