Kinh tế Chính trị

Gánh nặng giá thực phẩm ở Hàn Quốc kéo dài…Giá thực phẩm năm 2023 tăng 6% trong khi thu nhập chỉ tăng chưa tới 2%

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:46 04-03-2024
Năm ngoái, thu nhập mà một hộ gia đình Hàn Quốc có thể dùng để trả lãi, thuế và chi tiêu cho tiêu dùng hoặc tiết kiệm chỉ tăng khoảng 1% nhưng giá lương thực lại tăng hơn 6% cho thấy gánh nặng lương thực so với thu nhập tại quốc gia này là vô cùng lớn.
 
Khu vực bán rau củ quả tại một siêu thị lớn ở Seoul ẢnhYonhap News
Khu vực bán rau củ quả tại một siêu thị lớn ở Seoul. [Ảnh=Yonhap News]
Theo thông tin từ Cổng thông tin thống kê quốc gia của Cục Thống kê Hàn Quốc ngày 4, thu nhập khả dụng của tất cả các hộ gia đình ở Hàn Quốc năm 2023 trung bình là 3.959.000 won (khoảng 73,45 triệu VNĐ) mỗi tháng (trung bình quý 1 đến quý 4), tăng 1,8% so với năm trước đó.

Có thể thấy tổng thu nhập trung bình là 4.976.000 won (khoảng 92,3 triệu VNĐ) mỗi tháng, tăng 2,8% nhưng thu nhập khả dụng có thể dùng để tiêu dùng hoặc tiết kiệm, không bao gồm lãi và thuế chỉ tăng 1,8%. Điều này có thể được hiểu là thực tế là gánh nặng lãi vay và thuế đã tăng lên do lãi suất tiếp tục ở mức cao.

So với tốc độ tăng thu nhập khả dụng, tốc độ tăng giá lương thực tại Hàn Quốc có sự chênh lệch tương đối lớn, khoảng 6%.

Trong Chỉ số giá tiêu dùng năm 2023, giá thực phẩm chế biến sẵn và giá ăn uống ngoài, là những chỉ số thực phẩm tiêu biểu, lần lượt tăng 6,8% và 6,0%. Con số này lần lượt cao gấp 3,8 và 3,3 lần tốc độ tăng trưởng của thu nhập khả dụng.

Đối với thực phẩm chế biến sẵn, tỷ lệ lạm phát của 68 trên 73 mặt hàng chi tiết đã vượt quá tốc độ tăng trưởng của thu nhập khả dụng.

Chẳng hạn như các loại nước sốt (dressing) có tỷ lệ tăng cao nhất với 25,8%, tiếp theo là mứt phết bánh mì (21,9%), phô mai (19,5%), thanh cua (18,7%) và chả cá (17,3%).

Những mặt hàng phổ biến được đa số người tiêu dùng tiêu thụ như đường (14,1%), muối (13,0%), kem (10,8%), sữa (9,9%), bánh mì (9,5%), nước đóng chai (9,4%) và mì ăn liền (7,7%) cũng có mức tăng cao không kém.

Trong số 39 mặt hàng chi tiết dành cho việc ăn ngoài, tỷ lệ lạm phát của 38 mặt hàng, trừ mặt hàng cà phê mua ở ngoài (1,7%), thì đều đã vượt quá tốc độ tăng trưởng của thu nhập khả dụng.

Trong đó, pizza tăng cao nhất với 11,2%, tiếp theo là hamburger (9,8%), cowmc uộn (8,6%), mì ăn liền ăn ngoài tiệm (8,0%), thịt vịt (8,0%), tteokbokki (8,0%), thịt heo cốt lết (7,7%).

Tỷ lệ lạm phát đối với nông sản, chăn nuôi và thủy sản cũng cao hơn tốc độ tăng thu nhập khả dụng ở mức 3,1%.

Vì gánh nặng lương thực quá cao nên chi phí cho các bữa ăn cũng tăng lên đáng kể.

Tổng chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình tăng 5,7% so với năm trước lên mức trung bình 2.789.000 won (khoảng 51,74 triệu VNĐ) vào năm ngoái, nhưng trong số này, chi tiêu cho bữa ăn tăng 7,9% lên mức trung bình 407.000 won (khoảng 7,55 triệu VNĐ) mỗi tháng.

Nguyên nhân chủ yếu khiến gánh nặng lương thực năm 2023 tại Hàn Quốc trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn đó là do giá sản phẩm thực phẩm tiếp tục tăng.

Giá các loại thực phẩm chế biến sẵn như bánh mì, bánh quy, kem, nước đóng chai cũng như các mặt hàng bán tại các cửa hàng như hamburger và thịt gà đều lần lượt tăng giá.

Các công ty thực phẩm, nhà hàng bày tỏ quan điểm đây là biện pháp tất yếu do giá nguyên liệu, chi phí nhân công, chi phí hậu cần, tiền thuê nhà tăng.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến ​​chỉ trích rằng mức tăng giá là quá mức, có sự gian lận và sử dụng thủ đoạn.

Tranh cãi cũng nảy sinh về 'lạm phát giảm kích thước' (trong đó nhà sản xuất giảm kích thước/trọng lượng của sản phẩm trong khi giá vẫn giữ nguyên) và 'lạm phát tiết kiệm' (các công ty cắt giảm chi phí chi cho vật liệu hoặc dịch vụ theo đó có thể dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm).

Vì lý do này, chính phủ đã kêu gọi các nhóm người tiêu dùng tích cực lên tiếng phản đối việc tăng giá bất hợp lý.

Gần đây, tỷ lệ lạm phát của thực phẩm chế biến và nhà hàng có xu hướng chậm lại nhưng giá nông sản lại tăng vọt, nổi lên như một gánh nặng mới.

Do chính phủ Hàn Quốc yêu cầu các công ty tham gia bình ổn giá từ năm ngoái nên các công ty thực phẩm gần đây đã hạn chế tăng giá, đồng thời tỷ lệ lạm phát đối với thực phẩm chế biến sẵn và nhà hàng cũng đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Vào tháng 1 năm nay, tỷ lệ lạm phát đối với thực phẩm chế biến sẵn và ăn uống ngoài giảm xuống còn 3,2% và 4,3%.

Tuy nhiên, nông sản đang nổi lên như một yếu tố đáng lo ngại mới, với tỷ lệ lạm phát đối với nông sản, chăn nuôi và thủy sản tăng lên 8,0% và trái cây tăng vọt lên 28,1%.

Dự kiến ​​​​gánh nặng của chi phí lương thực và đi ăn ngoài sẽ còn tiếp tục kéo dài do thu nhập khả dụng khó tăng cao để bắt kịp lạm phát do gánh nặng tài chính ảnh hưởng bởi lãi suất cao.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기