Kinh tế Chính trị

Bế tắc trong vấn đề Bắc Triều Tiên không ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng của Hàn Quốc

Minh Tân (mintyni@ajunews.com)21:06 05-04-2019

[Ảnh=예산군 제공]


Theo hãng tin Yonhap, Sự bế tắc trong quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ không ảnh hưởng đến xếp hạng chủ quyền của Hàn Quốc do khả năng Bình Nhưỡng gây hấn là cực kì thấp và do nền kinh tế đóng cửa của Triều Tiên. Quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên lâm vào bế tắc sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

“Tôi rất vui khi nói rằng việc Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội không đạt được thỏa thuận sẽ không có bất kì tác động xếp hạng đáng kể nào (đối với Hàn Quốc)… vì chúng tôi tin rằng Triều Tiên hoàn toàn không có động cơ nào để khơi mào chiến tranh hoặc tạo ra căng thẳng đến mức xuất hiện khả năng có chiến tranh”, Giám đốc cấp cao của Standard & Poor, KimEng Tan, phát biểu tại một cuộc họp báo.

Đáng lưu ý là cơ quan này đã không thay đổi đánh giá về Seoul khi Bình Nhưỡng đã tiến hành nhiều vụ thử tên lửa và hạt nhân. Ông Kim nói rằng tình hình ngày nay tốt hơn nhiều so với năm trước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Việt Nam vào tháng Hai. Tuy nhiên, cuộc họp rất được mong đợi này đã đột ngột kết thúc mà đưa ra được bất kì thỏa thuận có ý nghĩa nào.

Tuy nhiên, tình trạng an ninh quan trọng này sẽ khiến S&P không thể nâng cấp xếp hạng của mình đối với Hàn Quốc, ít nhất là cho đến hết năm sau – vị chuyên gia này phát biểu, đồng thời ông cũng chỉ ra các rủi ro an ninh kéo dài và công nợ tiềm tàng có thể nảy sinh sau khi thống nhất bán đảo Triều Tiên.

“Triển vọng đánh giá của chúng tôi về Hàn Quốc đã khá ổn định”, ông nói. S&P đã duy trì xếp hạng của Hàn Quốc trên bảng xếp hạng của mình ở mức “AA” – mức cao thứ ba.

Sau đó ông lưu ý rằng bất kì vấn đề nội bộ nào liên quan đến Triều Tiên dường như không có tác động lớn đến chất lượng tín dụng của Seoul, vì Triều Tiên có nền kinh tế rất khép kín và ít liên kết với thế giới bên ngoài.

“Ngay cả khi Triều Tiên mở cửa thì nền kinh tế này cũng mất một thời gian dài trước khi có thể có bất kì tác động lớn nào đến nền kinh tế Hàn Quốc”, ông nói thêm.

Đối với dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm nay, S&P chỉ ra một số rủi ro đến từ bên ngoài. Trong báo cáo mới nhất về dự báo tăng trưởng kinh tế hàng quý vùng Châu Á – Thái Bình Dương, cơ quan này đã giảm con số dự báo khả năng tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc trong năm 2019 xuống còn 2,4%. Trong khi trước đó, con số ước tính là 2,5%.

“Không chỉ nhìn thấy các vấn đề trong nước, chúng tôi còn nhìn thấy những nguy cơ đến từ bên ngoài, bao gồm căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế do các vấn đề liên quan đến Triều Tiên”, ông KimEng Tan nói thêm.

Đối với chất lượng tín dụng của các công ty Hàn Quốc, S&P cho biết mọi thứ sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm nay, chủ yếu là do tăng nợ và giảm lợi nhuận trong bối cảnh bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

“Các công ty đang bước vào giai đoạn giảm tín dụng sau thời gian kinh doanh ổn định trong vài năm vừa qua”, chuyên gia S&P Park Jun-hong nói.

“Nhiều công ty Hàn Quốc đã mở rộng đầu tư cho tăng trưởng trong tương lai bằng cách tăng các khoản vay. Điều này về lâu về dài có thể đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, các chính sách tài chính mạnh mẽ như vậy lại góp phần làm giảm chất lượng tín dụng của họ”, chuyên gia Park lưu ý. Ông cũng nhấn mạnh các yếu tố như tăng cao mức hoàn trả vốn, chi trả cổ tức và các hoạt động sáp nhập cũng như mua lại là những vấn đề cần được chú ý.

“Tuy nhiên, khó có khả năng các công ty Hàn Quốc đánh mất sự ổn định về xếp hạng một cách đột ngột. Sự ổn định này có được là nhờ khả năng cạnh tranh và vị thế hiện có trên thị trường của họ”.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기