Kinh tế Chính trị

Giao dịch trực tuyến về du lịch và dịch vụ giao thông quý I tại Hàn cao kỷ lục…Đạt hơn 4 tỷ USD

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:30 02-05-2023
Với việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách xã hội dẫn đến nhu cầu đi lại tăng vọt, trong quý I/2023 các giao dịch trực tuyến về sản phẩm du lịch và vận tải tại Hàn Quốc đã đạt mức cao kỷ lục. Ngược lại, số lượng giao dịch đặt đồ ăn trực tuyến đã ghi nhận mức giảm lớn nhất từ trước đến nay.

 

[Ảnh=Yonhap News]

Theo "Xu hướng mua sắm trực tuyến tháng 3" do Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc công bố vào ngày 1, lượng giao dịch trong dịch vụ du lịch và vận tải của quý I năm nay là 5.513,5 tỷ won (khoảng 4,11 tỷ USD) tăng 111,7% so với cùng kỳ năm ngoái (2.604,9 tỷ won). Đây là mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ khi các số liệu thống kê liên quan được tổng hợp vào năm 2017. Bản thân số tiền giao dịch cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại. Lý do dẫn đến thành tích khả quan này được cho là nhờ việc giảm và dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch giúp thúc đẩy sự gia tăng của các hoạt động ngoài trời.

Ngược lại, các giao dịch trong dịch vụ ăn uống của quý I lên tới 6.366,9 tỷ won (khoảng 4,75 tỷ USD), giảm 10,8% so với một năm trước, cũng là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Đánh giá trên cơ sở hàng tháng, các giao dịch dịch vụ ăn uống đã giảm tháng thứ chín liên tiếp kể từ tháng 7/2022 (-5%). Trong đó, tốc độ giảm trong tháng 3 (13%) là tỷ lệ sụt giảm cao nhất từ trước đến nay.

Khi các giao dịch dịch vụ ăn uống, chiếm một phần lớn trong mua sắm trực tuyến, suy giảm, sự tăng trưởng chung trong các giao dịch mua sắm trực tuyến cũng cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Trong quý I, tổng số tiền giao dịch mua sắm trực tuyến là 53.918,3 tỷ won (khoảng 40,25 tỷ USD), chỉ tăng 7,4% so với một năm trước. Đây là mức tỷ lệ tăng thấp thứ hai từ trước đến nay, sau quý IV/2022 (6,3%). Tính riêng trong tháng 3, các giao dịch mua sắm trực tuyến đạt 18.837,9 tỷ won (khoảng 14,06 tỷ USD), tăng 7% so với một năm trước.

Trong quý đầu tiên, doanh số bán hàng trực tiếp ở nước ngoài được thực hiện trên các nền tảng trực tuyến đạt 287,1 tỷ won (khoảng 214,3 triệu USD), giảm tận 49,4% so với một năm trước. Đà giảm đã duy trì 10 quý liên tiếp kể từ quý IV/2020 (-18,9%). Nhu cầu giảm ở Trung Quốc, thị trường chiếm một phần lớn doanh số bán hàng trực tiếp xuyên biên giới trực tuyến, được coi là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm doanh số bán hàng trực tiếp ở nước ngoài.

Trong quý I, mỹ phẩm (-60,6%) và doanh số của các cửa hàng bán hàng miễn thuế (-69,4%) tiếp tục sụt giảm đáng kể. Mặt khác, số lượng mua hàng trực tuyến từ nước ngoài lại đạt lên tới 1.598,4 tỷ won (khoảng 1,19 tỷ USD), tăng 16,6% so với một năm trước.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기