Đời sống Xã hội

Khách Hàn Quốc chuộng du lịch nước ngoài…Tour du lịch châu Âu vào dịp Trung thu đã gần kín chỗ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:08 02-06-2023
Ngược lại mức độ hồi phục khách du lịch nước ngoài tới Hàn Quốc vẫn còn khá chậm chạp
Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, việc di chuyển đi lại giữa các quốc gia cũng đã gần như trở lại trạng thái bình thường giống như trước đây, nhu cầu du lịch nước ngoài của khách Hàn Quốc cũng bùng nổ. Số liệu của nhiều công ty du lịch cho thấy các sản phẩm du lịch nước ngoài dành cho mùa thu cũng đang xảy ra tình trạng "khan hiếm", thậm chí một số hành trình đã "cháy hàng".

 
Sáng 26/5, trước thềm lễ Phật Đản, sảnh đi của sân bay quốc tế Incheon đông nghịt hành khách.

Sáng 26/5, trước thềm lễ Phật Đản, sảnh đi của sân bay quốc tế Incheon đông nghịt hành khách. [Ảnh=Yonhap News]

◆ 4 tháng nữa mới tới kỳ nghỉ lễ Trung thu nhưng nhiều gói du lịch đã kín chỗ
Theo tin tức từ ngành du lịch, tỷ lệ đặt phòng cho chuyến du lịch châu Âu trọn gói khởi hành vào thời điểm vàng ngày 28 và 29/9 (ngày đầu tiên và thứ 2 trong kỳ nghỉ lễ Trung thu ở Hàn Quốc) đã vượt quá 90%.

Đối với dân văn phòng Hàn Quốc, chỉ cần xin nghỉ phép thêm 1 ngày vào 2/10 thì sẽ lập tức được tận hưởng tổng cộng kỳ nghỉ kéo dài 6 ngày (từ 28/9 cho tới 3/10). Chính vì thế đã có không ít người lựa chọn du lịch dài ngày trong kỳ nghỉ lễ Trung thu năm nay.

Thậm chí, 1 tuần sau đó lại tiếp tục có 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Hangeul (9/10) nên trong trường hợp cá biệt nếu người lao động có thể xin nghỉ phép liên tục vào khoảng giữa của kỳ nghỉ lễ Trung thu và Ngày Hangeul thì người lao động sẽ có một kỳ nghỉ kéo dài tới 17 ngày. Do đó, dân văn phòng Hàn Quốc còn gọi đùa rằng đây là "kỳ nghỉ lịch sử".

Tất cả 5 gói sản phẩm du lịch Tây Âu khởi hành vào ngày 29/9 từ Mode Tour đã được bán hết. Tỷ lệ bán 12 gói sản phẩm du lịch đi Địa Trung Hải khởi hành ngày 29/9 cũng đạt 95%. Năm nay, lượng đặt trước các sản phẩm du lịch cho dịp lễ Trung thu (ngày khởi hành 28 và 29/9) đã tăng 410% so với cùng kỳ năm ngoái (ngày khởi hành 9 và 10/9). Hiện, Mode Tour đang thảo luận với hãng hàng không để có thể tăng thêm số lượng ghế trên các chuyến bay.

Hana Tour cũng có tỷ lệ đặt tour châu Âu dịp lễ Trung thu vượt quá 90% (xét theo ngày khởi hành). Một cán bộ của một công ty cho biết: "Hiện danh sách chờ đến lượt để đặt chỗ đã rất dài nên công việc mỗi ngày của tôi đó là nhận cuộc gọi yêu cầu nhanh chóng xác nhận đơn hàng của khách hàng. Tình trang chung ở thời điểm hiện tại đó là không có sản phẩm nào có thể được 'xác nhận' ngay sau khi đặt chỗ".

Với sự gia tăng của khách Hàn Quốc du lịch ra nước ngoài, thâm hụt cán cân du lịch (3,235 tỷ USD) của Hàn Quốc trong quý I năm nay ghi nhận mức lớn nhất kể từ quý III/2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, trong quý I/2023, có 4,98 triệu người đã ra nước ngoài, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi đó lượng du khách nước ngoài đến thăm Hàn Quốc chỉ là 1,71 triệu, tăng khoảng 6 lần.
 
◆ Giá cả tăng cao khiến du khách nước ngoài "chần chừ" khi đến Hàn Quốc
Trên thực tế, đà phục hồi du lịch trong nước của khách nước ngoài đến Hàn Quốc diễn ra tương đối chậm.

Theo thống kê của một hãng lữ hành dành cho khách du lịch Malaysia, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua trung bình mỗi tháng họ đón khoảng 30 đoàn khách. Dù có tăng so với thời kỳ dịch bệnh nhưng lượng khách trong tháng 7, tháng 8 đang có dấu hiệu chững lại. 

Mùa hè ở Hàn Quốc là mùa thấp điểm cho du lịch trong nước do có đợt nắng nóng cao điểm và tập trung nhiều ngày mưa. Thêm vào đó, khách du lịch Đông Nam Á thường thích mùa đông có tuyết rơi và mùa thu lá đỏ rơi hơn. Một bất lợi nữa là giá vé máy bay trong thời điểm mùa hè cao hơn bình thường do nhu cầu du lịch nước ngoài của du khách Hàn Quốc tập trung vào thời điểm này.

Ngoài ra, giá cả nội địa ở Hàn Quốc tăng cao trong thời gian dịch bệnh cũng khiến thị trường du lịch trong nước lao đao. Sau dịch, có rất nhiều "nhà hàng du lịch" (ám chỉ các nhà hàng chủ yếu phục vụ khách đoàn, khách du lịch nước ngoài) đã đóng cửa. Trong khi đó chi phí 1 bữa ăn ở một nhà hàng thông thường mà người Hàn Quốc thường hay lui tới cũng đã tốn khoảng trên dưới 15.000 won (khoảng 270.000 VNĐ), cao hơn nhiều so với trước đây.

Chi phí xe cộ và khách sạn đã tăng hơn gấp đôi.

Xe buýt tham quan hiện tại cũng gặp khó khăn nếu chỉ hoạt động để phục vụ các tour du lịch theo nhóm, vì vậy nhiều trong số chúng đã được chuyển đổi thành xe buýt đưa đón nhân viên của nhà máy hoặc công ty. Chủ một công ty du lịch trong nước cho biết: "Trước đây, chi phí đi Hàn Quốc tương đối rẻ hơn so với Nhật Bản nên chúng ta có một lợi thế nhất định. Tuy nhiên hiện nay khoảng cách về chi phí đã dần được thu hẹp. Đến chính người Hàn Quốc còn công nhận, với mức giá này thì sẽ chọn đi du lịch Nhật Bản". Hơn nữa, sự nổi tiếng ở nước ngoài của các điểm du lịch địa phương của Hàn Quốc vẫn còn có những hạn chế nhất định.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기