Xem xét việc thâm nhập thị trường Việt Nam từ cuối những năm 1980
Doanh thu 74,2 tỷ USD sau 26 năm vận hành nhà máy đầu tiên
Chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu và trở thành 'công ty quốc dân'
Tích cực đào tạo nhân tài...Trung tâm R&D hoàn thành vào cuối năm
Tập đoàn Samsung là một trong những doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong suốt 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Samsung bắt đầu tiến vào Việt Nam từ những năm 1990 bắt đầu từ lĩnh vực sản xuất và điện tử, khi Việt Nam chuyển sang cải cách và mở cửa. Đến nay bằng những thành tựu đạt được Samsung đã vươn lên vị trí 'công ty quốc dân' tại Việt Nam. Hiện, Samsung Electronics chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với quy mô lao động xấp xỉ 100.000 người.
Kể từ năm 1996, khi hoàn thành việc xây dựng nhà máy sản xuất TV màu tại Việt Nam, Samsung Electronics đã ráo riết đầu tư và mở rộng cơ sở kinh doanh. Hiện tại, Samsung đang vận hành các nhà máy sản xuất TV và thiết bị gia dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh ở Thái Nguyên và Bắc Ninh, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Sau hơn 30 năm, người ta đánh giá rằng sự phát triển của Samsung đã bắt đầu bước vào giai đoạn chín muồi.
◆ Kỷ nguyên 'doanh thu hàng năm 100 tỷ đô la' không còn là chuyện xa vời
Trong số các công ty Hàn Quốc đã tiến vào thị trường Việt Nam, lịch sử đầu tư của Samsung thuộc dạng khá sâu sắc. Được biết, Samsung đã lên kế hoạch tiến vào Việt Nam từ cuối những năm 1980, tương đối lâu trước khi Hàn Quốc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (năm 1992). Vào tháng 8 năm 1995, việc xây dựng nhà máy sản xuất TV và tủ lạnh của Samsung tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được bắt đầu, đặt nền móng cho quá trình sản xuất tại địa phương một cách nghiêm túc. Nhà máy được hoàn thành vào tháng 9 năm 1996 với công suất sản xuất 250.000 TV màu mỗi năm.
Kể từ đó, Samsung Electronics đã xây dựng các tổ hợp nhà máy từ tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh cho đến thủ đô Hà Nội. Năm 2008, các khoản đầu tư quy mô lớn bắt đầu được thực hiện với nhà máy đầu tiên được thành lập tại tỉnh Bắc Ninh. Theo sau là nhà máy thứ hai được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên vào năm 2013. Tổng diện tích của hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên lên tới 3 triệu mét vuông. Tính đến nay, Samsung Electronics hiện đang vận hành sáu công ty sản xuất và một công ty bán hàng.
Hầu hết các thiết bị gia dụng và thiết bị điện tử bán tại thị trường Đông Nam Á đều được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam. Samsung đưa vào sản xuất tại Việt Nam rất nhiều loại sản phẩm, từ các thiết bị gia dụng chủ lực như TV, tủ lạnh, máy giặt đến các linh kiện, phụ tùng của điện thoại thông minh, điện thoại thành phẩm, máy tính bảng và thiết bị đeo.
Vị thế của Samsung Việt Nam ở Đông Nam Á cũng được bộc lộ thông qua những con số trong báo cáo tài chính. Trong nửa đầu năm nay, tổng doanh số bán hàng của các công ty thành viên sản xuất chính như Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), Samsung Display Việt Nam (SDV) và Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng Samsung Electronics Hồ Chí Minh (SEHC) là 37,9 tỷ đô la, lợi nhuận hoạt động ghi nhận 2,74 tỷ đô la.
Năm ngoái (2021) ngay cả khi đối mặt với đại dịch Covid-19, Samsung vẫn cho thấy hiệu suất vô cùng khả quan. Tổng doanh thu của Samsung Electronics và các chi nhánh khác trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam là 74,2 tỷ đô la, xuất khẩu đạt 65,5 tỷ đô la. So với một năm trước, doanh số bán hàng tăng 14% và xuất khẩu tăng 16%.
Đây được coi là một thành tích tương đối ấn tượng nếu so sánh với những ảnh hưởng tiêu cực của các quy định giãn cách xã hội trong thời gian dịch bệnh diễn ra.
Khi đợt bùng phát thứ tư của Covid-19 bắt đầu vào cuối tháng 4/2021, chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch vô cùng nghiêm ngặt. Kết quả là việc vận chuyển các linh kiện, phụ tùng không thể diễn ra một cách suôn sẻ khiến cho hoạt động của các nhà máy bị gián đoạn. Trong giai đoạn này, Samsung Electronics đã cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong các nhà máy thông qua nhiều biện pháp kiểm dịch tích cực, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các đối tác để đưa ra các biện pháp ứng phó với vấn đề vận chuyển vật liệu và nhân lực.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hiện nay vẫn duy trì tăng trưởng 6-8%/năm, kỷ nguyên 100 tỷ USD doanh thu hàng năm của Samsung không còn là điều gì quá xa vời.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm nay, dự kiến nhu cầu sẽ giảm đi do suy thoái kinh tế toàn cầu và tăng trưởng chậm lại. Hiện tại, số ngày làm việc tại dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh của Samsung ở Việt Nam đã giảm từ 6 ngày/tuần xuống còn 3-4 ngày/tuần. Cùng với những ý kiến lo ngại về việc giảm thu nhập của người lao động địa phương, thì cũng có nhiều ý kiến bày tỏ kỳ vọng về sự phục hồi trong tương lai.
◆ Biến Việt Nam trở thành trung tâm R&D ở Đông Nam Á…Tập trung quản lý nhân tài
Samsung được biết đến là một doanh nghiệp đứng đầu tại Việt Nam trong số các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, số tiền đầu tư mà Samsung 'rót' vào Việt Nam cho tới nay đã đạt gần 18 tỷ đô la.
Vào tháng 8 vừa qua, Roh Tae-moon, giám đốc điều hành bộ phận MX (Mobile Experience: Trải nghiệm thiết bị) của Samsung Electronics đã đến thăm Việt Nam và có cuộc gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tại buổi gặp, giám đốc Roh thông báo rằng Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ đô la vào nhà máy tại Việt Nam. Được biết, Samsung Electronics có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn bên cạnh đồ gia dụng và thiết bị điện tử.
Trọng tâm cho khoản đầu tư lần này đó là đào tạo nhân tài và tăng cường chức năng nghiên cứu và phát triển (R&D). Từ người sáng lập tập đoàn Lee Byung-chul đến cố chủ tịch Lee Kun-hee và hiện tại là chủ tịch Lee Jae-yong, tập đoàn Samsung vẫn luôn lấy mục tiêu 'quản lý nhân tài' làm triết lý kinh doanh.
Công nghệ là thứ quan trọng để giúp công ty trở thành một doanh nghiệp hàng đầu, tuy nhiên công nghệ lại xuất phát từ con người. Theo đó, Samsung Electronics đang xây dựng một trung tâm R&D quy mô lớn tại Hà Nội. Một tòa nhà 18 tầng bao gồm 3 tầng hầm và 16 tầng nổi sẽ được xây dựng trên diện tích 11.603 mét vuông.
Với việc xây dựng trung tâm R&D, Samsung Electronics có kế hoạch tăng số lượng nhân viên R&D địa phương từ 2.200 người hiện tại lên 3.000 người. Phạm vi nghiên cứu cũng sẽ mở rộng từ phần cứng và phần mềm điện thoại thông minh sang trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Việc hoàn thành trung tâm R&D dự kiến sẽ biến Việt Nam từ một trung tâm sản xuất thành một trung tâm R&D của khu vực Đông Nam Á.
Mặt khác, Samsung cũng đang rất tích cực trong việc đào tạo nhân tài. Samsung đang triển khai 'Samsung Innovation Campus (SIC)', một chương trình đào tạo nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, tại các công ty thành viên lớn ở nước ngoài. Tại Việt Nam, kể từ năm 2019, đã có 3.000 sinh viên và giáo viên tham gia SIC.
SIC khóa 2022~2023 bắt đầu các chương trình đào tạo vào tháng 9 năm ngoái, sẽ kéo dài trong hai năm và kết thúc vào tháng 8/2023 cũng đã thu hút sự tham gia của cả các bạn học sinh cấp 2 và cấp 3, sinh viên đại học và giáo viên trên khắp Việt Nam.
SIC bao gồm các khóa đào tạo phù hợp với xu hướng của ngành công nghiệp và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ thiết thực cho người tham gia tìm kiếm việc làm trong tương lai. Những người tham gia đã hoàn thành SIC sẽ được cấp chứng chỉ và có cơ hội tham gia các cuộc thi công nghệ khác nhau do Samsung tổ chức.
Ngoài ra, Samsung đang tích cực tìm kiếm nhân tài thông qua tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Bài thi kiểm tra năng lực của ứng viên mới tốt nghiệp đại học ứng tuyển vào Samsung (Global Samsung Aptitude Test·GSAT) là cánh cửa đầu tiên để gia nhập Samsung, thường được tổ chức hơn 2 lần/năm tại Việt Nam. Năm nay, kỳ thi thứ ba đã được tổ chức vào ngày 23/11, sau kỳ thi vào tháng 3 và tháng 6 vừa qua. Phương châm của Samsung đó chính là phát hiện ra nhân lực ưu tú tại địa phương và bồi dưỡng họ trở thành những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ có thể hoạt động tích cực ở cả Việt Nam cũng như Đông Nam Á.
※ Bài viết gốc được viết bằng tiếng Hàn bởi phóng viên Seong Sang-yeong (sang@ajunews.com) của Economic Daily thuộc AJU News.