Kinh tế Chính trị

Giá thực phẩm chế biến tại Hàn Quốc trong tháng 1/2025 tăng cao…Vượt mức lạm phát giá tiêu dùng chung

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:22 13-02-2025
Tại Hàn Quốc, khi giá nguyên liệu thô tăng và tỷ giá hối đoái tăng vọt, áp lực lạm phát cũng ngày càng gia tăng. Theo đó, các công ty thực phẩm tại Hàn Quốc liên tục tăng giá sản phẩm khiến giá thực phẩm chế biến trong tháng 1/2025 của Hàn Quốc tăng mạnh.
 
Các sản phẩm sô cô la được trưng bày tại một siêu thị lớn ở Seoul vào ngày 1322025 ẢnhYonhap News
Các sản phẩm sô cô la được trưng bày tại một siêu thị lớn ở Seoul vào ngày 13/2/2025. [Ảnh=Yonhap News]
Theo thông tin từ Cổng thông tin thống kê quốc gia (KOSIS) và báo cáo 'Xu hướng giá tiêu dùng' của Cục Thống kê Hàn Quốc vào ngày 13, chỉ số giá thực phẩm chế biến trong tháng 1 là 122,03 (2020 = 100), tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 1 năm ngoái (3,2%) và vượt mức lạm phát giá tiêu dùng chung (2,2%).

Trong nửa cuối năm 2024, tỷ lệ tăng giá thực phẩm chế biến ở Hàn Quốc tương đối ổn định, duy trì ở mức dưới 2,0% tuy nhiên sau đó đã có sự tăng mạnh.

Trong số các loại thực phẩm chế biến, mặt hàng có mức tăng giá lớn nhất trong tháng trước là mực khô (22,9%).

Tiếp theo là rong biển tẩm gia vị (22,1%), kim chi (17,5%), ngũ cốc (14,7%), men lactic (13,0%) và sô cô la (11,2%).

Các loại gia vị và dầu dùng trong nấu ăn như dầu mè (8,9%), nước tương (8,8%), dầu ăn (7,8%) đều tăng từ 7-8%.

Giá của các loại thực phẩm chế biến từ bột mì cũng tăng trên diện rộng. Các sản phẩm tiêu biểu bao gồm bánh quy (7,0%), bánh ngọt (3,3%) và bánh mì (3,2%).

Một quan chức của Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết, "Tốc độ tăng giá chung của thực phẩm chế biến tăng lên đáng kể do tác động lớn từ việc giá xuất xưởng các mặt hàng bánh mì, cà phê, kim chi và bánh quy, vốn có sức ảnh hưởng lớn đến lạm phát, tăng cao".

Nhiều công ty thực phẩm tại Hàn Quốc đã tăng giá sản phẩm trong năm nay.

Dong-A Otsuka đã tăng giá các sản phẩm chính của mình, bao gồm nước điện giải 'Pocari Sweat' và nước soda trái cây 'Demi Soda', thêm 100 won từ ngày 1/1.

Daesang đã tăng giá các loại nước sốt, bao gồm mayonnaise, hạt tiêu và gia vị trộn salad, trung bình 19,1% bắt đầu từ ngày 16/1.

SPC Paris Baguette ngày 10/1 cũng đã thông báo sẽ tăng giá 96 loại bánh mì và 25 loại bánh ngọt, trung bình thêm 5,9%.

Lotte Welfood tăng giá 26 loại sản phẩm trung bình 9,5% bắt đầu từ ngày 17/1.

Ngành công nghiệp thực phẩm tin rằng việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi do giá nguyên liệu thô và chi phí hậu cần đồng loạt tăng.

Giá cải thảo dùng để muối kim chi cũng tăng vọt do sản lượng thu hoạch kém.

Do biến đổi khí hậu, giá hạt ca cao và cà phê quốc tế, nguyên liệu thô để làm sô cô la, cũng tăng vọt.

Tỷ giá hối đoái won/đô la tăng cũng được dự báo sẽ là yếu tố làm tăng giá thực phẩm chế biến trong tương lai.

Đối với các công ty thực phẩm phụ thuộc vào việc nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu, điều này có nghĩa là áp lực chi phí sẽ tăng lên.

Chính phủ Hàn Quốc đang yêu cầu ngành thực phẩm tham gia chính sách bình ổn giá thông qua các cuộc họp với ngành, đồng thời áp dụng thuế hạn ngạch đối với các nguyên liệu thực phẩm chính.

Một quan chức của Cục Thống kê Hàn Quốc cho biết: "Tỷ giá hối đoái won/đô la tăng đã có tác động nhất định đến giá thực phẩm chế biến trong tháng 1, nhưng sẽ phản ánh rõ hơn theo thời gian".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기