Đời sống Xã hội

Gánh nặng giá cả tại Hàn Quốc ngày càng leo thang…Từ sữa cho tới rượu, bia đều tăng giá

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:46 01-11-2023
Giá thực phẩm tại Hàn Quốc đang có dấu hiệu tiếp tục tăng cao khi giá sữa, bánh mì, rượu soju và bia lần lượt được các công ty điều chỉnh tăng. Để đối phó với tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc đang yêu cầu các công ty thực phẩm và nhà hàng hợp tác để bình ổn giá, nhưng giá vẫn tiếp tục tăng do các chi phí như chi phí thiết bị gia dụng, chi phí năng lượng và chi phí hậu cần tăng cao.

 
Một con phố ẩm thực ở Seoul ẢnhYonhap News
Một con phố ẩm thực ở Seoul. [Ảnh=Yonhap News]
Vào ngày 31, Hite Jinro thông báo rằng bắt đầu từ ngày 9/11, công ty sẽ tăng giá rượu soju, bao gồm cả 'Chamisul', thêm 7% và giá bia, bao gồm cả Terra và Kelly, trung bình là 6,8%.

Mặc dù hồi đầu tháng 10, Hite Jinro đã thông báo rằng công ty chưa xác nhận kế hoạch tăng giá nhưng cuối cùng chỉ sau chưa đầy 1 tháng quyết định tăng giá đã được đưa ra.

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá rượu soju và bia của Hite Jinro thực ra là một bước đi đã được lên kế hoạch.

Năm nay, giá etanol, nguyên liệu thô làm rượu soju, đã tăng 10,6%; giá tính theo chai cũng tăng 21,6%. Giá quốc tế của mạch nha dùng trong sản xuất bia cũng tăng.

OB Beer cũng đã nâng giá xuất xưởng của các sản phẩm bia chủ đạo của hãng như Cass và Hanmac lên trung bình 6,9% kể từ ngày 11/11 do giá nguyên liệu và chi phí hậu cần tăng.

Giá rượu soju và bia tăng có thể dẫn đến giá bán các mặt hàng này tại quán ăn, nhà hàng tăng lên theo. Vì vậy có không ít ý kiến lo ngại rằng gánh nặng đối với người tiêu dùng sẽ tăng cao trước khoảng thời gian cuối năm, thời điểm diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, họp mặt. Ở khu vực Gangnam đã có nhà hàng bán rượu soju hoặc bia với giá 7.000 won.

Việc tăng giá cũng đang tiếp tục diễn ra trong ngành nhà hàng đồ ăn nhanh.

Chuỗi cửa hàng gà rán và burger Mom's Touch đã tăng giá 4 loại burger ức gà kể từ ngày 31/10 còn McDonald's sẽ tăng giá 13 món trong thực đơn, bao gồm cả Big Mac, trung bình 3,7% kể từ ngày 2/11.

Mom's Touch và McDonald's cũng thông báo đến khách hàng rằng việc tăng giá là không thể tránh khỏi khi gánh nặng chi phí tăng lên.

Một quan chức trong ngành thực phẩm cho biết: "Chúng tôi đã cố gắng chịu đựng sự gia tăng giá cả của nguyên liệu thô, chi phí lao động và các chi phí tiện ích công cộng khác nhau, tuy nhiên bây giờ đã đạt đến giới hạn. Dự kiến sẽ còn có thêm nhiều công ty tăng giá sản phẩm".

Có thể thấy hiện tại các công ty đang phải lo lắng về tình trạng thâm hụt trước mặt nên việc tham gia vào nỗ lực bình ổn giá đã không còn dễ dàng nữa.

Theo Cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc, giá một bát mì tương đen (jajangmyeon) ở Seoul vào tháng trước là 7.069 won (khoảng 130.000 VNĐ), tăng 12,2% so với một năm trước (6.300 won).

Giá cơm với canh kim chi tăng 6,2% lên 7.846 won (khoảng 140.000 VNĐ) và giá gà tần sâm (samgyetang) tăng 9,0% lên 16.846 won (khoảng 305.000 VNĐ).

Số lượng nhà hàng nâng giá cơm trắng gọi thêm lên 2.000 won đã tăng lên, và bánh cá (bungeoppan), một món ăn vặt đường phố mùa đông, cũng đã có giá 1.000 won/chiếc.

Trước đó, từ ngày 1/10, giá các sản phẩm sữa đồng loạt tăng do giá sữa nguyên liệu tăng và giá các sản phẩm sữa trắng vượt quá 3.000 won cho 900 ml tại các cửa hàng tiện lợi.

Giá một số mặt hàng nông sản, chăn nuôi cũng cao hơn so với cách đây một năm.

Theo thông tin phân phối nông sản từ Tổng công ty Thương mại Thực phẩm và Nông ngư nghiệp Hàn Quốc (aT), giá bán lẻ thịt gà tháng trước là 6.117 won/kg, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái (5.526 won).

Tiếp nối ngành thực phẩm, ngành mỹ phẩm cũng bắt đầu tăng giá.

LG Household & Healthcare sẽ tăng giá một số mặt hàng trung bình 4~5% bắt đầu từ ngày 1/11 và L'Oréal cũng sẽ tăng giá trung bình 5%.

Ngoài tác động của việc giá nguyên liệu thô tăng và tỷ giá hối đoái tăng (đồng won mất giá), giá nhập khẩu ngày càng tăng và các loại giá như thực phẩm cũng liên tục tăng.

Ngoài ra, có phân tích cho rằng chính sách tiền tệ đã không thể kiểm soát được lạm phát. 

Seong Tae-yoon, giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei, cho biết: "Vì không thể tăng lãi suất nên điều này đang ảnh hưởng đến giá cả".

Khi mối lo ngại về lạm phát cao ngày càng lớn, một số người tỏ ra nghi ngờ về những lời kêu gọi liên tục của chính phủ nhằm kiềm chế tăng giá.

Tuần trước, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn đã đưa ra yêu cầu "hấp thụ càng nhiều yếu tố tăng giá càng tốt thông qua việc giảm chi phí trên toàn công ty" tại một cuộc họp của ngành nhà hàng.

Nhiều ý kiến trong và ngoài ngành đều đồng loạt lên tiếng rằng nếu giá cả bị trấn áp một cách giả tạo khi hiện tượng lạm phát cao toàn cầu vẫn tiếp diễn trong thời gian dài thì có khả năng giá cả sẽ còn tăng mạnh hơn vào năm tới.

Một quan chức của một công ty thực phẩm cho biết: "Chúng tôi đang trong tình thế cần phải tăng giá nhưng chính phủ đã yêu cầu không tăng nên chúng tôi không còn cách nào khác là phải chịu đựng hết mức có thể".

Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Seong Tae-yoon cho biết: "Việc chính phủ kiểm soát các công ty có quyền lực độc quyền ở một mức độ nào đó là có thể hiểu được, nhưng việc kiểm soát trực tiếp từng mặt hàng riêng lẻ là điều không đúng đắn. Việc phân bổ nguồn lực có thể bị bóp méo, điều này trên thực tế sẽ làm tăng áp lực giá cả".

Lượng tiêu thụ giảm do giá tăng cũng là một vấn đề gây lo ngại.

Khi giá tăng, sức mua giảm nên tiêu dùng giảm là điều bình thường. Giáo sư Seong Tae-yoon cho biết, "Mặc dù các chỉ số kinh tế khác đang được cải thiện nhưng mức tiêu thụ lại không cho thấy tình hình tương tự".

Joo Won, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu Hyundai, cho biết: "Những hàng hóa cần thiết như vận tải là không thể tránh khỏi, nhưng người dân có xu hướng giảm tiêu thụ những thứ không cần thiết. Chi phí đi ăn ngoài đã tăng lên nhiều đến mức mọi người có thể sẽ muốn giảm chi tiêu cho việc đi ăn ngoài".

Trưởng bộ phận Joo cũng dự đoán, "Nếu một công ty không tăng giá và chuyển gánh nặng cho nhà cung cấp thì điều đó có thể trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sẽ khó thoát khỏi tình trạng lạm phát cao trong năm nay cho tới nửa đầu năm sau".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기