Kinh tế Chính trị

Áp lực nợ nần, bong bóng thị trường tài sản gây khó cho nỗ lực bình thường hóa tài chính của Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)08:41 15-10-2021
Với áp lực lạm phát gia tăng ở Hàn Quốc và việc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) sắp tăng lãi suất, tâm lý lo lắng của những người đi vay càng gia tăng. Dưới tác động kéo dài của dịch coronavirus mới (Covid-19), chính phủ các nước khác nhau bao gồm cả Hàn Quốc đã bắt đầu thắt chặt các quy định cho vay và từng bước tăng lãi suất cơ bản thì tình trạng "vay nợ để đầu tư" cũng sẽ dần bị thu hẹp. Một số nhà quan sát đã chỉ ra rằng khi bong bóng tài sản dần lắng xuống, gánh nặng trả nợ của những người đi vay cũng sẽ tăng lên.

 

[Ảnh=Yonhap News]

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 0,75% tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Tiền tệ trong tháng 10, nhưng Thống đốc Lee Joo Yeol ám chỉ thị trường sẽ tăng lãi suất vào tháng tới. Các nhà phân tích tin rằng các khoản nợ hộ gia đình hơn 1.000 nghìn tỷ won của các ngân hàng thương mại sẽ phải chịu gánh nặng không nhỏ khi lãi suất được nâng lên.

Theo dữ liệu 'Xu hướng thị trường tài chính' do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố vào ngày 13, có thể thấy số dư các khoản vay hộ gia đình trong tháng 9 năm nay là 1.052.700 tỷ won, tăng 63,9 nghìn tỷ won so với đầu năm. Tính trên cơ sở từ tháng 1~9, mặc dù mức tăng cho vay hộ gia đình trong năm nay đã giảm so với năm ngoái (69,6 nghìn tỷ won), nhưng vẫn cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019 (39,4 nghìn tỷ won).

Chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ tăng lãi suất để kiềm chế sự gia tăng nhanh chóng của giá cả và giảm rủi ro nợ hộ gia đình. Theo một báo cáo, khi lãi suất chuẩn được tăng thêm 0,25 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lãi suất cho vay hộ gia đình hàng năm sẽ tăng lần lượt 2,9 nghìn tỷ won và 5,8 nghìn tỷ won, và gánh nặng lãi vay bình quân đầu người sẽ tăng thêm 150.000 và 300.000 won.

Có thể thấy, thị trường tài sản đã đạt đến mức cảnh báo với hiện tượng "vay nợ để đầu tư".

Báo cáo 'Tình hình ổn định tài chính' do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố ngày 24/9 chỉ ra rằng "Việc tập trung vốn vào thị trường tài sản và giá tài bất động sản tăng cao có thể cản trở sự ổn định tài chính nếu tâm lý của các nhà đầu tư thay đổi nhanh chóng do các ảnh hưởng từ các thông tin trong và ngoài nước". Dịch bệnh kéo dài cũng đã làm tăng tính không chắc chắn trong phục hồi kinh tế, và rủi ro tín dụng của các nhà đầu tư dễ bị tổn thương (không có tiềm lực tài chính chắc chắn) sẽ ngày càng tăng.

Theo số liệu công bố của ngành tài chính, quy mô nợ của thế hệ nhà đầu tư trẻ tuổi (20~39 tuổi) của Hàn Quốc đang tăng nhanh, trong quý II/2021, khoản nợ của các hộ gia đình trong độ tuổi thanh niên tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với các nhóm tuổi khác (7,8%). Cùng với đà tăng của giá nhà, các khoản vay cho quỹ jeonse (thuê nhà trả tiền theo năm) ở độ tuổi 20 và 30 đã tăng 21,2%, và các khoản vay tín dụng cũng tăng 20,1%. Một phần của khoản vay tín dụng được cho là đã được đầu tư vào cổ phiếu.

Theo số liệu từ Dịch vụ Giám sát Tài chính, khách hàng chính của hoạt động vay giao dịch tín dụng của 10 công ty chứng khoán lớn ở Hàn Quốc chủ yếu là các nhà đầu tư trẻ. Vào cuối tháng 6 năm nay, tổng khoản nợ tín dụng của người dân Hàn Quốc từ 19~29 tuổi là 532,4 tỷ won, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2019; tổng nợ tín dụng của tất cả các nhóm tuổi là 19.882,4 tỷ won, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong nửa đầu năm nay, cư dân Hàn Quốc trong độ tuổi từ 10~39 đã vay 38,7 nghìn tỷ won từ các công ty chứng khoán để đầu tư vào cổ phiếu, bằng 68% tổng số của cả năm ngoái.

Một số nhà phân tích trong ngành cho rằng việc tăng lãi suất chuẩn không chỉ dẫn đến tăng lãi suất vay của các ngân hàng thương mại, mà còn làm tăng lãi suất từ các tổ chức tài chính thứ cấp. Trong trường hợp giá trị cổ phiếu được mua bằng các khoản vay mất giá thì thiệt hại của nhà đầu tư sẽ tăng gấp đôi.

Tháng trước, Dịch vụ Giám sát Tài chính đã đưa ra cảnh báo đối với hành vi đi "vay nợ để đầu tư" khi xem xét rằng khả năng thị trường chứng khoán biến động gia tăng trong thời gian gần đây, và các trường hợp thua lỗ do không lường hết rủi ro trong các giao dịch tài chính đang xảy ra.

Cách đây không lâu, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 3.000 điểm, đây được coi là tín hiệu cho thấy bong bóng trên thị trường tài sản đã bắt đầu vỡ. Các nhà phân tích tin rằng chính phủ và các cơ quan tài chính, vốn đang giữ lại các khoản vay hộ gia đình như thế chấp và cho vay tín dụng, có kế hoạch thực hiện các biện pháp bổ sung trong tháng này, và dự kiến ​​sẽ mất một thời gian để ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, vốn đã tăng giá chóng mặt

Kim So-young, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng "Thắt chặt thanh khoản là cách duy nhất để bình thường hóa thị trường tài chính. Tuy nhiên, chúng ta cần giảm dần mức nợ và bong bóng thị trường tài sản để giảm thiểu các tác động quá đột ngột tới thị trường."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기