Các trường đại học ở Seoul, bao gồm cả các trường top đầu như Đại học Quốc gia Seoul (SNU) và Đại học Yonsei, đã quyết định giữ nguyên mức học phí hiện tại cho bậc đại học năm học 2023. Tuy nhiên thay vào đó, nhằm đối phó với khó khăn tài chính, một số trường đại học sẽ tăng học phí đối với du học sinh nước ngoài hoặc sinh viên các trường sau đại học (cao học).
Theo thông tin từ các trường đại học vào ngày 12, Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Yonsei, Đại học Sogang, Đại học Sungkyunkwan, Đại học Chung-Ang và Đại học Kookmin đã lần lượt tổ chức một ủy ban đánh giá học phí và thông qua quyết định không tăng học phí đại học cho năm học 2023. Nhiều trường đại học ở địa phương như Đại học Wonkwang, Đại học Hanbat, Đại học Daejeon, Đại học Jeonju cũng đưa ra thông báo tương tự.
Trước đó, các trường đại học đã thường xuyên phàn nàn về vấn đề khó khăn tài chính và yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ những quy định hạn chế về mức tăng học phí cũng như cân nhắc tăng học phí khi chính phủ đưa ra thông báo về việc loại bỏ yêu cầu nộp lệ phí xét tuyển đại học (hay còn gọi là phí nhập học). Tuy nhiên, đến cuối cùng quyết định "đóng băng" học phí ở bậc đại học, vốn được duy trì từ năm 2009, vẫn được tiếp tục do lo ngại dư luận và những bất lợi có thể phát sinh trong việc đăng ký các khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Tuy nhiên, để bù vào khoản chi phí không thể thu được từ học phí bậc đại học, một số trường đã quyết định tăng học phí với đối tượng sinh viên các trường sau đại học và sinh viên nước ngoài.
Hội đồng thành phố Seoul đã cắt giảm 10 tỷ won (khoảng 188,6 tỷ VNĐ) trợ cấp cho Đại học Seoul (University of Seoul). Vì lý do đó, Đại học Seoul sẽ tăng học phí cao học, vốn đã được giữ nguyên trong hơn 10 năm, lên mức giới hạn pháp lý là 4,05% trong năm nay. Theo đó, số tiền học phí thu được sẽ tăng khoảng 590 triệu won so với năm ngoái.
Đại học Sogang cũng tăng học phí của các trường sau đại học lên 2~4% tùy từng khoa và học phí áp dụng cho sinh viên nước ngoài lên 4%. Mặt khác, Đại học Yonsei và Đại học Chung-Ang chọn phương thức chỉ tăng học phí đối với sinh viên nước ngoài, lần lượt tăng thêm 3,5% và 5%.
Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng hạn chế tình trạng các trường đại học tăng học phí qua mỗi năm bằng cách quy định sẽ không hỗ trợ học bổng quốc gia loại II cho các trường đại học tăng học phí, tuy nhiên các trường sau đại học lại không thuộc đối tượng xét chọn của học bổng này nên quy định hạn chế của chính phủ trên thực tế hầu như không có tác động đáng kể gì.
Ngoài ra, Đạo luật Giáo dục Đại học giới hạn mức tăng học phí đại học trong vòng 1,5 lần so với tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng trung bình của ba năm trước đó. Theo số liệu của Cục Thống kê, lạm phát giá tiêu dùng bình quân các năm 2020~2022 là 2,7%. Theo đó, mức tăng học phí cho năm 2023 chỉ có thể tối đa là 4,05%. Nếu không tuân thủ theo hạn mức quy định, các trường đại học sẽ bị thiệt thòi trong việc xem xét nhận được các dự án hỗ trợ tài chính của Bộ Giáo dục.
Tuy nhiên đối tượng du học sinh nước ngoài lại không nằm trong giới hạn mức tăng học phí của chính phủ Hàn Quốc.
Theo 'Phân tích học phí và chi phí giáo dục' do Hội đồng Giáo dục Đại học Hàn Quốc (Korean Council for University Education·KCUE), cơ quan tư vấn cho các trường đại học hệ bốn năm ở Hàn Quốc, được công bố cùng ngày, học phí của các trường đại học 4 năm (không bao gồm các trường đại học giáo dục-teachers' College và đại học từ xa-cyber university) trung bình là 6,79 triệu won/người (khoảng 128,2 triệu VNĐ), tính đến tháng 10 năm ngoái. Đó là mức tăng 1% so với học phí danh nghĩa trung bình là 6,73 triệu won trong hóa đơn năm 2008, ngay trước khi chính phủ công bố quy định về học phí.
Giả sử rằng học phí đã tăng như giới hạn tối đa hàng năm kể từ năm 2011, học phí trung bình hàng năm năm vào năm 2022 sẽ là 9,31 triệu won (khoảng 175,8 triệu VNĐ), cao hơn 37,2% so với học phí trung bình thực tế (6,79 triệu won).
Tuy nhiên, hiện học phí thực tế phản ánh theo tỷ lệ lạm phát là 6,32 triệu won (khoảng 119,3 triệu VNĐ), thấp hơn 23,2% so với năm 2008 (8,23 triệu won).