Kinh tế Chính trị

Ảnh hưởng của căng thẳng Nga-Ukraine tới Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:43 24-02-2022
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối ngày 23 đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc (trừ hai khu vực Donetsk và Luhansk) trong 30 ngày kể từ 0h ngày 24 theo giờ địa phương. Có thể thấy căng thẳng giữa Nga và Ukraine trên thực tế đang tiến đến cấp độ của một cuộc chiến tranh tổng lực. Cuộc chiến này có thể làm trầm trọng thêm những rủi ro tiềm tàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và chắc chắn sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Hàn Quốc. 

 

Các phương tiện của Lực lượng vận tải hàng không Mỹ di chuyển tới biên giới Ukraine. [Ảnh=Reuters/Yonhap News]


Vào ngày 24, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, "Căn cứ vào tất cả các tình huống, có thể thấy rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sắp xảy ra. Chính phủ đang thảo luận chặt chẽ về các biện pháp đối phó với với Nga của các quốc gia đồng minh bao gồm cả Hoa Kỳ."

Đặc biệt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết “Chúng tôi đưa ra quan điểm rằng nếu Nga tiến hành chiến tranh tổng lực dưới mọi hình thức bất chấp những cảnh báo nhiều lần từ cộng đồng quốc tế, chính phủ Hàn Quốc sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào các biện pháp trừng phạt như kiểm soát xuất khẩu chống lại Nga."

Chính phủ Hàn Quốc, vốn thận trọng về 'các lệnh trừng phạt chống lại Nga', đã cho thấy quyết định đồng ý với cộng đồng quốc tế trong các chế tài với Nga. Điều này sẽ ngay lập tức giáng một đòn mạnh vào các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào thương mại với Nga.

Theo một báo cáo gần đây về 'Tình hình Nga-Ukraine và tác động đến hoạt động kinh doanh của Hàn Quốc' do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc phân tích, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 10, chiếm 1,6% xuất khẩu và 2,8% nhập khẩu của Hàn Quốc (tính đến năm 2021).

Trong đó, xuất khẩu ô tô và linh kiện của Hàn Quốc sang Nga chiếm 40,6%. Nhập khẩu năng lượng như naphtha (25,3%), dầu thô (24,6%), than bitum (12,7%) và khí tự nhiên (9,9%) chiếm hơn 70%.

Cho đến nay, đây chỉ là một trong những ảnh hưởng trực tiếp mà cuộc chiến Nga-Ukraine sẽ gây ra đối với Hàn Quốc. Nếu cuộc chiến thực sự leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, những bất ổn kinh tế toàn cầu như giá dầu và nguyên liệu thô quốc tế sẽ tăng lên, và cũng có nhiều lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến một loạt áp lực lạm phát ở Hàn Quốc.

 

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol phát biểu trong cuộc họp báo về định hướng chính sách tiền tệ được tổ chức tại Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ở Jung-gu, Seoul vào sáng ngày 24. [Ảnh=Yonhap News]


Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc Lee Ju-yeol cũng thông báo rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã nâng dự báo lạm phát cho năm nay thêm 1,1 điểm phần trăm (p) lên 3,1% từ mức 2,0% trước đó. Đặc biệt, tình hình Ukraine được coi là yếu tố nổi bật nhất trong việc giá cả vật giá tăng cao. Thống đốc Lee chẩn đoán rằng "Sự cần thiết phải đối phó về chính sách tiền tệ để ổn định giá cả đã lớn hơn so với trước đây."

Trong buổi làm việc với các phóng viên ngay sau cuộc họp thường kỳ của Ủy ban Chính sách tiền tệ, ông cho biết: "Nga và Ukraine đều chiếm tỷ trọng khá cao trong thị trường nguyên liệu toàn cầu. Điều này cho thấy sự mất cân đối trong cung cầu nguyên liệu. Nếu các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây được nâng lên, nó chắc chắn sẽ dẫn đến sự thu hẹp thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và xuất khẩu". Các nhận xét này được đưa ra với giả định rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục trong một thời gian đáng kể hoặc dẫn đến một cuộc chiến toàn diện.

Sau thông tin Nga bắt đầu có những động thái vũ lực với Ukraine, giá dầu quốc tế cuối cùng đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014.

Tính đến 1giờ 46 phút chiều (theo giờ Hàn Quốc) cùng ngày, dựa trên giá dầu quốc tế, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4 tăng 4,41 USD (4,55%) lên 101,30 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng.

Kỳ hạn giao sau tháng 4 của US West Texas Intermediate (WTI) cũng tăng 4,10 USD (4,45%) lên 96,29 USD/thùng. Giá khí đốt tự nhiên tăng 4,7% và giá vàng giao ngay tăng 1,8%, cao nhất trong 13 tháng.

Giá dầu quốc tế tăng cao sẽ làm tăng giá khí đốt, điện, xăng dầu, đồng thời kích thích giá hàng hóa, đồng thời tác động đến cung cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu và một số mặt hàng hiếm.

Ukraine là nhà cung cấp chính các loại khí trơ như khí neon, loại khí không thể thiếu trong quá trình sản xuất chip, và sản lượng của nó chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của thế giới. Mặc dù sự phát triển hiện tại của tình hình ở Nga và Ukraine sẽ không hoàn toàn cắt đứt nguồn cung cấp khí neon tại địa phương, nhưng nó có thể dẫn đến việc tăng báo giá. Nếu Nga bị loại ra khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), hoạt động thanh toán tại địa phương của các công ty Hàn Quốc và các doanh nghiệp khác có thể bị trì hoãn hoặc gián đoạn và có thể dẫn đến bị thua lỗ.

 

Yeo Han-gu, người đứng đầu Trụ sở Thương mại và Đàm phán của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng. [Ảnh=Yonhap News]


Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã tổ chức "Cuộc họp của Lực lượng Đặc nhiệm Ứng phó Khẩn cấp (TF) Ukraine" để phân loại các điều kiện cung cầu hiện tại và các chỉ số kinh tế chính về xuất khẩu, năng lượng, chuỗi cung ứng và thực phẩm. Trước các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác áp đặt đối với Nga, Bộ Công Thương và Tài nguyên đã thành lập một nhóm quản lý nguyên liệu chiến lược để nghiên cứu nội dung cụ thể của các đối tượng và thủ tục kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Do quy mô thương mại (giá trị xuất khẩu + giá trị nhập khẩu) của Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Hàn Quốc là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu điển hình. Nếu các quốc gia có thương mại song phương lớn với Hàn Quốc gặp vấn đề về nguồn cung đối với một số mặt hàng do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, thì điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu của Hàn Quốc.

Yeo Han-koo, người đứng đầu Trụ sở Đàm phán Thương mại của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, cho biết, "Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine càng làm nổi bật sự phức tạp và mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta nên chú ý đến sự phát triển của tình hình và đối phó với những rủi ro tiềm ẩn trước. Tăng cường chuỗi cung ứng khu vực tập trung vào các công ty Hàn Quốc là giải pháp cơ bản."

 

Lính Ukraine diễn tập trong bức ảnh được công bố ngày 22/2. [Ảnh=Bộ Quốc phòng Ukraine]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기