Kinh tế Chính trị

Sự "lên ngôi" của các công ty Hàn Quốc trong lĩnh vực giao dịch chứng khoán di động tại Việt Nam

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:32 25-01-2023
Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế của Việt Nam, hiện đang trở thành thủ phủ tập trung hầu hết chi nhánh, văn phòng trụ sở của các công ty chứng khoán Hàn Quốc. Trong số đó, đã có không ít công ty lọt vào top các công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam.

Năm 2007, Mirae Asset Securities trở thành công ty chứng khoán Hàn Quốc đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam. Tính đến nay có 8 công ty chứng khoán Hàn Quốc hiện diện tại thị trường Việt Nam bao gồm cả Korea Investment & Securities, Shinhan Investment & Securities, và KB Securities.

Nguyên nhân ban đầu khiến các công ty chứng khoán Hàn Quốc đua nhau vào Việt Nam là do Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, tạo điều kiện cho nguồn vốn đầu tư tài chính phát triển toàn diện.

Đặc biệt, Mirae Asset Securities và Korea Investment & Securities đã khẳng định mình là công ty chứng khoán top đầu ở các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam. Pháp nhân Việt Nam của Mirae Asset Securities (Mirae Asset Việt Nam) đứng đầu về thị phần giao dịch ủy thác (brokerage) trong số các công ty chứng khoán nước ngoài còn pháp nhân Việt Nam của Korea Investment & Securities (KIS Việt Nam) đứng đầu về thị phần chứng quyền có bảo đảm (covered warrant).

Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

 

Lễ khai trương hội sở công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/10/2017. [Ảnh=Mirae Asset Việt Nam]

◆ Mirae Asset Securities - công ty chứng khoán nước ngoài số 1 tại Việt Nam sau 16 năm gia nhập thị trường nội địa

Sau 16 năm gia nhập thị trường, công ty chứng khoán Mirae Asset Securities đã đạt được thị phần lớn nhất trong số các công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam bằng nhiều biện pháp mạnh mẽ trong việc thu hút khách hàng. Tính đến quý IV năm ngoái, thị phần môi giới chứng khoán của công ty đạt 6,31%. Đứng vị trí thứ 1~3 là các công ty chứng khoán Việt Nam bao gồm VP Securities (VPS), Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Chứng khoán VN Direct (VNDS) với thị phần lần lượt là 14,8%, 10% và 7,5%. Mirae Asset Securities đã cho thấy nỗ lực cạnh tranh không ngừng nghỉ khi tăng ba bậc từ vị trí thứ 7 về thị phần vào năm 2021 lên vị trí thứ 4 vào năm ngoái.

Pháp nhân tại Việt Nam của Mirae Asset Securities đã có thể tăng cường sự hiện diện tại thị trường địa phương nhờ hiệu quả trong việc thu hút đầu tư từ các khách hàng VIP và kích hoạt hệ thống giao dịch trực tuyến (Mobile Trading System·MTS), giúp cải thiện sự thuận tiện trong giao dịch.

Kang Moon-gyeong, Giám đốc Mirae Asset Việt Nam cho biết "Trong giai đoạn đầu tiên khai thác thị trường, chúng tôi đã tập trung vào việc thu hút khách hàng VIP. Khi tạo dựng được niềm tin của những khách hàng này, số lượng khách hàng mới tìm đến chúng tôi cũng đã tăng lên nhanh chóng mặt. Chúng tôi đã thu được lợi nhuận thông qua việc quản lý tài sản, cung cấp nơi đầu tư, cung cấp tín dụng cho các khách hàng VIP, song song với đó là giúp cải thiện độ nhận diện của công ty, kéo theo việc khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân nói chung cũng tăng lên". Cụ thể một trong số các khách hàng doanh nghiệp lớn của Mirae Asset Securities chính là tập đoàn Vingroup.

Mặc dù vào Việt Nam sau Mirae Asset Securities, tuy nhiên Korea Investment & Securities cũng đang tạo ra nhiều thành tích tích cực. Với ước mơ trở thành công ty chứng khoán số một tại thị trường Châu Á, vào năm 2010 Korea Investment & Securities đã mua lại Công ty Cổ phần Chứng khoán Gia Quyền (EPS), công ty đứng thứ 50 trong ngành, và đặt bước chân đầu tiên vào thị trường Việt Nam. Hiện tại, KIS Việt Nam có tổng cộng 270 nhân viên làm việc tại trụ sở chính ở Hồ Chí Minh và 6 mạng lưới bán hàng.

Tính đến năm 2022, KIS Việt Nam đứng thứ 9 trong ngành về vốn tự có và thứ 9 về thị phần môi giới chứng khoán trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Vốn chủ sở hữu tăng gấp 28 lần từ 8,6 tỷ won năm 2011 lên 245,2 tỷ won (khoảng 4,6 nghìn tỷ VNĐ) vào cuối năm 2021 và thị phần môi giới tăng gấp 5 lần từ 0,6% năm 2011 lên 3,08% trong nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh lên 34,1 tỷ KRW vào cuối năm 2021 sau khi báo lỗ vào năm 2011.

Park Won-sang, Giám đốc Korea Investment & Securities Vietnam, cho biết: "Kể từ khi vào Việt Nam, chúng tôi đã phát triển dựa trên sự hỗ trợ mạnh mẽ về nhân lực và vật chất từ ​​Korea Financial Holdings và Korea Investment & Securities. Đây là công ty chứng khoán nước ngoài duy nhất trên thị trường chứng quyền có bảo đảm ra mắt vào năm 2019 và đang ghi nhận hiệu suất số 1 trong ngành."

KIS Việt Nam là công ty chứng khoán nước ngoài đầu tiên tham gia vào lĩnh vực AP (Authorized Participants: người tham gia được chỉ định) và LP (Liquidity Provider: nhà cung cấp thanh khoản) của quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và đang đạt được những kết quả tích cực. Hiện tại, KIS Việt Nam đang chịu trách nhiệm cho 7 trong số 9 quỹ ETF tại Việt Nam.

"Chúng tôi là công ty chứng khoán nước ngoài duy nhất tham gia vào lĩnh vực AP và LP, đồng thời chúng tôi đang tìm cách đa dạng hóa nguồn doanh thu bằng cách củng cố vị thế là nhà môi giới chuyên về ETF đối với các nhà đầu tư", giám đốc Park cho biết.

Ngoài ra, Shinhan Investment đã mua lại Công ty chứng khoán Nam An vào năm 2015 và thành lập Shinhan Investment Vietnam (SSV) vào năm 2016. Năm 2017, KB Securities cũng đã thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua việc thành lập công ty pháp nhân Việt Nam với tên gọi 'Maritime Securities Incorporation'.

◆ Kỷ nguyên Covid-19 'từ khủng hoảng đến cơ hội'…Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bùng nổ

Thị trường vốn Việt Nam ở thời điểm hiện tại vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Suốt khoảng thời gian chiến tranh trong quá khứ, kênh đầu tư cơ bản của người Việt Nam chủ yếu là vàng và đô la. Sau đó, khi chính trị và kinh tế bắt đầu ổn định, hướng đầu tư bắt đầu chuyển dịch vào thị trường tài chính. Sau tiền gửi và bất động sản, số lượng người đầu tư vào cổ phiếu cũng đã dần tăng lên. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa là cơ hội vừa là mảnh đất đầy thách thức đối với các công ty chứng khoán Hàn Quốc.

Park Won-sang, Giám đốc KIS Việt Nam cho biết, "Quy mô của nền kinh tế và thị trường tỷ giá hối đoái khác nhau ở nhiều khía cạnh. Nếu chúng ta chia nhỏ nó theo lĩnh vực, nó sẽ thay đổi từ ngắn nhất là 10 năm cho đến dài nhất là 30 năm. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của thị trường vốn, sẽ có nhiều sản phẩm đầu tư và cơ hội kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào nỗ lực của các cơ quan chính sách và nhu cầu đa dạng hóa lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong tương lai."

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện được đưa vào thị trường cận biên theo tiêu chuẩn của Morgan Stanley Capital International (MSCI). Giống như việc Hàn Quốc được đưa vào Chỉ số các thị trường mới nổi vào năm 1992 và hiện đang phấn đấu trở thành một thị trường phát triển, Việt Nam cũng đang phấn đấu trở thành một thị trường mới nổi từ các thị trường cận biên.

Sự hiện diện của dịch Covid-19 trong 3 năm qua vừa là khủng hoảng vừa là cơ hội cho các công ty chứng khoán. Năm 2007, vốn hóa thị trường của Việt Nam chỉ vỏn vẹn 20 nghìn tỷ won, nhưng tính đến năm ngoái (2022), con số này đã tăng lên khoảng 300 nghìn tỷ won. Dựa trên thanh khoản dồi dào trên thị trường trong thời kỳ Covid-19, số lượng nhà đầu tư cá nhân cũng tăng lên và khối lượng giao dịch hàng ngày cũng tăng vọt.

Giám đốc Mirae Asset Việt Nam, Kang Moon-gyeong cho biết: "Trong gần 30 năm từ những năm 1990 đến 2019, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam chỉ khoảng 4 triệu, nhưng số con số này đã tăng gấp đôi, thêm 4 triệu tài khoản chỉ trong vòng 2 năm. Không quá khi nói rằng sức sống của thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá mạnh mẽ nhất trong thời kỳ Covid-19. Thêm vào đó, thông thường, số tiền giao dịch trung bình hàng ngày ở Việt Nam là 400 đến 500 tỷ won, một con số tương đối nhỏ nếu so sánh với một số thị trường chứng khoán của các quốc gia châu Á khác. Tuy nhiên số tiền giao dịch hàng ngày đã tăng lên 2 nghìn tỷ won vào cuối năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ."

Giám đốc Park cũng chỉ ra "Cùng với đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng ghi nhận sự bùng nổ tốt nhất trong năm 2021, vượt mốc 1500 điểm. Đó là nhờ sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân trong thời kỳ đại dịch."

Việt Nam cũng là thị trường có tiềm năng lớn cho sự phát triển trong tương lai. Điều này là do tổng dân số của Việt Nam gần 100 triệu người, nhưng hiện tại số lượng tài khoản chứng khoán tích lũy tại Việt Nam chỉ khoảng 8 triệu. Trong khi đó, mục tiêu đầu tiên của các công ty chứng khoán chính là gia tăng tài khoản mới.

Giám đốc Park cho hay "Các công ty chứng khoán Việt Nam tập trung vào mảng kinh doanh theo định hướng bán lẻ bất kể đó là công ty chứng khoán trong nước hay công ty chứng khoán nước ngoài. Chúng tôi hiện đang trong giai đoạn đầu phát triển thị trường vốn nên vẫn có giới hạn trong việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh."

Trong ngành chứng khoán, các lĩnh vực liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng được cho là lĩnh vực nhà đầu tư cần quan tâm trong thời gian tới. Tại Việt Nam, các nhà phát triển bất động sản thường được liệt kê trong danh sách các cổ phiếu hàng đầu theo vốn hóa thị trường.

Giám đốc Park nhấn mạnh "Rất nhiều quỹ đầu tư từ Việt Nam sẽ đẩy mạnh đầu tư vào xây dựng đường cao tốc, bến cảng và sân bay. Tôi nghĩ chúng ta cần để mắt đến cổ phiếu của các công ty xây dựng, các công ty có giá cổ phiếu đã giảm đáng kể trong thời gian qua."

Mặt khác, các công ty chứng khoán Hàn Quốc đang thực hiện nhiều chiến lược khác nhau để thu hút các nhà đầu tư trẻ tuổi.

Mirae Asset đang trong quá trình thiết kế một MTS tùy chỉnh để đảm bảo an toàn cho những khách hàng trẻ ở độ tuổi 20 và 30, những người sẽ trở thành nhà đầu tư lớn trong tương lai. Số lượng nhân lực CNTT của công ty hồi đầu năm 2022 là 12 người hiện đã tăng lên 62 người.

Yoon Doo-gun, trưởng phòng của Mirae Asset, cho biết: "Nếu giao dịch chứng khoán của Hàn Quốc tập trung vào Hệ thống giao dịch tại nhà (Home Trading System·HTS, thì tại Việt Nam, nơi có tỷ lệ thâm nhập di động lên tới 80% thì hầu hết đều giao dịch cổ phiếu thông qua MTS. Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng giao dịch phù hợp với người dân địa phương và với sự gia tăng về khối lượng giao dịch đầu tư chứng khoán và lượng lớn khách hàng cá nhân, chúng tôi đã thiết lập vị thế là công ty môi giới hàng đầu dành cho người dân địa phương."

Ngoài ra, các công ty chứng khoán Hàn Quốc cũng đang tích cực mở rộng phạm vi hoạt động không chỉ gói gọn trong lĩnh vực môi giới mà còn cả tài chính doanh nghiệp (IB). Gần đây, các công ty chứng khoán Hàn Quốc còn trở thành nhà đầu tư chiến lược (Strategic Investor·SI) vào các công ty và startup Việt Nam.

Mirae Asset Securities đã đầu tư vào 'Tôn Đông Á', một công ty thép Việt Nam và Tiki, một nền tảng thương mại điện tử trực tuyến. Korea Investment & Securities giám sát việc phát hành EB (Trái phiếu có thể hoán đổi) của 'An Phát Holdings', tập đoàn sản xuất sản phẩm nhựa lớn nhất Việt Nam, đồng thời phát hành 15 tỷ won trái phiếu doanh nghiệp của 'ASG', một công ty hậu cần của Việt Nam.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기