Đời sống Xã hội

Người trẻ Hàn Quốc vật lộn với lạm phát…Làm 2 việc cùng lúc·Cắt giảm chi phí không thiết yếu·Thực hiện thử thách "không chi tiêu"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:51 04-01-2024
Năm mới đã đến nhưng với tình hình giá cả vẫn tiếp tục tăng, người dân Hàn Quốc đặc biệt là thế hệ trẻ, nhóm đối tượng chưa có nền tảng tài chính ổn định, đang phải tìm nhiều cách khác nhau để "thắt lưng buộc bụng".
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Ngay cả khi tiền lương tối thiểu năm 2024 đã được tăng thêm 2,5% lên thành 9.860 won/giờ nhưng trên thực tế số tiền tăng thêm vẫn khó có thể đuổi kịp được mức tăng của lạm phát.

Giả sử một người lao động làm việc bán thời gian 15 tiếng một tuần với mức lương tối thiểu thì người này sẽ nhận được lương tháng là 698.701 won (khoảng 13 triệu VNĐ), chỉ cao hơn năm ngoái khoảng 16.000 won (khoảng 300 nghìn VNĐ).

Kim, một sinh viên đại học ở độ tuổi 20 đến từ Ulsan, cho biết: "Chỉ riêng tiền ăn trong một tháng đã tốn khoảng 450.000 won. Thêm vào đó chi phí giao thông công cộng cũng tăng lên nên chỉ tính riêng tiền sinh hoạt hàng ngày thôi, tôi đã phải chi rất nhiều. Tôi cảm thấy như lương không tăng thêm được đồng nào vậy".

Hong (26 tuổi) cho biết do chi phí sinh hoạt cao nên gần đây phải làm hai công việc một lúc. Hong cho hay "Lương tăng thêm được khoảng 10.000 won mỗi tháng, nhưng thực sự với số tiền đó khó có thể làm được gì nhiều. Hầu hết người lao động bán thời gian đều nhận được mức lương tối thiểu và mức tăng chỉ 240 won 1 tiếng gần như là không mang lại khác biệt gì đáng kể".

Theo đó, thế hệ trẻ Hàn Quốc không chỉ cố gắng tăng thu nhập thông qua việc làm hai công việc một lúc hay giảm bớt các khoản chi tiêu không cần thiết mà họ còn tìm cách cắt giảm các chi phí cho các dịch vụ đắt tiền. 

Shin (34 tuổi), nhân viên văn phòng sống ở Gwanak-gu, Seoul, đã không đến tiệm làm tóc trong khoảng một năm. 

Tại Hàn Quốc, giá cắt tóc của phụ nữ thường trên dưới 30.000 won (khoảng 560 nghìn VNĐ), còn đối với các dịch vụ như uốn hay nhuộm thì chi phí sẽ lên tới hàng trăm nghìn won, do đó đã có không ít người trẻ tuổi tại Hàn Quốc quyết định từ bỏ việc đến các cửa tiệm làm tóc. Thay vào đó, họ sẽ chọn cách nhờ người thân cắt cho tại nhà hoặc tự mình cắt.

Shin vừa cười vừa cho biết "Nếu tham khảo các video "tự cắt tóc" trên YouTube, bạn có thể tự cắt tóc hoặc nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Tôi đã tự cắt tóc mái của mình và thấy là nó còn đẹp hơn cắt ngoài tiệm".

Nam giới cũng không ngoại lệ. Thậm chí việc tự nhuộm tóc tại nhà cũng trở thành điều bình thường. Đặc biệt có một số người còn nuôi tóc dài để tiết kiệm tiền cắt tóc.

Jeong (30 tuổi), hiện đang điều hành một doanh nghiệp ở Seoul chia sẻ: "Lúc đầu, tôi không muốn đi cắt tóc vì muốn nuôi tóc ít nhất một lần trong đời, nhưng giờ nuôi tóc rồi nên tiết kiệm được khoảng 50.000 won tháng, số tiền mà tôi thường phải trả cho mỗi lần cắt hoặc uốn tóc".

Túi tiền eo hẹp của thế hệ trẻ và phong cách tiêu dùng bớt hoang phí cũng được xác nhận bằng số liệu thống kê.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc, thu nhập trung bình hàng tháng của một hộ gia đình độc thân trong quý III/2023 là 2.783.000 won (khoảng 51,8 triệu VNĐ), giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số các hộ gia đình độc thân, có nhiều nhân viên văn phòng độc thân ở độ tuổi 20~30 và sự sụt giảm thu nhập này đối với các hộ gia đình độc thân trái ngược với mức tăng 3,4% trong thu nhập bình quân hàng tháng của tất cả các hộ gia đình trong cùng thời gian.

Người ta nhận thấy rằng các hộ gia đình độc thân có thu nhập giảm bắt đầu giảm tiêu dùng ở những lĩnh vực thiết yếu cho cuộc sống nhưng có thể tiết kiệm được, chẳng hạn như quần áo, giày dép, thực phẩm và chi phí chỗ ở.

Jeon (30 tuổi), nhân viên văn phòng sống ở Yangju, Gyeonggi-do, mới đây có buổi tụ tập bạn bè tại nhà. Lý do là vì sẽ tiết kiệm hơn nếu cắt giảm chi phí đi ăn ngoài. 

Các chuyên gia phân tích rằng sau đại dịch Covid-19, sự không chắc chắn về tương lai ngày càng gia tăng, cùng với lạm phát cao và lãi suất cao, “văn hóa tiết kiệm” đã bén rễ trong thế hệ trẻ.

Kwak Geum-ju, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Giá cả tăng quá nhiều nhưng lương không tăng và việc tìm kiếm việc làm không dễ dàng đã làm tăng cảm giác bất an trong giới trẻ".

Tuy nhiên giáo sư Kwak cũng đưa ra lời khuyên "Tiết kiệm là một thói quen tốt, nhưng chúng ta nên tránh làm tổn hại sức khỏe của mình do tiết kiệm quá mức hoặc cô lập bản thân bằng cách cắt đứt các mối quan hệ giữa con người với nhau".

Mặt khác, cũng có lo ngại nếu mức tiêu thụ giảm quá nhiều, gánh nặng đè lên vai các chủ doanh nghiệp nhỏ có thể sẽ ngày càng tăng lên.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기