Kinh tế Chính trị

Gần 40% DN Hàn Quốc cho biết "Nên tăng số lượng lao động nước ngoài lên 151.000 người vào năm tới"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:38 23-10-2023
Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, gần 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẽ cần nhiều lao động nước ngoài hơn vào năm tới, nhưng cũng đưa ra ý kiến rằng rào cản ngôn ngữ và quá trình tuyển dụng khó khăn là những vấn đề cần phải được lưu ý và giải quyết khi quy mô người lao động nước ngoài được tăng lên.

 
Ý kiến của các ​​doanh nghiệp về hạn ngạch số lượng người lao động nước ngoài được tuyển dụng vào Hàn Quốc trong năm 2024 ẢnhKEF
Ý kiến của các ​​doanh nghiệp về hạn ngạch số lượng người lao động nước ngoài được tuyển dụng vào Hàn Quốc trong năm 2024. [Ảnh=KEF]
Tổng hội các nhà điều hành doanh nghiệp Hàn Quốc (Korea Enterprises Federation·KEF) đã tiến hành một cuộc khảo sát về việc sử dụng lao động nước ngoài và nhận thức chính sách của 615 công ty (dựa trên những người được hỏi) trong các ngành công nghiệp chính có dưới 300 nhân viên. Kết quả là có tới 36,9% trả lời ủng hộ việc mở rộng hạn ngạch thị thực E-9 (thị thực dành cho lao động nước ngoài không chuyên nghiệp) vào năm tới. Bên cạnh đó có 58,7% đồng ý với việc duy trì hạn ngạch giống với năm nay (120.000 người). Mặt khác, chỉ có 4,4% ủng hộ việc giảm hạn ngạch. 

Trong các ngành công nghiệp, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cho thấy sự đồng tình cao nhất đối với việc mở rộng hạn ngạch, ở mức 42,5%, tiếp theo là 21% trong lĩnh vực dịch vụ và 17,2% trong lĩnh vực xây dựng.

Người lao động nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn trong số 120.000 thị thực E-9 được cấp trong năm nay với khoảng 75.000 thị thực. Mặt khác, chỉ có lần lượt 3.000 người và 1.000 người được phân bổ cho các lĩnh vực xây dựng và dịch vụ.

Những người được hỏi kêu gọi tăng hạn ngạch đã đưa ra mục tiêu trung bình khoảng 151.000, mặc dù hạn ngạch hiện tại đã tăng đáng kể so với với quy mô 69.000 người vào năm 2022.

Theo khảo sát, 92,7% tổng số người được hỏi cho biết họ đã thuê nhân viên nước ngoài do những khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động trong nước.

Tuy nhiên khác với trước kia chỉ có 2,9% trả lời lý do tuyển lao động nước ngoài là do có chi phí thấp. Bởi vì nếu tính tổng cả chi phí bao gồm tiền lương, chỗ ở, thức ăn và các loại phí phát sinh khác thì số tiền chi trả cho lao động nước ngoài có phần cao hơn so với lao động là người Hàn Quốc. Tuy nhiên, bất chấp hiện tượng này, việc tuyển dụng lao động nước ngoài được coi là không thể tránh khỏi khi lực lượng lao động cốt lõi của của Hàn Quốc đang giảm mạnh.

Những người được hỏi cũng cho đề cập đến những khó khăn chính liên quan đến việc tuyển dụng lao động nước ngoài (được chọn nhiều phản hồi) bao gồm khó khăn trong giao tiếp (53,5%), thủ tục tuyển dụng phức tạp (46,5%), thời gian lưu trú ngắn (31,4%) và hạn ngạch lao động chưa đủ (20,7%). Bên cạnh đó là chi phí lao động trực tiếp tăng do tăng lương tối thiểu (16,4%) và khó khăn về văn hóa (11,9%).

Khoảng 70% số người được hỏi cho biết cần phải quản lý tích hợp lao động nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 47,5% đồng ý với việc chính phủ Hàn Quốc mở một văn phòng riêng để quản lý nhập cư. Hàn Quốc có kế hoạch thành lập một cơ quan nhà nước mới liên quan đến người nhập cư để đối phó với sự gia tăng dân số nhập cư trong bối cảnh chính quyền Yoon Suk-yeol hiện tại đang nỗ lực lên kế hoạch giải quyết tình trạng suy giảm dân số bằng lao động nước ngoài.

Kim Seon-ae, người đứng đầu bộ phận chính sách lao động tại KEF cho biết: "Tình trạng thiếu nhân lực tại chỗ là nghiêm trọng, thể hiện qua hơn 50,3% doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp gốc cho rằng sẽ có sự mở rộng về số lượng lao động nước ngoài vào năm tới. Nhu cầu về lao động nước ngoài là không thể tránh khỏi vì dân số trong độ tuổi lao động đang giảm. Cần phải xem xét lại các chính sách đối với lao động nước ngoài như mở một văn phòng nhập cư để đối phó với sự mất cân bằng trong thị trường lao động và để đảm bảo sự tăng trưởng của quốc gia."

 

ẢnhInternet
[Ảnh=Internet]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기