Đời sống Xã hội

Gánh nặng chi phí sinh hoạt tăng cao nhiều người Hàn Quốc phải làm hai công việc cùng một lúc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:25 21-12-2022
Số lượng người lao động trụ cột trong gia đình phải làm thêm một công việc thứ hai ngoài nghề nghiệp chính đã tăng 41% sau 5 năm, ghi nhận mức cao chưa từng có.

 

[Ảnh=FKI]


Vào ngày 20, Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) đã phân tích dữ liệu vi mô của Khảo sát dân số hoạt động kinh tế của Tổng cục Thống kê. Kết quả là, số lượng lao động là chủ hộ gia đình làm thêm công việc phụ trong 3 quý đầu năm (quý I~III) bình quân là 368.000 người, chiếm 67,3% trên tổng số 547.000 lao động làm cùng lúc 2 công việc.

Tổng số lao động làm cùng lúc 2 công việc và số lao động là chủ hộ làm cùng lúc 2 công việc đã giảm sau năm 2013 nhưng bắt đầu quay đầu tăng trở lại từ năm 2017. Đặc biệt, ngoại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thì con số này vẫn tăng đều đặn cho đến nay.

5 năm qua (2017~2022) trong khoảng thời gian từ quý I~III, tổng số lao động làm cùng lúc 2 công việc bình quân tăng 33,1% (136.000 người); số lao động là chủ hộ làm cùng lúc 2 công việc tăng 41% (107.000 người). Ngoài ra, tỷ lệ người lao động là chủ hộ trong tổng số lao động làm thêm đã tăng từ 63,5% năm 2017 lên 67,3% trong năm nay.

Kết quả so sánh số thời gian dành cho công việc chính và tỷ lệ tham gia công việc phụ bình quân từ quý I đến quý III trong 10 năm qua (2013~2022) cho thấy khi số giờ làm việc cho công việc chính sụt giảm thì tỷ lệ tham gia công việc phụ sẽ tăng lên.

Đặc biệt, từ năm 2018, khi áp dụng chế độ tuần làm việc 52 giờ, tỷ lệ người lao động làm thêm công việc thứ hai cũng có xu hướng tăng lên. Trong khi số giờ làm việc dành cho công việc chính giảm từ 35,7 giờ trong năm 2017 xuống còn 32 giờ trong năm nay, tỷ lệ tham gia các công việc phụ tiếp tục tăng từ 1,54% lên 1,95%.

Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc (FKI) cho biết: “Việc gia tăng lao động làm thêm công việc phụ ngoài giờ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như sự đa dạng hóa mô hình việc làm sau khi chuyển đổi cơ cấu công nghiệp và ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Có vẻ như người lao động đang song song nhận các công việc phụ để bù đắp cho thu nhập bị sụt giảm do thời gian làm việc của công việc chính bị cắt bớt."

Dựa trên mức trung bình của 3 quý đầu năm trong 5 năm qua, số lượng lao động làm thêm công việc phụ ở độ tuổi 20 và 30 đã tăng 37,2% từ 78.000 trong năm 2017 lên 107.000 trong năm nay; ở độ tuổi 60 tăng 69,7% từ 76.000 lên 129.000. Trong cùng thời gian, số lượng lao động làm thêm công việc phụ ở độ tuổi 40 và 50 chỉ tăng 1,4% từ 216.000 lên 219.000.

Xét theo nhóm ngành, tỷ lệ lao động làm thêm công việc phụ trong các ngành như dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội đã tăng đáng kể trong 5 năm qua.

Cụ thể, tỷ lệ lao động làm thêm trong ngành dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội đã tăng 62,9% trong 5 năm qua, với mức tăng 22.000 người. Kế đến, ngành xây dựng tăng 40,0% (8.000 người), ngành bán buôn bán lẻ tăng 24,5% (13.000 người). Đối với các dịch vụ y tế và phúc lợi xã hội, người ta giải thích rằng các công việc đơn giản không yêu cầu đặc biệt với mức lương thấp đã tăng lên nhanh chóng kể từ dịch Covid-19 bùng phát, và những người trẻ tuổi cũng như người già đều có thể dễ dàng tiếp cận những công việc này. 
 
Trái lại, trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh lưu trú, ăn uống và sản xuất lần lượt cùng ghi nhận mức giảm 6,3% (2.000 người).

Choo Kwang-ho, người đứng đầu trụ sở kinh tế của FKI, cho biết: "Gần đây, trong bối cảnh giá cả và lãi suất không ngừng leo thang, thêm vào đó là khó có thể nhận thêm trợ cấp làm thêm do quy định về giới hạn giờ làm việc (52 tiếng/tuần), người lao động bị cắt giảm lương không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải làm thêm công việc thứ hai ngoài công việc chính vốn có."

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기