Đời sống Xã hội

70% người nước ngoài có cảm tình với các nội dung Hàn Quốc…K-pop·Ẩm thực·Phim ảnh tiếp tục là đại diện tiêu biểu

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:31 03-04-2024
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây với hơn 20.000 người từ 26 quốc gia cho thấy cứ 10 người thì có tới 7 người bày tỏ quan điểm tích cực về nội dung Hàn Quốc. Đặc biệt, hình ảnh đầu tiên hiện lên khi nhắc tới Hàn Quốc đó là K-pop.
 
ẢnhNetflix
[Ảnh=Netflix]
Theo 'Khảo sát làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) ở nước ngoài năm 2024' do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc công bố vào ngày 2, âm nhạc Hàn Quốc 'K-pop' (tỷ lệ phản hồi 17,2%) thường được coi là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong tâm trí khi nghĩ đến Hàn Quốc. Tiếp theo là ẩm thực Hàn Quốc 'K-food' (13,2%), phim truyền hình 'K-drama' (7%), sản phẩm/thương hiệu công nghệ thông tin (6,3%) và sản phẩm làm đẹp (5,2%).

Kể từ năm 2012, 'Khảo sát Hallyu ở nước ngoài' đã điều tra việc tiêu thụ và sử dụng 11 lĩnh vực nội dung văn hóa liên quan đến Hallyu ở nước ngoài, bao gồm phát sóng (kịch, giải trí), phim ảnh, âm nhạc và webtoon, nhắm vào những người ở nước ngoài đã tiếp cận và có trải nghiệm với nội dung Hàn Quốc. Cuộc khảo sát lần này được thực hiện với 25.000 người từ 26 quốc gia nước trong khoảng thời gian 10 ngày từ ngày 10~20/11 năm ngoái (2023).

Theo kết quả khảo sát, 68,8% người được hỏi trả lời rằng họ thích nội dung văn hóa Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là cứ 10 người thì có 7 người bị thu hút bởi nội dung Hàn Quốc.

Xét theo quốc gia, Indonesia cao nhất với 86,3%, tiếp theo là Ấn Độ với 84,5%, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất là 83% và Việt Nam là 82,9%.

Bên cạnh đó, Ấn Độ có lượng tiêu thụ nội dung Hàn Quốc cao nhất với 18,6 giờ mỗi tháng, nhiều hơn 7 tiếng so với thời gian tiêu thụ trung bình hàng tháng của những người đã có trải nghiệm với Hallyu. Thái Lan (18,4 giờ), Indonesia (17 giờ) và Việt Nam (16,4 giờ) cũng là một số quốc gia có mức tiêu thụ nội dung Hàn Quốc cao nhất.

Các nội dung được ưa thích bao gồm các bộ phim truyền hình như ‘Squid Game’ (9%) và The Glory (3,4%) và các bộ phim điện ảnh như Ký sinh trùng (7,9%) và Train to Busan (6%). Diễn viên được nhiều người yêu thích nhất là Lee Min-ho (6,4%), đối với nhóm nhạc/ca sĩ thì BTS (29,1%) và Blackpink (13,1%) là những cái tên được nhắc đến nhiều nhất.

Trải nghiệm tích cực với nội dung Hàn Quốc cũng đã hướng sự quan tâm của mọi người tới các sản phẩm và dịch vụ của Hàn Quốc.

Hơn một nửa số người được hỏi (50,7%) trả lời: "Tôi có ý định mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của Hàn Quốc trong tương lai". Khi được hỏi liệu làn sóng Hàn Quốc có ảnh hưởng đến việc sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ của Hàn Quốc hay không, 57,9% trả lời rằng "Có ảnh hưởng".

Theo quốc gia, Ai Cập có tỷ lệ cao nhất với 75,6%, tiếp theo là Ả Rập Xê-út (73%), Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (72,9%), Việt Nam (72,1%) và Ấn Độ (70,7%). Có vẻ như khi ảnh hưởng của nội dung Hàn Quốc ngày càng tăng ở Trung Đông và Đông Nam Á, sự quan tâm đến các sản phẩm và dịch vụ của Hàn Quốc cũng tăng lên.

Xét theo sản phẩm và dịch vụ, tỷ lệ phản hồi với thực phẩm là cao nhất với 64,7%, tiếp theo là du lịch Hàn Quốc (61,8%), ăn tại nhà hàng (61,4%), mỹ phẩm (54%) và quần áo (52,8%).

Dựa trên khảo sát này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng các trung tâm kinh doanh ở nước ngoài của Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc, hỗ trợ việc mở rộng ra nước ngoài của các công ty nội dung, lên 25 địa điểm. Đặc biệt, do sự quan tâm đến nội dung Hàn Quốc ngày càng tăng ở Trung Đông, chính phủ Hàn Quốc dự định mở ‘KOREA 360’, một trung tâm quảng bá nội dung Hàn Quốc lâu dài tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Một quan chức của Bộ VHTTDL cho biết: "Nếu chúng ta quảng bá nội dung Hàn Quốc một cách sâu sắc ở những khu vực mà Làn sóng Hàn Quốc phổ biến và mức độ ưa thích đối với các ngành liên quan cao thì xuất khẩu nội dung và các ngành liên quan sẽ tăng gấp đôi".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기