Đời sống Xã hội

Hàn Quốc phóng thành công tên lửa thử nghiệm Nuri

Thanh Phương (thanhphuongdlu@ajunews.com)08:55 29-11-2018
 

[Ảnh=Trung tâm vũ trụ Hàn Quốc]


Hôm qua 28 tháng 11, Đài Phát thanh và Truyền hình Hàn Quốc đưa tin, Bộ Khoa học, công nghệ, thông tin và truyền thông Hàn Quốc đã phóng thử tên lửa Nuri vào chiều cùng ngày tại Trung tâm vũ trụ Naro (huyện Goheung, tỉnh Nam Jeolla).

Nuri là tên lửa đẩy ba tầng được phát triển hoàn toàn bằng công nghệ trong nước. Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc cho biết, nếu trong vụ phóng thử nghiệm, thời gian đốt cháy nhiên liệu của động cơ đạt trên 140 giây thì có nghĩa là vụ phóng đã thành công.

Tên lửa thử nghiệm được phóng lần này là tầng 2 của tên lửa đẩy Nuri do Hàn Quốc tự phát triển gồm 3 tầng. Vụ phóng thử nhằm kiểm chứng tính năng của động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng 75 tấn được lắp trên tên lửa đẩy Nuri. Chiều dài của tên lửa thử nghiệm là 25,8m, đường kính tối đa là 2,6m, trọng lượng 52,1 tấn.
 

[Ảnh = Yonhap News]


Tên lửa thử nghiệm dự kiến sẽ đạt độ cao 200km như mục tiêu đề ra trong vòng năm phút, rồi sau đó rơi xuống vùng biển quốc tế nằm giữa đảo Jeju và đảo Okinawa của Nhật Bản.

Nếu vụ phóng thử diễn ra thành công, Hàn Quốc sẽ có thể đẩy nhanh quá trình phát triển tên lửa Nuri gắn bốn động cơ 75 tấn, tức có lực đẩy đạt 300 tấn. Tên lửa này dự kiến sẽ được sử dụng làm tên lửa đẩy để đưa vệ tinh ứng dụng 1,5 tấn lên quỹ đạo vào năm 2021

Được biết, thời gian đốt cháy nhiên liệu của động cơ tên lửa đã vượt quá mục tiêu đề ra là 140 giây, tức vụ phóng đã diễn ra thành công. Các tính năng của tên lửa thử nghiệm đã được chứng minh ổn định. Sau khi đạt tới độ cao cực đại, tên lửa đã rơi xuống biển.

Ban đầu, vụ phóng được ấn định vào ngày 25/10, nhưng do phát hiện một số vấn đề về hệ thống tăng áp nhiên liệu phản lực, nên lịch phóng đã được hoãn lại sang ngày 28/11.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기