Kinh tế Chính trị

Hàn Quốc công bố Sách trắng quốc phòng 2022 có ghi Triều Tiên là 'kẻ thù'…Dự kiến xuất bản cả bản tiếng Anh và bản tóm tắt đa ngôn ngữ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:13 17-02-2023
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 16 đã công bố 'Sách trắng Quốc phòng năm 2022' trong đó nhận định chế độ Bắc Triều Tiên và quân đội Bắc Triều Tiên là "kẻ thù". Đây là lần thứ 25 kể từ năm 1967 sách trắng quốc phòng được xuất bản và là sách trắng quốc phòng đầu tiên được xuất bản dưới thời chính quyền Yoon Suk-yeol.

 

Ảnh chụp nội dung của 'Sách trắng Quốc phòng 2020' (trái) và 'Sách trắng Quốc phòng 2022' [Ảnh=Bộ Quốc phòng Hàn Quốc]

Sách trắng Quốc phòng 2022 của Hàn Quốc có ghi "Trong phần mở đầu của Nội quy Đảng Lao động sửa đổi năm 2021, Triều Tiên đã xác định chủ nghĩa xã hội hóa trên toàn bán đảo Hàn Quốc; tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 12/2022, Triều Tiên cũng đã coi Hàn Quốc là "kẻ thù rõ ràng". Triều Tiên không từ bỏ vũ khí hạt nhân và tiếp tục gây ra các mối đe dọa quân sự, (vì thế) chế độ Bắc Triều Tiên và quân đội Bắc Triều Tiên là kẻ thù của chúng ta."

Đây là lần đầu tiên sau 6 năm kể từ Sách trắng Quốc phòng năm 2016, chế độ hoặc quân đội Triều Tiên được chính phủ Hàn Quốc xác định là "kẻ thù".

Về việc sử dụng cụm từ "kẻ thù", Bộ Quốc phòng giải thích: "Chúng tôi đã xem xét tổng hợp chiến lược chống lại Hàn Quốc của Triều Tiên, ví dụ xác định chúng tôi là kẻ thù, nâng cao năng lực hạt nhân liên tục, đe dọa và khiêu khích quân sự."

Khái niệm "kẻ thù" hoặc "kẻ thù chính (주적·主敵)" trong Sách trắng quốc phòng của Hàn Quốc đóng vai trò như một phong vũ biểu, thể hiện rõ ràng quan điểm của chính phủ Hàn Quốc về an ninh quốc gia đối với Triều Tiên tại thời điểm xuất bản.

Khái niệm về "kẻ thù chính" lần đầu tiên được nêu rõ trong sách trắng quốc phòng năm 1995 và được duy trì cho đến năm 2000 sau phát ngôn "Biển lửa Seoul (서울 불바다)" của đại diện Triều Tiên tại cuộc tiếp xúc trao đổi đặc phái viên Nam Bắc năm 1994.

Kể từ đó, khi bầu không khí hòa giải liên Triều được hình thành, từ Sách trắng Quốc phòng năm 2004 cụm từ "kẻ thù" đã được thay đổi thành "mối đe dọa quân sự trực tiếp; và đến năm 2008 khi chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak ra mắt, cụm từ "kẻ thù" một lần nữa được đổi thành "mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng".

Tuy nhiên, vào năm 2010, sau cuộc tấn công vào tàu chiến Cheonan và vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong, cụm từ "chế độ Bắc Triều Tiên và quân đội Bắc Triều Tiên là kẻ thù" lại xuất hiện trong sách trắng xuất bản cùng năm, và được duy trì cho đến thời của tổng thống Park Geun-hye.

Khi chính quyền tổng thống Moon Jae-in nhậm chức, cụm từ xác định Triều Tiên là kẻ thù đã biến mất trong sách trắng quốc phòng năm 2018 và 2020, thay vào đó là mệnh đề "các thế lực đe dọa và xâm phạm chủ quyền, đất đai, con người, và tài sản quốc gia được coi là kẻ thù của chúng ta."

Tuy nhiên đến sách trắng quốc phòng năm 2022, cụm từ "chế độ Bắc Triều Tiên hoặc quân đội Bắc Triều Tiên là kẻ thù của chúng ta" đã một lần nữa xuất hiện.

 

Phần còn lại của tên lửa mà Triều Tiên phóng từ Wonsan, Gangwon vào ngày 2/11/2022 (tên lửa đầu tiên rơi xuống phía nam của Đường giới hạn phía Bắc (NLL) ở Biển Đông sau khi Triều Tiên bị chia cắt) đã được công khai tại trụ sở Bộ Quốc phòng ở Yongsan, Seoul vào ngày 9/11/2022. [Ảnh=Yonhap News]

Sách trắng quốc phòng 2022 cũng đưa ra ghi chép rằng đến năm 2020 Triều Tiên đã vi phạm thỏa thuận hai lần, tuy nhiên chỉ trong năm ngoái miền Bắc đã vi phạm tổng cộng 15 lần (ngày). Nội dung sách trắng có ghi "(Bắc Hàn) liên tục vi phạm biện pháp ngăn chặn các hành vi thù địch lẫn nhau của thỏa thuận quân sự ngày 19 tháng 9 bao gồm nã pháo vào vùng đệm hàng hải, phóng tên lửa ở phía nam NLL (Đường giới hạn phía Bắc) và xâm nhập bằng máy bay không người lái."

Sách trắng quốc phòng của Hàn Quốc lần này còn chỉ ra cụ thể tình hình phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên thông qua biểu đồ. Theo biểu đồ, từ ngày 5 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12 năm ngoái, tên lửa đạn đạo đã được phóng hơn một lần mỗi ngày trong 34 ngày. Thậm chí, lần đầu tiên sau khi đất nước bị chia cắt, Triều Tiên bắn tên lửa vào khu vực bãi biển phía nam NLL vào ngày 2/11.

Những thay đổi trong tầm nhìn quốc gia và chiến lược an ninh sau khi chính phủ Yoon Suk-yeol lên nắm quyền cũng có thể được nắm bắt thông qua sách trắng quốc phòng lần này.

Sách trắng Quốc phòng năm 2022 vạch ra tầm nhìn quốc gia trong phần 'Chiến lược An ninh Quốc gia' bao gồm ▲ Bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và thúc đẩy an toàn công cộng ▲ Thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên đồng thời chuẩn bị cho một tương lai thống nhất ▲ Đặt nền tảng cho sự thịnh vượng ở Đông Á và mở rộng vai trò toàn cầu.

Với mong muốn đảm bảo sự tin tưởng và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chính sách quốc phòng, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng có kế hoạch sản xuất phiên bản tiếng Anh và bản tóm tắt đa ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Nga) của sách trắng quốc phòng năm 2022, và xuất bản trong nửa đầu năm nay.

 

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) "Hwasong-17" của Triều Tiên đã xuất hiện tại lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội nhân dân Triều Tiên tổ chức ở Bình Nhưỡng hôm 8/2/2023. [Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기