Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã tiếp tục đưa ra quan điểm của mình về việc áp dụng nghĩa vụ quân sự đặc biệt với nhóm nhạc BTS, rằng đây là một lựa chọn "bất khả thi".
Kể cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lẫn Cục trưởng Cục Chỉ huy quân đội cùng đều có ý kiến nhấn mạnh sự đồng thuận với ý kiến rằng các thành viên nhóm nhạc BTS nên thực hiện nghĩa vụ quân sự giống như mọi người.
Vào ngày 22/9, trong chương trình 'Kim Jong-bae's Focus' trên đài MBC, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Shin Beom-cheol đã trả lời lập luận của một số người rằng các nghệ sĩ văn hóa đại chúng như BTS cũng nên được hưởng chế độ 'nghĩa vụ quân sự thay thế'. Thứ trưởng Shin cho biết "Xét về tính công bằng của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, thì quan điểm nhất quán của Bộ Quốc phòng là khó có thể mở rộng nghĩa vụ quân sự đặc biệt hay 'nghĩa vụ quân sự thay thế'. Chúng tôi cũng không thay đổi lập trường về việc mong muốn BTS thực hiện nghĩa vụ quân sự một cách nghiêm túc."
Trước câu hỏi của người dẫn chương trình, "Vậy tại sao Bộ lại đồng ý thực hiện cuộc thăm dò ý kiến?", thứ trưởng Shin đưa ra câu trả lời "Quyết định này được tiến hành ở cấp Quốc hội (chứ không phải do Bộ Quốc phòng đề xuất). Chúng tôi rất biết ơn vì có thể xác nhận được ý chí của người dân, tuy nhiên Bộ Quốc phòng không có bất cứ lập trường nào về việc sẽ có quyết định dựa trên kết quả của cuộc điều tra dư luận."
Thứ trưởng Shin cũng đề cập đến kết quả của cuộc thăm dò, và cho biết rằng, "Tỷ lệ người dân ủng hộ việc BTS được nhận ngoại lệ trong thực hiện nghĩa vụ quân sự là 40~60% trong khi đó tỷ lệ người phản đối cũng chiếm 30~50%. Rất khó để có thể nói rằng đa số người dân đều đồng ý với quyết định áp dụng chế độ đặc biệt cho BTS bởi rõ ràng đây không phải là một tỷ lệ ủng hộ tuyệt đối."
Trước thứ trưởng Shin, tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 diễn ra tại tòa nhà Quốc hội vào ngày 20/9, Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-seop cũng đã tái khẳng định quan điểm trước đây rằng "khó có thể mở rộng hệ thống nghĩa vụ thay thế" liên quan đến vấn đề áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự đặc biệt cho BTS.
Trong phiên họp cùng ngày, Bộ trưởng Lee đã trả lời câu hỏi của nghị sĩ Min Hong-cheol (Đảng Dân chủ) rằng "Vấn đề nghĩa vụ quân sự của BTS hiện đang được quyết định thông qua một cuộc thăm dò ý kiến. Liệu có phù hợp hay không khi Bộ Quốc phòng quyết định việc ai đó có bắt buộc phải đi lính hay không bằng một cuộc thăm dò ý kiến?". Bộ trưởng cho biết "Nhắc lại quan điểm không thay đổi từ trước đến nay của Bộ Quốc phòng về vấn đề nghĩa vụ quân sự của BTS: "Xem xét đến tính công bằng của việc hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hiện tại rất khó để mở rộng hệ thống nghĩa vụ thay thế"."
Trong suốt khoảng thời gian qua, Bộ Quốc phòng và Cục Quản lý Nhân lực Quân đội đã có quan điểm không tán thành về vấn đề nghĩa vụ quân sự đặc biệt cho BTS. Tuy nhiên, sau khi Thị trưởng Busan Park Hyung-joon đề nghị với tổng thống về việc miễn nghĩa vụ quân sự đặc biệt cho BTS, người đã được bổ nhiệm làm đại sứ công khai cho Hội chợ triển lãm thế giới Busan 2030, thì phía Bộ Quốc phòng cũng đã đưa ra ý kiến 'Chúng tôi sẽ thử lắng nghe ý kiến của công chúng'.
Tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội vào ngày 31/8, Bộ trưởng Lee cho biết, "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về vấn đề nghĩa vụ quân sự của BTS một cách thận trọng, sau tổng hợp ý kiến của một số nhà lập pháp và xem xét lợi ích quốc gia từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ cố gắng đưa ra quyết định cuối cùng sớm nhất có thể."
Kể từ đó, các cuộc thăm dò dư luận liên quan đến nghĩa vụ quân sự đặc biệt dành cho BTS đã được tiến hành tại nhiều viện nghiên cứu khác nhau, nhưng không nhận được tỷ ủng hộ áp đảo, thay vào đó là nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Và khi Bộ Quốc phòng nhắc lại quan điểm sẽ khó mở rộng hệ thống nghĩa vụ thay thế tại phiên chất vấn Quốc hội cùng ngày, trên thực tế có thể nhận thấy sẽ không có nhiều khả năng cho việc áp dụng trường hợp nghĩa vụ đặc biệt dành cho BTS."