Đời sống Xã hội

4 doanh nghiệp Hàn Quốc lọt top 100 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:03 28-06-2022
Hàn Quốc đã có 4 doanh nghiệp lọt vào danh sách 100 công ty bán lẻ hàng đầu ở châu Á.

 

Bảng xếp hạng 20 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á theo đánh giá của Euromonitor. [Ảnh=Euromonitor Korea]


Theo 'Báo cáo 100 công ty bán lẻ hàng đầu châu Á năm 2022' do Euromonitor International công bố ngày 27, Tập đoàn Shinsegae được xếp hạng 7 trong số 100 công ty bán lẻ hàng đầu châu Á dựa trên giá trị doanh số. Cụ thể, doanh số bán lẻ của Shinsegae trong năm 2021 đạt 48,91 tỷ USD. Shinsegae là công ty Hàn Quốc duy nhất lọt vào top 10 với vị trí thứ 7, tăng hai bậc so với năm 2021.

Euromonitor cho biết, "Với việc Shinsegae mua lại cổ phần của eBay Hàn Quốc vào năm 2021, cơ sở khách hàng trực tuyến của công ty đã tăng lên theo cấp số nhân. Điều này đã mở đường cho sức mạnh tổng hợp lớn hơn giữa kinh doanh trực tuyến và các cửa hàng ngoại tuyến của E-Mart."

Xếp ngay sau Shinsegae là Coupang (31,13 tỷ USD) đứng thứ 11 và Lotte (24,93 tỷ USD) đứng thứ 12. Trong báo cáo năm 2021, Tập đoàn Lotte đứng thứ 11 và Coupang đứng thứ 12, nhưng trong bảng xếp hạng năm nay, vị trí của hai công ty đã có tráo đổi cho nhau.

Naver vốn đứng thứ 20 trong bảng xếp hạng năm ngoái tuy nhiên đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng năm nay.

Bảng xếp hạng 100 nhà bán lẻ hàng đầu dựa trên doanh số bán lẻ của mỗi công ty. Các giao dịch liên quan đến khách sạn, du lịch, ăn uống, dịch vụ giao hàng và cửa hàng miễn thuế bị loại trừ.

Ở châu Á, Alibaba của Trung Quốc (478,9 tỷ USD) và JD.com (368,4 tỷ USD) vẫn lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai giống như năm ngoái.

Pinduoduo, một công ty thương mại điện tử của Trung Quốc, đã leo từ vị trí thứ 7 vào năm 2020 lên thứ 5 vào năm ngoái và tăng lên vị trí thứ 3 trong năm nay.

Tập đoàn Aeon, một công ty phân phối của Nhật Bản, đã tụt từ vị trí thứ 3 xuống thứ 4, Seven & I Holdings, công ty vận hành cửa hàng tiện lợi 7-Eleven, cũng tụt từ vị trí thứ 4 xuống thứ 5.

Euromonitor miêu tả thị trường châu Á là "trung tâm của xu hướng bán lẻ" và đánh giá thị trường châu Á đang ngày càng mở rộng vị thế của mình trên thị trường toàn cầu. Được biết, thị trường bán lẻ châu Á chiếm 37% thị trường toàn cầu và dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7% cho đến năm 2026.

 

[Ảnh=Shinsegae]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기