Đời sống Xã hội

Gặp gỡ chị Lê Thị Hoài Thu - chủ quán ăn Việt có tuổi đời 20 năm tại Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:50 20-05-2022
Sang Hàn Quốc từ năm 1994…Khai trương cửa hàng 'Quê Hương' năm 2002 Thành lập Hội phụ nữ Việt Nam thành phố Ansan năm 2019
Chị Lê Thị Hoài Thu qua Hàn Quốc năm 1994, chỉ 2 năm sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, với tư cách là một thực tập sinh ngành công nghiệp. Đến năm 2002, chị mở quán 'Quê Hương (tên tiếng Hàn: 베트남 고향 식당)' tại thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi. Tính đến nay, chị Thu đã kinh doanh quán Quê Hương được 20 năm.

Thật không quá khi coi chị là một trong những nhân vật tiêu biểu thành công trong lĩnh vực kinh doanh quán ăn của người Việt tại Hàn Quốc. Chị Thu và quán Quê Hương đã không ít lần xuất hiện trên các báo đài của Hàn Quốc, có thể kể đến như chương trình 'Chủ đề nóng (tên tiếng Hàn: 화제집중)' của đài MBC tháng 11/2005, chương trình 'Câu chuyện ẩm thực tối thứ Tư (tên tiếng Hàn: 수요미식회)' của đài tvN ngày 14/10/2015, chuyên mục "Giới thiệu con đường Đa văn hóa Ansan" của đài MBN vào năm 2016, chương trình phát sóng trực tiếp 'Chào buổi sáng (tên tiếng Hàn: 아침이 좋다)' của đài KBS vào năm 2018. 

 

Quán Quê Hương tại Chungangtaero 443, quận Danwon, thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi.[Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Đến Ansan vào đúng ngày Thiếu nhi của Hàn Quốc, báo Kinh tế AJU đã có cuộc phỏng vấn với chị Lê Thị Hoài Thu về hành trình mở quán ăn Việt Nam tại Hàn Quốc cũng như những khó khăn, vất vả mà chị đã trải qua để có thể duy trì công việc kinh doanh trong suốt 20 năm qua cũng như giới thiệu cho độc giả về thành phố Ansan nơi tập trung một cộng đồng người Việt không nhỏ ở Hàn Quốc.
 
Ansan - Thành phố Đa văn hóa đầu tiên của Hàn Quốc
Nhà hàng Quê Hương của chị Thu có cơ sở đầu tiên tại thành phố Ansan (tỉnh Gyeonggi), cách thủ đô Seoul khoảng 30km và còn được biết tới như "châu Á thu nhỏ giữa lòng Hàn Quốc". 

Ansan được coi là thành phố đa văn hóa tiêu biểu của Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 4/2022, số lượng cư dân nước ngoài của Thành phố Ansan là 82.849 người đến từ 105 quốc gia. Trong số đó, có 54.366 người Trung Quốc (người Trung gốc Hàn 45.231 người, người Trung Quốc 9.138) đứng thứ nhất trong số người nước ngoài tại Ansan. Mặt khác, có 2.071 người Việt Nam hiện đang sinh sống tại đây, chiếm vị trí thứ 5 sau người Uzbekistan (7.962 người), người Nga (6.893 người) và người Kazakhstan (2.397 người).

Các khu vực tiêu biểu của thành phố Ansan, nơi có đông người Trung Quốc, Hàn Quốc và lao động nước ngoài sinh sống là ở Wongok-dong và Seonbu-dong thuộc quận Danwon, và Sa-dong thuộc quận Sangnok khu vực gần Cơ sở Erica của Đại học Hanyang.

 

[Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Wongok-dong bắt đầu phát triển như một khu dân cư dành cho công nhân nằm liền kề với Khu liên hợp công nghiệp Sihwa-Banwol, được thành lập vào đầu những năm 1980. Các nhà máy chuyển đến từ Seoul là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với hơn 70% trong số đó sử dụng dưới 100 công nhân và được thầu phụ bởi các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, kể từ năm 1987, việc tìm kiếm công nhân trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động trở nên khó khăn. Ngoài ra, khi điều kiện sống của người lao động Hàn Quốc nói chung được cải thiện đáng kể nhờ phong trào lao động vào cuối những năm 1980, người dân Hàn Quốc không còn mặn mà với các công việc lao động chân tay với mức lương thấp. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra hệ thống thực tập sinh công nghiệp vào năm 1992 và cho phép sử dụng lao động nước ngoài.

Sự hình thành của một tầng lớp người tiêu dùng mới chính là công nhân nhập cư đã mang lại sức sống cho nền kinh tế của Wongok-dong. Các cửa hàng hiện tại đã được chuyển đổi thành các cửa hàng phục vụ thị hiếu và nhu cầu của người lao động nhập cư. Người lao động nước ngoài ban đầu định cư ở Wongok-dong vì giá nhà thấp và điều kiện giao thông thuận tiện, nhưng theo thời gian, họ bắt đầu tập trung ở Wongok-dong do cơ sở hạ tầng đa văn hóa như các cơ quan giới thiệu việc làm thường tập trung ở khu vực này.

Người lao động nước ngoài sống ở các khu vực khác cũng đến Wongok-dong để mua những vật dụng cần thiết hoặc những nguyên vật liệu của quê hương cũng như gặp gỡ bạn bè vào cuối tuần. Chính vì thế nhiều người lao động coi Wongok-dong như là quê hương của mình. Dần dần Wongok-dong đã trở thành 'thủ đô của lao động nhập cư', một 'ngôi làng không biên giới' và là "thành phố đa văn hóa đầu tiên của Hàn Quốc".

Chính những lợi thế này đã khiến cho Wongok-dong nói riêng và thành phố Ansan nói chung trở thành một nơi nuôi dưỡng ước mơ, hy vọng và ghi dấu ấn thành công trong công việc kinh doanh của nhiều người nước ngoài tại Hàn Quốc.

Và ví dụ thành công tiêu biểu của người Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh quán ăn cũng được hình thành tại Ansan - chính là nhà hàng Quê Hương do chị Lê Thị Hoài Thu quản lý với thâm niên hoạt động được 20 năm.

 

Chị Lê Thị Hoài Thu - chủ quán Quê Hương. [Ảnh=Kim Joo-heon]

 
Khởi nghiệp vì tình yêu với quê hương Việt Nam…Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam thành phố Ansan 
Động lực, sự thôi thúc giúp chị Thu quyết định mở quán Quê Hương tại thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi chính là bởi nỗi nhớ quê hương. Trong buổi phỏng vấn với Kinh Tế AJU, chị Thu cho biết "Lúc mới sang, người Việt Nam ở Hàn Quốc không nhiều nên cũng không có cửa hàng nào bán món ăn Việt Nam. Tuy nhiên theo thời gian, số lượng lao động Việt Nam sang Hàn Quốc bắt đầu tăng lên, cộng với việc chị chỉ ở nhà chăm con nên có thời gian rảnh nên chị đã quyết định mở quán ăn Việt Nam. Một phần là để kiếm thêm thu nhập, phần còn lại là vì muốn nấu những món ăn quê nhà để phục vụ các anh chị em lao động người Việt ở đây."

Sau đây là nội dung buổi phỏng vấn với chị Lê Thị Hoài Thu (tên tiếng Hàn: 이미현·Lee Mi-hyeon).

- Lý do gì đưa chị sang Hàn Quốc và động cơ nào thôi thúc chị mở quán ăn Việt Nam tại Hàn Quốc?

Chị đến Hàn Quốc vào năm 1994 khi mới 21 tuổi, với tư cách là thực tập sinh ngành công nghiệp. Sau một khoảng thời gian làm việc tại Hàn chị quen biết chồng chị vì làm cùng công ty. Sau đó chị kết hôn vào năm 1996 và lấy quốc tịch Hàn Quốc vào năm 1998. 

Tuy nhiên, năm 1997 khi cuộc khủng hoảng tiền tệ quốc tế (IMF) ập đến, cũng là khoảng thời gian chị đang ở nhà chăm con thì công việc của chồng chị tại nhà máy nhuộm không được suôn sẻ. Mặc dù cả anh và chị đều rất cố gắng cũng như làm việc chăm chỉ nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn nhất là khi còn đang phải nuôi con nhỏ. Chính vào lúc đó, chị đã nhen nhóm ý nghĩ mở một cửa hàng Việt Nam. Bởi vì 
chị thấy rằng xung quanh đây có không ít anh chị em lao động người Việt mà lại chưa có quán ăn nào bán món Việt Nam nên nếu mở quán ăn Việt thì sẽ rất phù hợp. 

Chị muốn mở quán để vừa có thể phục vụ cho anh chị em người Việt vừa có thể quảng bá ẩm thực Việt Nam với bạn bè Hàn Quốc.

 

Chị Thu đang trả lời phỏng vấn báo Kinh Tế AJU. [Ảnh=Hoàng Phương Ly]


- Quá trình chuẩn bị cho việc mở quán có gặp nhiều khó khăn hay không?

Khi chị nói ra ý kiến này với chồng thì ban đầu chồng chị rất lo lắng, bởi vì anh sợ chị vất vả khi vừa phải chăm con nhỏ lại vừa phải nấu đồ ăn, làm việc ở quán tuy nhiên sau đó anh vẫn ủng hộ quyết định của chị. Thời điểm mới bắt đầu nên mọi thứ rất khó khăn, các nguyên liệu để nấu món ăn cũng không có sẵn, chị đã phải nhờ người xách tay nguyên liệu qua.

Chi phí để mở cửa hàng lúc đó chị cũng đã phải mượn 20 triệu won (khoảng 300 triệu VNĐ) từ người thân ở Việt Nam. Còn về các công thức nấu ăn thì chị được các chị gái cùng với bố hướng dẫn, chỉ bảo rất nhiều để có thể chế biến các món ăn cho ngon miệng và phù hợp khẩu vị. Các món ăn của quán Quê Hương đều được chị nấu theo phong cách Việt Nam chứ không phải chế biến theo kiểu của người Hàn Quốc.

Theo đó, với quyết tâm cũng như được sự ủng hộ từ chồng, năm 2002 chị đã mở quán Quê Hương đầu tiên tại một cửa hàng rộng khoảng 26㎡ ở khu vực Wongok-dong, Ansan. Chị đặt tên quán là 'Quê Hương' bởi vì chị mong mọi người khi đến ăn tại quán sẽ đều cảm nhận được hương vị quê nhà.

- Những năm gần đây, ẩm thực Việt Nam được người Hàn rất ưa chuộng, theo đó có rất nhiều chuỗi nhà hàng nhượng quyền bán món Việt được mở ra trên khắp Hàn Quốc. Với sự cạnh tranh không hề nhỏ như vậy, chị đã làm thế nào để có thể duy trì quán trong suốt khoảng thời gian qua?

= Cùng với số lượng người Việt Nam ở Hàn Quốc tăng lên, khách Hàn Quốc sau khi du lịch Việt Nam cũng yêu thích món ăn Việt và sau khi quay trở lại Hàn Quốc họ cũng có nhu cầu tìm ăn các món Việt Nam. Do đó không khó để thấy ngày càng có nhiều các nhà hàng Việt Nam được mở ra ở Hàn Quốc. 

Với việc là một trong những quán ăn Việt Nam đầu tiên được mở tại Hàn Quốc, tin tức về việc một nhà hàng Việt Nam khai trương ở Wongok-dong, Ansan vào năm 2002 đã lan rộng khắp nơi, đã có rất nhiều người ở nơi khác tới tận Ansan để thưởng thức các món Việt Nam. Nhờ đó, từ một quán nhỏ, chỉ sau 2 năm (năm 2004) chị đã chuyển tới một cửa hàng rộng hơn, cũng chính là địa điểm bây giờ. 

Khách đến quán lúc đầu chủ yếu là người Việt Nam, tuy nhiên dần dần nhiều người biết đến quán hơn nên số lượng khách Hàn Quốc cũng tăng dần. Đến năm 2006 số lượng khách Hàn Quốc đã chiếm khoảng 40% và có thời điểm số lượng khách Hàn còn chiếm 80% tổng số khách tới quán. 

Chị nghĩ lý do chính khiến Quê Hương nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người và hoạt động được cho đến tận ngày hôm nay đó là vì chị sử dụng các nguyên liệu chuẩn của Việt Nam và nấu theo hương vị Việt. Nhiều quán ăn Việt dạng chuỗi cửa hàng nhượng quyền sử dụng bánh phở của Thái Lan chứ không phải bánh phở của Việt Nam cũng như cách nấu nước dùng cũng rất khác, nên có lẽ với những khách Hàn Quốc đã từng du lịch Việt Nam và muốn thưởng thức lại hương vị này ở Hàn Quốc thì họ lại tìm đến quán của chị.

Thật ra, cũng có một số bên đề nghị chị nhượng quyền thương hiệu cho họ tuy nhiên chị không đồng ý bởi vì chị muốn có thể quản lý trực tiếp những món ăn được bán ra cho mọi người. Tuy nhiên chị cũng đã từng mở thêm 2 chi nhánh nữa của quán Quê Hương ở Gangnam, Seoul vào năm 2016 và ở Trung tâm thương mại Lotte tại ga Chungang, Ansan vào năm 2018. Tuy nhiên do ảnh hưởng của COVID-19, chị đã quyết định đóng cửa 2 chi nhánh vào năm 2020 và chỉ tập trung tại cơ sở chính này ở Ansan.

Những lúc quán đông khách thì chồng chị và chị gái ruột của chị cũng ra quán để giúp đỡ và quản lý nên chị cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình điều hành cửa hàng.

 

Chị Thu khi đang nhớ lại những khó khăn trong những ngày đầu bắt đầu kinh doanh quán ăn Việt Nam. [Ảnh=Kim Joo-heon]


- Để có thể duy trì một cửa hàng trong suốt 20 năm, đặc biệt lại còn ở một quốc gia không phải là quê hương của mình có thể coi là một thành công mà không phải ai cũng làm được. Vậy chị đã phải vượt qua những khó khăn gì khi sống ở Hàn Quốc?

=
 Điểm khó khăn nhất khi sống ở Hàn Quốc đó là ngôn ngữ bởi vì thời điểm chị sang Hàn Quốc, chị không biết một chút tiếng Hàn nào hết. Khi sang tới đây và làm việc trong nhà máy thì xung quanh cũng không có người Việt nên thật sự rất khó khăn trong vấn đề giao tiếp. Đầu tiên chị đã phải tự học xong sau đó khi Trung tâm Đa văn hóa được thành lập thì chị đã đi học tại đây. Tuy đã ở Hàn Quốc gần 30 năm nhưng chị vẫn cảm thấy tiếng Hàn của mình chưa tốt do có nhiều từ phát âm vẫn chưa chính xác.

Tuy nhiên với việc nhập quốc tịch Hàn Quốc vào năm 1998, chị thấy vô cùng tự hào về điều đó. Bởi vì nó đồng nghĩa với việc chị chính thức trở thành công dân Hàn Quốc, các con của chị sinh ra khi đi học sẽ được bình đẳng, không gặp phải những vấn đề về phân biệt đối xử. Chị biết có nhiều trường hợp, con em của các gia đình đa văn hóa thường khó hòa nhập với các bạn khác do bị các bạn trêu chọc hoặc bị phân biệt đối xử.

Chính vì thế, vào năm 2019 chị đã lập ra Hội phụ nữ Việt Nam thành phố Ansan để có thể xây dựng một cộng đồng giúp đỡ các chị em cô dâu người Việt ở khu vực Ansan. Hội phụ nữ Việt Nam thành phố Ansan sẽ họp 1 tháng 1 lần và là nơi trao đổi, giới thiệu thông tin việc làm cho các chị em cũng như tư vấn các vấn đề liên quan đến gia đình.

- Vậy với các bạn trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đang có ý định mở cửa hàng kinh doanh. Với tư cách là một người đi trước, chị có lời khuyên nào gửi tới các bạn không?

=
Bất kể khi muốn làm một việc gì, trước tiên mọi người cần phải suy nghĩ kỹ và tìm hiểu và chuẩn bị thật cẩn thận. Thêm vào đó mọi người cần phải thật sự tâm huyết với công việc bản thân muốn làm, có như vậy thì mới có thể duy trì công việc kinh doanh được lâu dài, kể cả khi gặp phải khó khăn, trắc trở. Ngoài ra mọi người cũng cần phải biết quản lý mọi thứ từ thời gian, tiền bạc, nhân viên một cách chặt chẽ và khoa học cũng như không ngừng cố gắng học hỏi, trau dồi bản thân để hoàn thiện công việc ngày một tốt hơn. Quan trọng nhất đó là mọi người phải luôn đặt cái tâm của mình vào mọi công việc, khi đó thì dù có khó khăn, vất vả ra sao chúng ta cũng có thể tìm cách khắc phục và vượt qua được.

 

[Ảnh=Kim Joo-heon]



[※ Bài viết được thực hiện bởi phóng viên Hoàng Phương Ly và Kim Joo-heon của báo Kinh tế AJU]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기