Vào ngày 30, chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp cấp nhà nước để xem xét và thông qua ngân sách chính phủ năm 2023, đồng thời xác nhận đề án cho ngân sách nhà nước trong năm tới là 639 nghìn tỷ won (khoảng 11,1 triệu tỷ VNĐ), tăng 5,2% so với năm nay, mức tăng thấp nhất trong gần 6 năm.
Với nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra chính sách đảm bảo tài khóa lành mạnh, tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp then chốt và tăng cường trợ cấp tài chính cho các nhóm yếu thế về mặt xã hội.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết tại cuộc họp cùng ngày "Một chiếc dây an toàn tài khóa là rất quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế phức tạp. Do đó, ngân sách cho năm tới sẽ được tổ chức trên cơ sở tài khóa hợp lý."
Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đã quyết định thực hiện tái cơ cấu chi tiêu vào năm tới trị giá 24 nghìn tỷ won, mức lớn nhất chưa từng có trong lịch sử. Theo ngân sách, thâm hụt tài khóa năm tới (không bao gồm quỹ an sinh xã hội) sẽ là 58,2 nghìn tỷ won, chiếm 2,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bằng một nửa mức thâm hụt tài khóa ước tính trong năm nay. Quy mô nợ quốc gia trong năm tới sẽ là 1,134 triệu tỷ won trong nỗ lực làm giảm tốc độ tăng của nợ quốc gia.
Năm tới, chính phủ sẽ đóng băng thu nhập của công chức từ cấp bốn trở lên, và trả lại 10% thu nhập của công chức cấp cao (cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng). Ngân sách dành cho các khoản chi không định kỳ như chi phòng chống dịch bệnh sẽ chấm dứt và chi cho văn hóa, xã hội và du lịch cũng sẽ bị cắt giảm 6,5%.
Nguồn vốn huy động được thông qua việc cắt giảm ngân sách nói trên sẽ được tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong xã hội. Năm tới, chi tiêu tài chính cho an sinh cơ bản (trợ cấp tối thiểu) sẽ tăng thêm 2,4 nghìn tỷ won, lương hưu tối thiểu sẽ tăng từ 308.000 won lên 322.000 won và trợ cấp tàn tật sẽ tăng từ 40.000 won lên 60.000 won mỗi tháng. Chi cho phúc lợi xã hội tăng 5,6% và chi tài khóa cho việc bảo vệ các nhóm thu nhập thấp, trẻ em, người tàn tật và các nhóm yếu thế xã hội khác tăng 12%.
Chính phủ sẽ chi 1 nghìn tỷ won vào năm tới để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, vốn sẽ chủ yếu được sử dụng để ươm mầm tài năng chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp quỹ nghiên cứu và phát triển. Ngân sách đã tăng lên 3,2 nghìn tỷ won để tăng cường ứng phó với tình trạng hỗn loạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ sẽ cung cấp 2,3 nghìn tỷ won cho vật liệu, phụ tùng và thiết bị, cũng như các dự án nghiên cứu và phát triển nội địa hóa trong các ngành công nghiệp cốt lõi bao gồm đóng tàu và ô tô , chất bán dẫn và màn hình.
Năm tới, chính phủ sẽ hỗ trợ ngân sách lần lượt là 81,8 tỷ won và 156,8 tỷ won cho việc thương mại hóa các phương tiện năng lượng mới và phương tiện không người lái, cung cấp ngân sách 6 tỷ won cho các công ty đóng tàu để giảm bớt tình trạng "thiếu lao động", và cung cấp một ngân sách 6 tỷ won để phục hồi ngành du lịch. Ngân sách 10 tỷ won được phân bổ cho "Năm Du lịch ở Hàn Quốc".
Ngân sách cho quốc phòng cho năm tới là 57,13 nghìn tỷ won, tăng 4,6% so với năm nay. Ngân sách không bao gồm chương trình hàng không mẫu hạm hạng nhẹ do chính quyền trước đó thúc đẩy, cũng như việc di dời Bộ Chỉ huy Tham mưu Liên quân và sắp xếp lại Bộ Quốc phòng. Mức lương cơ bản của chỉ huy quân đội đã được tăng đáng kể từ 820.000 won lên 1,3 triệu won trong năm nay.
Chi tiêu tài chính của năm tới sẽ thêm khoản trợ cấp của cha mẹ và các gia đình có con dưới một tuổi có thể nhận được khoản trợ cấp hàng tháng là 700.000 won.
Chính phủ dự kiến sẽ trình đề án về quy mô ngân sách lên Quốc hội vào ngày 2/9 tới. Vì hầu hết các khoản ngân sách như phân phối phiếu mua hàng ở các khu vực khác nhau mà chính phủ trước đây tập trung vào đã bị cắt giảm, nên dự kiến sẽ có một sự khác biệt lớn về ý kiến của chính phủ và phe phản đối trong quá trình cân nhắc ngân sách.