Đời sống Xã hội

Đề xuất giờ làm việc 69 tiếng/tuần của chính phủ Hàn Quốc gặp nhiều ý kiến trái chiều

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:51 15-03-2023
Hàn Quốc vốn được biết là một trong một số các quốc gia có văn hóa làm việc với thời gian kéo dài cùng cường độ cao. Sau khi đưa ra quy định về hệ thống làm việc 52 giờ/tuần trong Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động có hiệu lực năm 2018, mới đây chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất tăng giờ làm việc hằng tuần từ 52 lên 69 giờ, gây ra phản ứng dữ dội từ người lao động và dư luận vì lo ngại mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

 

Sáng ngày 9/3, trước Đài tưởng niệm Chiến tranh Hàn Quốc ở Yongsan-gu (Seoul), các quan chức của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc đang biểu diễn hình ảnh của người lao động làm việc kiệt sức tại cuộc họp báo lên án chính phủ Yoon Seok-yeol vì đã đưa ra đề xuất tăng thời gian làm thêm lên 69 giờ/tuần. [Ảnh=Yonhap News]

Ban đầu, chính sách này được theo đuổi để mở rộng quyền lựa chọn của người lao động và đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của họ.

Hiện tại, theo quy định, người lao động ở Hàn Quốc làm việc tối đa 52 giờ mỗi tuần (40 giờ làm chính thức và 12 giờ làm thêm). Các doanh nghiệp vi phạm quy định có thể phải đối mặt với án tù hoặc phạt tiền. Với chính sách mới, ngoài 40 giờ làm chính thức, chủ doanh nghiệp có thể yêu cầu người lao động làm thêm tối đa 29 giờ mỗi tuần, khiến cho thời gian làm việc tối đa của người lao động có thể kéo dài lên thành 69 giờ/tuần.

Lập luận tăng giờ làm trong tuần của chính phủ Hàn Quốc đó là người lao động có thể có nhiều thời gian rảnh hơn vì sẽ có quy định cụ thể về số giờ làm việc mỗi tháng, mỗi quý hoặc mỗi năm. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ hạn chế làm việc hơn 60 giờ mỗi tuần trong 3 tuần liên tiếp cũng như người lao động phải có 11 giờ nghỉ ngơi liên tục giữa các ca làm việc mỗi ngày. 

Tuy nhiên, theo báo cáo 'So sánh quy định về giờ làm việc ở Hàn Quốc và các nước phát triển lớn' của Viện Hành chính công Hàn Quốc vào ngày 15, số giờ làm việc thực tế hàng năm của tất cả những người có việc làm ở Hàn Quốc là 1.915 giờ tính đến năm 2021, tức là dài hơn 199 tiếng so với trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (1.716 giờ).

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thời gian làm việc kéo dài được cho là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ sinh của Hàn Quốc thuộc hàng thấp nhất trên thế giới, trong khi tỉ lệ tự tử lại thuộc hàng cao nhất ở mức 24,1/100.000 người.

Khi những lời chỉ trích về kế hoạch cải cách được rất nhiều hiệp hội, liên đoàn cũng như dư luận, đặc biệt là những người trẻ tuổi xuất hiện ngày càng nhiều, đích thân tổng thống Yoon Suk-yeol đã phải đứng ra và ra lệnh xem xét lại cũng như thu thập thêm ý kiến của dư luận về đề án sửa đổi này.

Tổng thống Yoon đưa ra chỉ thị "Hãy lắng nghe kỹ các ý kiến ​​khác nhau của người lao động, đặc biệt là ý kiến ​​của thế hệ trẻ, đồng thời xem xét lại nội dung của dự luật và cân nhắc về những điểm cần bổ sung".

Một quan chức của văn phòng tổng thống cũng cho biết, "Bộ Lao động đã thiếu nỗ lực trong việc giao tiếp với người dân. Chúng ta cần lắng nghe nhiều hơn tiếng ý kiến của những người trẻ tuổi".

Người lao động và người trẻ tuổi phản đối mạnh mẽ đề xuất này vì lo ngại nó sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người sử dụng lao động khuyến khích họ làm nhiều thêm trong những giai đoạn cao điểm.

Hiệp hội người lao động Saerogochim đã đưa ra một bình luận vào ngày 9/3 vừa qua "Chúng tôi phản đối việc mở rộng giờ làm thêm vì nó không đáp ứng các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Mặc dù thực tế là có nhiều ngày nghỉ lễ ở Hàn Quốc, nhưng lý do khiến số giờ làm việc trung bình ở nước ta cao hơn so với các nước phát triển lớn là do giới hạn tối đa cho thời gian làm thêm giờ cao và việc làm thêm giờ thường xuyên xảy ra trong môi trường công nghiệp".

"Sẽ là quá sớm nếu áp dụng chính sách sửa đổi trong bối cảnh Hàn Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng làm việc nhiều giờ và quá sức", Hiệp hội nhấn mạnh.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기