Kinh tế Chính trị

Gánh nặng lạm phát và lãi suất cao kéo giảm tiêu dùng thực phầm và đồ uống năm thứ 2 liên tiếp tại Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:15 07-02-2024
Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống giảm tại Hàn Quốc trong năm 2023 tiếp tục ghi nhận sụt giảm trong đó nguyên nhân chính được phân tích là do gánh nặng giá lương thực gia tăng và khả năng tiêu dùng suy yếu do lãi suất cao.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Theo Cục Thống kê Hàn Quốc, Ngân hàng Hàn Quốc và Cơ quan xúc tiến thị trường hộ kinh doanh nhỏ lẻ (SEMAS) vào ngày 7, doanh số bán lẻ thực phẩm và đồ uống năm 2023 của Hàn Quốc giảm 2,6% so với năm trước đó.

Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp sau năm 2022 (-2,5%) Hàn Quốc ghi nhận mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống sụt giảm.

Doanh số bán lẻ thực phẩm và đồ uống giảm lần đầu tiên vào năm 2022 kể từ khi số liệu thống kê liên quan được tổng hợp vào năm 2005 và mức giảm này càng trở nên tồi tệ hơn vào năm ngoái. Cụ thể tốc độ sụt giảm doanh số bán lẻ thực phẩm và đồ uống đã mở rộng hơn gấp 1,9 lần so với tổng doanh số bán lẻ (-1,4%). 

Sự sụt giảm tiêu thụ thực phẩm và đồ uống này dường như là do giá thực phẩm tăng cao.

Năm 2022, khi doanh số bán lẻ thực phẩm và đồ uống bắt đầu giảm, tỷ lệ lạm phát giá nhà hàng là 7,7%, cao nhất trong 30 năm kể từ năm 1992 (10,3%). Mặc dù tốc độ tăng của lạm phát giá nhà hàng đã chậm lại một chút nhưng vẫn ở mức cao xuống còn 6,0% vào năm 2023.

Tỷ lệ lạm phát thực phẩm chế biến sẵn cũng tăng từ 2,1% năm 2021 lên 7,8% năm 2022, cao nhất kể từ năm 2009 (8,3%) trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và vẫn duy trì trên 6% ở mức 6,8% vào năm ngoái.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát đối với giá nhà hàng và thực phẩm chế biến sẵn đã giảm xuống còn 4,3% và 3,2% trong tháng 1/2024, nhưng nó vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chung (2,8%) lần lượt là 1,5 lần và 1,1 lần.

Trong cùng thời gian, tỷ lệ lạm phát đối với các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản cũng đã tăng lên 8,0%, gấp 2,8 lần tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng chung.

Đáng chú ý, tỷ lệ lạm phát giá hoa quả đã cao hơn lạm phát chung những 10 lần, ghi nhận ở mức 28,1%.

Gánh nặng lãi suất cao cũng là một yếu tố làm giảm tiêu dùng thực phẩm và đồ uống. Khi gánh nặng tài chính như lãi suất tăng lên, tiêu dùng chắc chắn sẽ giảm.

Năm 2023, lãi suất bình quân hộ gia đình vay tiền gửi ngân hàng, dựa trên tiêu chuẩn là các giao dịch mới, là 4,96%, cao nhất trong 11 năm kể từ năm 2012 (5,22%).

Lãi suất cho vay hộ gia đình tăng nhẹ từ 2,75% năm 2020 lên 3,10% năm 2021, sau đó tăng lên 4,60% vào năm 2022 và gần 5% vào năm ngoái.

Theo đó, tình hình kinh tế của các chủ doanh nghiệp nhỏ và những người tự kinh doanh không hề dễ dàng do mức tiêu thụ thực phẩm, đồ uống đều giảm.

Chỉ số lòng tin doanh nghiệp (BSI) trong tháng 1/2024 là 48,1, giảm 10,9 điểm so với tháng trước đó và là mức thấp nhất trong 23 tháng kể từ tháng 2/2022 (37,5).

Đây là kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện trên 2.400 chủ doanh nghiệp nhỏ từ ngày 18~22/12 năm ngoái.

Trong đó, nếu con số này trên 100 thì có nhiều công ty tin rằng nền kinh tế đã được cải thiện và nếu nhỏ hơn 100 thì đồng nghĩa với việc nhiều công ty cho rằng nền kinh tế đã xấu đi.

Các chủ doanh nghiệp nhỏ cũng cho rằng mức tiêu thụ giảm do suy thoái kinh tế (46,5%) là nguyên nhân khiến tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Các chủ doanh nghiệp cho biết khó có thể kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ giảm trong nửa đầu năm nay, việc phục hồi tiêu dùng trong thời điểm hiện tại cũng không dễ.

Noh Min-seon, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp vừa, nhỏ và khởi nghiệp cho biết: "Chính phủ và chính quyền địa phương cũng có nhiều cách để khuyến khích tiêu dùng bằng cách thu hút khách du lịch nước ngoài một cách tích cực hơn. Tình hình không dễ nếu chỉ tập trung vào nhu cầu trong nước nên cũng cần chuẩn bị phương án kích thích xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기