Đời sống Xã hội

Doanh thu các cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc tăng trưởng vững vàng…Liệu có "soán ngôi" của TTTM?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:43 16-08-2023
Doanh số bán hàng của các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc, đã vượt qua doanh số bán hàng của các siêu thị lớn và đang trên đà vượt qua cả các trung tâm thương mại.

 
ẢnhBộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng
[Ảnh=Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng]
Theo tỷ lệ doanh số bán hàng xét theo loại hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay do Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổng hợp vào ngày 15, doanh số bán hàng của cửa hàng tiện lợi chiếm 16,6%, thu hẹp chênh lệch với các trung tâm thương mại (17,6%) xuống còn 1 điểm phần trăm; đồng thời cũng cho thấy sự khác biệt là 3,3 điểm phần trăm so với các siêu thị lớn (13,3%).

Nếu xét dựa trên cơ sở hàng năm vào năm 2022, doanh số theo từng đơn vị phân phối là 17,8% đối với trung tâm thương mại, 16,2% đối với cửa hàng tiện lợi và 14,5% đối với đại siêu thị.

Tiếp nối năm ngoái, cửa hàng tiện lợi duy trì tốc độ tăng trưởng cao gần 10% trong năm nay, trong khi tốc độ tăng trưởng doanh số của trung tâm thương mại sau ghi nhận thành tích "lịch sử" vào năm ngoái, đã giảm xuống mức 2% do vật giá leo thang và lãi suất cao.

Xu hướng bán hàng của các nhà bán lẻ được Bộ Công nghiệp tiết lộ hàng tháng dựa trên ba trung tâm thương mại bao gồm Lotte, Shinsegae và Hyundai, và ba cửa hàng tiện lợi bao gồm GS25, CU và 7-Eleven.

Cửa hàng tiện lợi, vốn đã duy trì vị trí thứ 3 trong kênh phân phối ngoại tuyến trong 10 năm qua, đã lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 2 vào năm 2021 với thị phần bán hàng đạt 15,9%, đẩy siêu thị lớn (15,7%) bao gồm E-Mart, Lotte Mart, Homeplus xuống vị trí thứ 3.

Nếu các cửa hàng tiện lợi tiếp tục giữ vững được tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay thì sẽ trong thời gian không xa nữa các cửa hàng tiện lợi sẽ vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối ngoại tuyến.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 tấn công, đã có lúc tỷ lệ doanh số cửa hàng tiện lợi (16,6%) vượt qua trung tâm thương mại (15,2%) do các trung tâm thương mại phải đóng cửa theo các quy định về giãn cách xã hội. Tuy nhiên đây chỉ là một hiện tượng tạm thời xảy ra trong tình huống bất thường nên rất khó để công nhận thành tích của cửa hàng tiện lợi trong trường hợp này.

Trong nửa cuối năm, điểm đáng chú ý nhất trong ngành phân phối ngoại tuyến sẽ là liệu các trung tâm thương mại có còn giữ được vị trí ngôi vương hay sẽ bị các cửa hàng tiện lợi "soán ngôi".

Với các cửa hàng tiện lợi, doanh số thường tăng trưởng tích cực vào quý III khi số lượng dân số lưu động tăng lên. Trong khí đó đối với các trung tâm thương mại thì quý IV sẽ là mùa cao điểm khi doanh số bán quần áo mùa đông, thường có giá trị cao, tăng lên.

Mấu chốt là tâm lý người tiêu dùng. Mặc dù có khả năng tâm lý người tiêu dùng sẽ tiếp tục suy giảm nghiêm trọng trong nửa cuối năm, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng tâm lý người tiêu dùng sẽ hồi phục phần nào khi lãi suất và giá cả ổn định trong nửa cuối năm.

Dòng khách du lịch theo đoàn đến từ Trung Quốc cũng được dự đoán là một biến số.

Các trung tâm thương mại liên kết với cửa hàng miễn thuế dự kiến ​​sẽ được hưởng lợi từ dòng khách này. Tuy nhiên các cửa hàng tiện lợi, vốn đang tăng dần tỷ lệ khách hàng nước ngoài, cũng được kỳ vọng sẽ nhận được tác động bán hàng tích cực.

Một quan chức trong ngành cửa hàng tiện lợi dự đoán: "Cửa hàng tiện lợi đang tăng trưởng đều đặn nhờ cạnh tranh về sản phẩm khác biệt và chiến lược thu hút khách hàng trung thành, vì vậy dự đoán sẽ có một sự thay đổi đáng kể trong bảng xếp hạng phân phối ngoại tuyến trong thời gian tới".

 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기