Kinh tế Chính trị

Xuất khẩu thực phẩm của Hàn Quốc tăng trưởng tốt nhờ Hallyu…Kỳ vọng kim ngạch cả năm đạt 10 tỷ won

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)13:50 09-08-2024
Để mở rộng nhu cầu về thực phẩm/ẩm thực Hàn Quốc (K-food), chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ tiếp thị trực tuyến và ngoại tuyến cũng như quảng cáo trên các phương tiện truyền thông hướng tới người tiêu dùng lớn ở nước ngoài. Trung tâm Xúc tiến K-Food này cũng là một phần của sự hỗ trợ này. Nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ của chính phủ và sự phổ biến rộng rãi của văn hóa K, xuất khẩu thực phẩm K đang tiếp tục tăng vọt.
 
Khách tham quan Trung tâm Xúc tiến Thực phẩm Hàn Quốc bên trong Korea House được tổ chức tại Pháp nhận được túi quà bao gồm bánh gạo cay tteokbokki và bia lon không cồn ẢnhaT
Khách tham quan 'Trung tâm Xúc tiến Thực phẩm Hàn Quốc' bên trong Korea House được tổ chức tại Pháp nhận được túi quà bao gồm bánh gạo cay (tteokbokki) và bia lon không cồn. [Ảnh=aT]
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA), chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức sự kiện quảng cáo ‘Tuần lễ Hàn Quốc’ với Carrefour (tập đoàn siêu thị lớn thứ 2 thế giới) ở Paris trong một tuần kể từ ngày 17/6, trước khi Thế vận hội Paris 2024 khai mạc. Khoảng 300 cửa hàng ngoại tuyến của các chuỗi bán lẻ lớn ở Pháp như Carrefour và Leclair đã tham gia sự kiện này trong đó tập trung bày bán các sản phẩm như mì ăn liền, kim chi, các loại nước sốt, và các món cơm chế biến sẵn của Hàn Quốc.

Sự kiện khuyến mãi K-food kết hợp với K-Tourism Roadshow được tổ chức tại Paris trong 2 ngày 22 và 23/6 cũng đã thu hút 41.000 người tham quan. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian Thế vận hội diễn ra, 'Korea House', trung tâm quảng bá chung về văn hóa Hàn Quốc, cũng đã vận hành một không gian nơi khách tham quan có thể trải nghiệm ẩm thực Hàn Quốc.

Không chỉ ở Thế vận hội, MAFRA đã và đang nỗ lực quảng bá K-food tại nhiều sự kiện thể thao khác nhau.

Tại Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (Euro 2024) được tổ chức tại Đức vào tháng 6/2023, các đồ uống sử dụng đặc sản địa phương như nước có ga (ade) ngũ vị tử Mungyeong, trà xanh sữa (Green Tea Latte) Boseong và latte hồng sâm Geumsan đã được giới thiệu và trở nên phổ biến.

Đầu tháng 6, một trung tâm quảng cáo K-food đã được vận hành tại giải đấu gôn chuyên nghiệp dành cho nữ ShopRite LPGA Classic (thuộc LPGA) tổ chức tại Mỹ.

Vào cuối tháng 7, một thỏa thuận đã được ký kết với Montgomery Biscuits, một đội Double A trong giải đấu nhỏ của giải bóng chày chuyên nghiệp Mỹ (MLB) trong đó các cầu thủ mặc đồng phục có chữ 'Kimchi' để tham gia các trò chơi.

Sự phổ biến của K-food cũng cho thấy xu hướng ngày càng tăng trưởng. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng tháng liên tục ghi nhận các kỷ lục mới.

Tính đến tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu (tạm tính) của nông sản và thực phẩm lên tới 5,66 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt hàng có lượng xuất khẩu lớn nhất là mì ăn liền. Tính đến tháng7, xuất khẩu mì ăn liền đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 699,4 triệu USD, tăng 34,0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp theo, các sản phẩm thuốc lá (thuốc lá thông thường và điện tử) tăng 9,0% lên 636 triệu USD và bánh kẹo tăng 14,7% lên 424 triệu USD. Đồ uống (388 triệu USD) tăng 11,8%, cà phê pha chế (197 triệu USD) và nhân sâm (179 triệu USD) cũng tăng lần lượt 3,2% và 5,0%.

Thực phẩm từ gạo chế biến như cơm ăn liền và cơm cuộn (gimbap) đông lạnh (164,9 triệu USD) tăng 45,7% do sự quan tâm đến thực phẩm tốt cho sức khỏe và Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) tăng lên. Kim chi (96,9 triệu USD) cũng tăng 3,7%.

Xét theo thị trường, xuất khẩu sang châu Âu tăng 33,3%, là mức tăng trưởng cao nhất trong số các thị trường lớn. Điều này dường như là do sự phổ biến của Hallyu và sự đa dạng hóa sản phẩm của các công ty xuất khẩu, chẳng hạn như bánh bao thuần chay. Ngoài ra, việc giải quyết các vấn đề an toàn về mì ăn liền và giải pháp kiểm dịch xuất khẩu thịt gia cầm được xử lý nhiệt như gà tần sâm (samgyetang) cũng được đánh giá là có ảnh hưởng tích cực.

Mức tăng trưởng cao tiếp theo sau châu Âu là Mỹ với 886 triệu USD (23,0%), Trung Quốc 837 triệu USD (5,9%), Nhật Bản 794 triệu USD (6,7%) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á 1,099 tỷ USD (5,5%).

MAFRA dự đoán, nếu xu hướng này tiếp tục, mục tiêu xuất khẩu nông sản và thực phẩm 10 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay.

Giám đốc Chính sách Công nghiệp Thực phẩm Yang Joo-pil cho biết: "Nhờ nỗ lực của nông dân và các công ty xuất khẩu, xuất khẩu nông sản thực phẩm đang không ngừng tăng trưởng. Chính phủ sẽ theo đuổi việc mở rộng các trung tâm phân phối chung ở nước ngoài, tìm kiếm các nhà nhập khẩu và cửa hàng phân phối cũng như thảo luận về việc mở cửa hàng để các chương trình khuyến mãi nhắm đến người tiêu dùng nước ngoài không chỉ giới hạn ở các sự kiện diễn ra một lần mà còn được tiến hành thường xuyên tại các cửa hàng địa phương".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기