Kinh tế Chính trị

Vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên phóng thất bại, rơi xuống biển Tây

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:57 01-06-2023
Triều Tiên "Sẽ tiếp tục thực hiện lần phóng thứ 2 trong thời gian sớm nhất"
Sáng ngày 31, Triều Tiên đã tuyên bố thất bại trong việc phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên có tên 'Malligyeong-1 (만리경-1호)'. Nước này cho hay phương tiện phóng mang theo vệ tinh do thám đã lao xuống vùng biển phía Tây đảo Eocheong ở Biển Tây do xảy ra lỗi động cơ ở giai đoạn hai.

 

[Ảnh=Yonhap News]

Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), vào lúc 6:29 sáng cùng ngày, quân đội Hàn Quốc đã phát hiện được một 'vật thể phóng (launch vehicle)' được phóng về phía nam từ khu vực Dongchang-ri của Cheolsan-gun, tỉnh Pyongan Bắc, Triều Tiên.

Tên lửa đã đi qua vùng biển xa phía tây đảo Baengnyeong rồi rơi xuống vùng biển cách đảo Eocheong khoảng 200 km về phía tây. Đảo Eocheong là một hòn đảo cách Gunsan, Jeollabuk-do (Hàn Quốc) khoảng 60km về phía Tây.

3 tiếng sau khi thự hiện vụ phóng, Triều Tiên cũng đã đưa ra tuyên bố thừa nhận thất bại trong vụ phóng lần này.

Cơ quan Phát triển Vũ trụ Quốc gia của Triều Tiên cho biết: "Tên lửa mang vệ tinh mới (phương tiện phóng không gian) 'Cheollima-1 (천리마-1형)' mang theo vệ tinh trinh sát quân sự 'Malligyeong-1' đã thực hiện hành trình bay ổn định và phân tách thành công ở giai đoạn 1 tuy nhiên sau đó đã rơi xuống biển Tây với lý do mất lực đẩy do động cơ tên lửa khởi động bất thường".

Các nhà chức trách quân sự Hàn Quốc đã bắt đầu hoạt động thu thập các mảnh vỡ từ địa điểm mà tên lửa rơi xuống. Hải quân đã thành công trong việc tìm kiếm và trục vớt một vật thể được cho là một phần của phương tiện phóng của Triều Tiên, và các hoạt động tìm kiếm và trục vớt bổ sung vẫn đang được tiến hành. Nếu các tên lửa do Triều Tiên bắn không phát nổ trên không, có khả năng phần thân chính của vệ tinh cũng đã bị chìm xuống biển.

Theo tọa độ hàng hải mà Triều Tiên thông báo, khu vực mà các mảnh vỡ dự kiến ​​rơi xuống là vùng biển cách cảng Daecheon ở tỉnh Chungnam 230 km về phía Tây trong trường hợp tên lửa đẩy tầng thứ nhất; vị trí dự kiến thứ hai là vùng biển khơi 270~330 km về phía tây của căn cứ hải quân Jeju trong trường hợp tên lửa đang phân tách vỏ bọc (giai đoạn fairing); vị trí dự kiến thứ ba là vùng biển cách đảo Luzon của Philippines khoảng 700~1000 km về phía đông trong trường hợp tên lửa đẩy tầng thứ hai.

 
Vật thể được cho là một phần của 'phương tiện phóng vũ trụ mà Triều Tiên tuyên bố chủ quyền' đang được quân đội Hàn Quốc trục vớt.

Vật thể được cho là một phần của 'phương tiện phóng vũ trụ mà Triều Tiên tuyên bố chủ quyền' đang được quân đội Hàn Quốc trục vớt. [Ảnh=Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc]


Trước đó, Triều Tiên đã thông báo cho Nhật Bản và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan điều phối các khu vực hàng hải trong khu vực, rằng họ sẽ phóng một vệ tinh trong khoảng thời gian từ 0:00 ngày 31/5 đến 0:00 ngày 11/6.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Ri Pyong-chol cũng đã đưa ra tuyên bố một ngày trước đó (30/5) rằng Triều Tiên có kế hoạch phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên vào tháng Sáu.

Đây là lần phóng vệ tinh thứ bảy của Triều Tiên kể từ lần phóng 'Kwangmyongsong-1' vào tháng 8/1998, và đã 7 năm kể từ lần phóng 'Kwangmyongsong-4' vào tháng 2/2016. Trong 7 lần phóng vệ tinh có 2 chiếc đã đi vào quỹ đạo thành công là 'Kwangmyongsong-3' số 2 (lần phóng thứ 5) được phóng năm 2012 và Kwangmyongsong-4 (lần phóng thứ 6) được phóng năm 2016.

Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ sớm triển khai việc phóng lại vệ tinh.

Người phát ngôn của Cơ quan Phát triển Vũ trụ Quốc gia Triều Tiên cho biết: "Chúng tôi đang khẩn trương tìm kiếm các biện pháp khoa học và công nghệ để điều tra cụ thể, làm rõ những sai sót nghiêm trọng và khắc phục chúng. Sau khi trải qua nhiều cuộc thử nghiệm từng phần khác nhau, lần phóng thứ hai sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất có thể".

Các chuyên gia phía Hàn Quốc dự đoán rằng lần phóng thứ hai sẽ được thực hiện ra sớm nhất là trong vài tuần tới và muộn nhất là trong năm nay.

Trên thực tế, tên lửa được sử dụng để phóng vệ tinh vào không gian về mặt kỹ thuật hầu như giống với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Vì lý do này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm bất kỳ vụ phóng tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên bất kể mục đích sử dụng.

Mặt khác, đây là lần phóng tên lửa thứ 10 trong năm nay của Triều Tiên, 50 ngày sau khi phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 mới vào ngày 13/4 vừa qua.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기