Còn theo số liệu thống kê của Cơ quan dịch vụ tài nguyên tuần hoàn Hàn Quốc (KORA), trong năm 2017, lượng sử dụng nhựa trong đóng gói của Hàn Quốc trung bình là 64,12kg, cao hơn Mỹ (50,44kg) hay Trung Quốc (26,73kg).
Rác thải nhựa đang là một trong những vấn nạn nhức nhối đối với môi trường và hệ sinh thái toàn cầu. Giảm lượng sử dụng rác thải nhựa, tăng cường các sản phẩm đóng gói thân thiện với môi trường, cải thiện ý thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng lại các sản phẩm bao bì hoặc chai lọ đang là những biện pháp được chính phủ Hàn Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới ưu tiên thực hiện.
Chính phủ Hàn Quốc đã công bố đối sách tổng hợp với mục tiêu giảm 50% lượng rác thải nhựa đến năm 2030, đồng thời tăng tỷ lệ tái chế từ 34% trước đó lên đến 70%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về môi trường đang lên án chính phủ nước này khi tập trung vào việc ‘tái chế’ các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, thay vì nâng cao ý thức cộng đồng về việc ‘tái sử dụng’.
Từ 2008 ~ 2013, chỉ tính riêng chi phí Hàn Quốc sử dụng cho việc tái chế các chai nhựa từ nước uống đóng chai đã lên đến 48,13 tỷ won. Theo đó, các chuyên gia về môi trường đã chỉ ra rằng chính phủ cần hỗ trợ để có thể xây dựng cơ chế “trách nhiệm tái sử dụng đối với nhà sản xuất” (EPR), thay vì ưu tiên việc tái chế như hiện nay.