Đời sống Xã hội

Đối thủ cạnh tranh số 1 của các sản phẩm Hàn Quốc tại Việt Nam là Nhật Bản

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:41 07-07-2022
Theo một cuộc khảo sát, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của các sản phẩm Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam là các sản phẩm Nhật Bản. Trung Quốc, quốc gia vốn là đối thủ cạnh tranh số 1 cho đến năm 2018, đã bị đẩy xuống vị trí thứ ba.

 

[Ảnh=KITA]


Theo kết quả khảo sát 'Cảm nhận về sản phẩm Hàn Quốc và quốc gia Hàn Quốc' do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) chi nhánh Hồ Chí Minh công bố vào ngày 7, với 956 người tiêu dùng địa phương và khách hàng đối tác (buyer) Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, 70% số người được hỏi (có thể chọn nhiều phương án) cho biết khi muốn thay thế các sản phẩm của Hàn Quốc thì các mặt hàng đến từ Nhật Bản được xem là sự lựa chọn phù hợp.

Trung Quốc, nước được xếp hạng là đối thủ cạnh tranh số 1 trong cuộc khảo sát năm 2018, chỉ chiếm 20,7% và tụt xuống vị trí thứ 3. Xếp ở hạng 2 là Mỹ với 26%.

Báo cáo phân tích rằng điều này là do khi mức thu nhập của Việt Nam tăng lên, và sự mất lòng tin vào các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã lan rộng thì ngày càng có nhiều người tiêu dùng mua sản phẩm dựa trên chất lượng hơn là giá cả.

Về sức mạnh thương hiệu của Hàn Quốc, hơn một nửa số người được hỏi trả lời rằng 'sức mạnh thương hiệu đã được củng cố sau đại dịch COVID-19' (52,4%), và chỉ có 6,2% trả lời là 'bị suy yếu'.

'Sự lan tỏa của các nội dung về Hàn Quốc (K-content)' (46,3%) là lý do được chọn nhiều nhất với câu hỏi lý do nào khiến sức mạnh thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc được nâng cao. Lý do tiếp theo là 'củng cố hình ảnh về một đất nước đáng tin cậy và phòng dịch tốt' (17,8%) và 'sự phát triển của các công ty Hàn Quốc' (15,4%) .

Ngoài ra, 80,3% số người được hỏi đánh giá rằng 'khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc ngày càng mạnh mẽ hơn'.

Chín trong số mười người tiêu dùng Việt Nam (92,9%) trả lời khảo sát cho biết họ đã mua các sản phẩm của Hàn Quốc trong năm qua và 93,8% cho biết họ sẽ tiếp tục mua các sản phẩm của Hàn Quốc trong tương lai.

Đối với các kênh mua hàng chính, 72,9% (được chọn nhiều đáp án) là từ các kênh trực tuyến như SNS, Internet, mua hàng trực tiếp và homeshopping, 71,8% là từ các kênh ngoại tuyến như siêu thị và cửa hàng tiện lợi, cho thấy cả 2 phương pháp mua hàng trực tuyến và ngoại tuyến đều được sử dụng với mức độ ngang nhau kể cả trong giai đoạn dịch COVID-19 lây lan.

Người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm và các sản phẩm điện tử, trong khi các khách hàng đối tác lại ưu tiên các sản phẩm điện tử, thực phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm.

Báo cáo dự đoán rằng "Mỹ phẩm, thực phẩm và sản phẩm điện tử cũng là những mặt hàng xuất khẩu chính của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Có thể thấy, triển vọng kinh doanh của các sản phẩm này sẽ tương đối tích cực trong tương lai."

Lee Dong-won, người đứng đầu KITA chi nhánh Hồ Chí Minh, cho biết "Sức mạnh thương hiệu của Hàn Quốc tại Việt Nam đang được cải thiện từng ngày, và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Hàn Quốc liên tục được nâng cao dựa trên chất lượng tuyệt vời và thiết kế tinh xảo. Các công ty Hàn Quốc nên nhắm vào thị trường Việt Nam thông qua các chiến lược để tạo sự khác biệt với các sản phẩm Nhật Bản và tăng cường khả năng cạnh tranh về giá, tập trung vào các mặt hàng có triển vọng."

 

Chương trình giảm giá "Hỗ trợ vượt qua Covid-19" được tổ chức tại siêu thị K-Market tại Hà Nội. [Ảnh=K-Market Vietnam]

 

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기