Giới thiệu 9 món cơm đặc trưng của người Việt Nam
Việt Nam là một đất nước được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều sản vật quý giá với điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, từ xưa đến nay, người Việt Nam vẫn luôn có thói quen “ăn cơm no lâu chắc bụng”… Cơm với người Việt nam không chỉ là một loại thức ăn mà thường được coi là món ăn chính trong các bữa ăn.
Việt Nam với đất nước trải dài, chia làm 3 vùng miền rõ rệt, chính vì vậy tùy vùng miền cơm cũng có nhiều loại và cách nấu được biến thể khác nhau. Có thể kể đến cơm lam, cơm gà, cơm nêu, cơm hến, cơm sen, cơm âm phủ, cơm tấm, cơm dừa, cơm ghẹ…
▲ Cơm lam: Vùng Tam Kim, Bắc Hợp thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) được tiếng là cơm lam ngon hơn nhiều vùng khác. Cơm lam muốn ngon, đầu tiên phải có loại gạo nếp ngon, được trồng trên nương. Dụng cụ để nấu chính là ống nứa hoặc tre non, gạo sau khi ngâm nước sẽ được dồn vào ống, rồi nút lại bằng lá chuối non. Sau đó đem nướng ống nứa này, đến khi cháy xém bên ngoài, thì chẻ dần phần tre nứa cháy đi và lấy phần cơm trắng còn trong ống. Cơm lam thường ăn với muối mè hoặc thịt khô đã nướng chín trên cùng bếp lửa.
▲ Cơm gà: Cơm gà Tam Kỳ (Quảng Nam), cơm ngon hay không quan trọng là do sự lựa chọn gà, gà ta được chăn thả nhưng phải là gà mái tơ. Nước nấu cơm được sử dụng là nước luộc gà, nên khi cơm chín thường ngả màu vàng bóng, săn chắc nhưng lại mềm mại, thơm nức từ gạo, gà và hương lá dứa. Ngoài ra gia vị làm nên hương vị đặc biệt cho món cơm gà Tam Kỳ còn có một ít rau răm, nước mắm ớt tỏi, dưa leo, lá chanh…
▲ Cơm niêu: niêu đất là một vật dụng không thể thiếu trong bất kỳ gian bếp nào của người Việt xưa, chất chưa bao nhiêu chân tình và hồn dân tộc. Loại gạo dùng để nấu cơm niêu ngon nhất là gạo Tám. Đặc biệt ở đây là lớp cơm cháy màu vàng dòn đều xung quanh, ở giữa là ổ cơm chín dẻo thơm với hương lúa mới. Cơm niêu thường được ăn kèm với các món ăn đơn giản như cá kho tộ, cà pháp mắm tôm, canh cua rau đay…
▲ Cơm hến: Ở Huế có một cù lao nhỏ có hình dạng hao như con hến và người dân ở đây chuyên làm nghề cào hến nên cù lao này được gọi là cồn Hến. Tại đây, nổi tiếng với món cơm hến đặc trưng của con người xứ Huế mộng mơ. Thành phần tạo nên một tô cơm hến có đến mười mấy loại, mỗi thứ một vị nhưng khi trộn lẫn vào nhau, lại bổ sung cho nhau một cách hài hòa.
▲ Cơm sen: Sen là quốc hoa của người Việt Nam, ở Huế mùa hè là mùa sen rộ. Sen là loại thực phẩm đặc biệt trong số nguyên liệu ẩm thực Việt Nam, bởi từ củ rễ, hoa, lá, nhụy đến ngó sen đều có thể sử dụng vào những món ăn hoặc cho ra những liều thuốc quý. Hạt sen Huế ngon nhất phải kể đến là sen Tịnh Tâm, hạt sen to tròn đều, sau khi luộc thường mềm, bở, ăn vào có vị ngọt dễ chịu và có hương thơm. Ngoài ra điều đặc biệt là cơm sen thương được gói trong lá sen; cơm sen ăn kèm với thịt ba chỉ, tôm tươi, lạp xưởng, cà rốt, trừng, chả lụa, chả quế…
▲ Cơm âm phủ: Cơm “âm phủ” có nguồn gốc từ một quán ăn nhỏ ở vùng Đất Mới, thường mở về đêm khuya dưới những ánh đèn mờ nên cái tên gọi “Âm phủ” ra đời từ đó. Cơm âm phủ được tạo nên bởi những thành phần nguyên liệu đa dạng, đa màu sắc. Dựa trên triết lý của Phật giáo, 7 màu sắc bày trên đĩa cơm tượng trưng cho 7 bước chân đầu tiên của Đức Phật.
▲ Cơm tấm: Trong quá trình xay giã gạo, hột mầm của gạo tróc ra được gọi là tấm, cùng với một thứ bột mịn gọi là cám. Theo cổ tục chốn làng xã Việt Nam, tấm thường được dành để nấu riêng cho các bậc hương chức; tấm ngon vì là mầm gạo, kết tinh của cả hạt gạo để tạo ra một chồi sống khác. Cơm tấm Sài Gòn là một món ăn quen thuộc, từ những quán xá đơn sơ đến nhà hàng ẩm thực sang trọng. Sườn heo nướng là món ăn kèm quen thuộc nhất, bên cạnh đó còn có chả bì, nước mắm chua ngọt đậm đà hương vị.
▲ Cơm dừa: Bến Tre, xứ dừa nổi tiếng với các sản phẩm như kẹo dừa, rượu dừa, nước dừa xiêm… Bên cạnh đó, với trái dừa xiêm, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây đã nâng cấp món cơm dân dã hằng ngày, trở thành một đặc sản với thực khách bằng món cơm dừa béo ngậy. Khác với cơm lam bỏ trong ống tre rồi nướng trực tiếp trên lửa, cơm dừa được nấu với nước dừa và hấp cách thủy trong nồi. Cơm dừa thường ăn kèm với tôm đất rang, cơm dừa thường có vị béo và ngòn ngọt, đúng như sở thích của người dân miền Tây.
▲ Cơm ghẹ: Ở Việt Nam, miền Bắc thì gọi là cơm rang, miền Nam gọi là cơm chiên, thì ở Phú Quốc gọi là cơm xào với cách chế biến tương tự, tuy nhiên ở Phú Quốc nguyên liệu chính là con ghẹ. Cơm ghẹ Phú Quốc với thành phần chính là cơm trắng, thịt ghẹ bóc vỏ xé nhỏ trộn với tỏi, hành tây xắt lát mỏng và một ít tương cà giúp món ăn thêm màu đẹp mắt. Cơm ghẹ sau khi chế biến xong có màu vàng ươm, hạt cơm căng mọng bóng bẩy, khi ăn có vị thơm ngọt, đậm đà của thịt ghẹ. Thưởng thức món ăn cùng với một ít rau tươi, dưa chuột và cà chua cắt lát giúp đưa đẩy vị giác.
Có thể nói, hạt lúa Việt Nam qua nhiều vùng miền, với nét văn hóa độc đáo của từng địa phương, cơm được thêm thắt, cải biến thành nhiều món ăn khác nhau nhưng vẫn luôn thấm đọng tinh thần đặc trưng của con người Việt Nam, bữa cơm Việt là sự ấm áp, gần gũi, thân thương của gia đình, là hình ảnh quê hương với những gì đơn sơ giản dị nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Món cơm Việt Nam gợi lên bao nhiêu thương nhớ đối với những người xa quê hương và không ngừng làm say lòng bao nhiêu thực khách gần xa.