Đời sống Xã hội

Hàn Quốc có thể bắt đầu áp dụng chính sách tuyển dụng người giúp việc ngoại quốc vào nửa cuối năm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:31 10-05-2023
Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch thí điểm cho phép tuyển dụng lao động giúp việc là người nước ngoài bắt đầu từ nửa cuối năm nay nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp thông qua việc giảm gánh nặng trong chăm sóc con cái và gánh nặng việc nhà cho phụ nữ.

 

[Ảnh=Getty Images Bank]

Theo Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc và Chính quyền thành phố Seoul vào ngày 9, chính phủ Hàn Quốc dự định hoàn thành dự án thí điểm cho phép sử dụng giúp việc là người nước ngoài nước ngoài vào giữa tháng 6, đồng thời cho phép nhập cảnh một số lượng người nước ngoài nhất định sớm nhất là vào nửa cuối năm nay thông qua visa E9 (lao động phổ thông, không phải chuyên gia). Visa E9 là một hệ thống giấy phép lao động, cho phép người sở hữu làm việc tại địa điểm được chỉ định và về nguyên tắc, cho phép người sở hữu lưu trú tại Hàn Quốc trong 3 năm.

Hiện tại, lương tháng của người giúp việc/quản gia Hàn Quốc vào khoảng trên dưới 3 triệu won (khoảng 53 triệu VNĐ), cá biệt có thể lên tới 4 triệu won (khoảng 70,8 triệu VNĐ) đối với những người có chuyên môn. Trong trường hợp người giúp việc/quản gia là người Hàn gốc Trung, mức lương có thể thấp hơn một chút, rơi vào khoảng 2,5 triệu (khoảng 44 triệu VNĐ) đến dưới 3 triệu won.

Trên thực tế, ở Hàn Quốc việc các gia đình thực sự thuê người giúp việc hoặc quản gia là không phổ biến do gánh nặng kinh tế tương đối cao.

Nếu chính sách này được áp dụng, khả năng cao người giúp việc ngoại quốc sẽ nhận lương theo mức lương tối thiểu tại Hàn Quốc. Sau khi cân nhắc, để tránh việc vi phạm Công ước chống phân biệt đối xử của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng mức lương tối thiểu cho đối tượng lao động này.

Áp dụng mức lương tối thiểu hiện tại ở Hàn Quốc là 9.620 won/giờ, với thời gian làm việc 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, thì mức lương hàng tháng mà một người nước ngoài làm công việc quản gia/người giúp việc sẽ nhận được là khoảng 2 triệu won (khoảng 35,4 triệu VNĐ). Con số này thấp hơn 30% so với mức lương theo giờ của người giúp việc gia đình hiện tại ở Hàn Quốc. Hiện, mức lương trung bình mỗi giờ cho quản gia người Hàn gốc Trung là 13.000 won và mức lương trung bình mỗi giờ cho quản gia người Hàn Quốc là hơn 15.000 won.

Người giúp việc ngoại quốc là một trong những vấn đề mà Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải được đưa vào áp dụng với mục đích giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp bằng cách giảm gánh nặng chăm sóc trẻ em.

Vào ngày 26/4, Thị trưởng Oh đã đăng trên trang Facebook của mình, "Giáo sư Michael Kramer của Đại học Chicago (Mỹ), người đoạt giải Nobel Kinh tế, đã nhận định rằng Hàn Quốc cần có chính sách nhập cư. Tôi cũng đồng ý với ý kiến 'chương trình thị thực đặc biệt dành cho người giúp việc ngoại quốc' của Hồng Kông và Singapore là một chính sách nhập cư thành công".

Khi các chính sách liên quan đến việc cho phép tuyển dụng quản gia người nước ngoài đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn, các bậc phụ huynh cũng có tâm trạng nửa mừng nửa lo.

Với việc áp dụng chính sách cho phép tuyển dụng quản gia/người giúp việc ngoại quốc, phạm vi lựa chọn của các bậc phụ huynh sẽ được mở rộng hơn.

Phụ huynh A có 2 con trong độ tuổi mẫu giáo ở Seoul, cho biết "Hiện nay, vẫn có nhiều người giúp việc mang quốc tịch Đông Nam Á được tuyển dụng và làm việc một cách không chính thức. Nếu chính sách được áp dụng, các bậc phụ huynh sẽ có thêm nhiều lựa chọn có thể thuê người giúp việc ngoại quốc một cách hợp pháp dựa theo mức lương tối thiểu. Hiện tại, gánh nặng chi phí trong việc tuyển dụng người giúp việc gia đình rất cao, nếu nguồn cung tăng lên thì tổng mức lương của họ cũng sẽ giảm xuống".

Mặt khác, có những lo ngại rằng người giúp việc Hàn Quốc có thể sẽ mất đi các cơ hội việc làm do sự có mặt của người nước ngoài ở vị trí người giúp việc/quản gia. Cũng có ý kiến cho rằng mức lương tháng lên tới 2 triệu won vẫn là một gánh nặng nên việc áp dụng trên thực tế là quá sức.

Phụ huynh B, nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30 hiện đang sinh sống ở Seoul, cho biết: "Thật là một gánh nặng khi phải trả 2 triệu won mỗi tháng cho một quản gia đi làm theo giờ (không sống chung với chủ nhà). Điều quan trọng hơn bất cứ điều gì khác là mở rộng thời gian nghỉ phép và điều kiện làm việc dành cho các phụ huynh đang nghỉ phép chăm con hoặc các cặp vợ chồng cùng đi làm kiểm tiền".

Một quan chức từ thành phố Seoul cho biết, "Dựa trên một khảo sát nhu cầu, Bộ Việc làm và Lao động dường như đang xem xét về việc thử nghiệm áp dụng chính sách này với quy mô khoảng 100 người. Vì chính sách này vẫn chưa được hoàn thiện toàn bộ nên nó sẽ chỉ được áp dụng ở Seoul, tuy nhiên việc có áp dụng mức lương tối thiểu theo giờ hay không vẫn chưa được xác nhận".

Một quan chức của Bộ Việc làm và Lao động cũng cho hay "Chưa có quyết định nào về quy mô hoặc quốc gia của người lao động được cho phép. Chúng tôi dự định áp dụng chính sách này tại thành phố Seoul trước và xem xét kết quả trước khi tăng hạn mức hoặc phạm vi lên".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기