Kinh tế Chính trị

Giá đường (↑16,9%) và muối (↑17,3%) tại Hàn Quốc đồng loạt chạm mức cao nhất trong 1 năm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:39 11-10-2023
Tỷ lệ lạm phát đường và muối, vốn là gia vị chủ yếu được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm, tại Hàn Quốc trong tháng 9 đã đạt mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây, tăng khoảng 17%. Giá đường và muối tăng có thể dẫn đến giá các mặt hàng thực phẩm khác như đồ ăn uống chế biến sẵn, thực đơn nhà hàng cũng lần lượt tăng theo.

 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]

Theo Cổng thông tin thống kê quốc gia của Cục Thống kê Hàn Quốc ngày 11, chỉ số giá tiêu dùng của đường trong tháng 9 là 141,58, tăng 16,9% so với cùng tháng năm ngoái. Đây là mức cao nhất trong một năm kể từ tháng 9 năm ngoái (20,7%).

Tỷ lệ lạm phát giá đường đã tăng vọt từ 4,0% trong tháng 7 năm nay lên 13,8% trong tháng 8, và sau đó tiếp tục tăng vào tháng 9.

Tháng trước, tốc độ tăng giá đường cao gấp 4,6 lần tốc độ tăng giá của tất cả các sản phẩm nói chung (3,7%) và lớn hơn 2,9 lần so với tốc độ tăng giá của thực phẩm chế biến sẵn (5,8%).  

Đường là một thành phần được sử dụng rộng rãi trong bánh quy, bánh mì, kem và sô cô la. Vì điều này, người ta lo ngại rằng nó có thể ảnh hưởng đến giá thực phẩm chế biến và gây ra 'lạm phát đường'.

Một quan chức ngành bánh kẹo cho biết: "Cùng với đường, giá ca cao cũng tăng đáng kể nên áp lực tăng chi phí ngày càng lớn. Hiện, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ xu hướng giá đường".

Do chính sách bình ổn giá và giảm tiêu thụ của Chính phủ, giá các sản phẩm nói chung sẽ không tăng ngay nhưng nếu giá nguyên liệu thô như đường tăng thì giá thực phẩm chế biến, đồ ăn nhà hàng khả năng cao sẽ bị cuốn vào đà tăng giá.

Bên cạnh đường, tại Hàn Quốc trong tháng 9 giá muối cũng đạt mức kỷ lục.

Trong đó, giá muối ghi nhận tăng 17,3%, mức tăng mạnh nhất trong 13 tháng kể từ tháng 8/2022 (20,8%). Đây là đà tăng được tiếp tục từ mức 6,5% trong tháng 6 lên 7,2% trong tháng 7 và 12,4% trong tháng 8.

Nguyên nhân là việc sản xuất muối biển bị chậm lại do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết xấu bao gồm mưa lớn và bão. Ngoài ra, nhu cầu tích trữ muối của người dân cũng tăng lên do lo sợ ảnh hưởng từ việc xả nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản.

Giá muối tăng có thể ảnh hưởng đến giá cả thực phẩm ăn ngoài và chế biến sẵn như nước tương.

Tuy nhiên cũng có một số ý kiến từ chuyên gia trong ngành ​​cho rằng tốc độ tăng giá thực phẩm chế biến và nhà hàng thời gian gần đây đã chậm lại, đường và muối không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguyên liệu thô nên sẽ không kích thích tăng giá thực phẩm. 

Quan chức của một công ty thực phẩm cho biết: "Tỷ lệ đường và muối trong thực phẩm chế biến sẵn không lớn lắm. Nếu các công ty thực phẩm tăng giá sản phẩm, lý do có thể đến từ yếu tố như chi phí lao động tăng và gánh nặng lãi vay do lãi suất cao chứ không phải do các yếu tố này (đường và muối tăng giá)".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기