Dành 10 năm tìm kiếm tư liệu và 2 năm để hoàn thành cuốn sách
Sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 8 để tiếp tục thực hiện thêm các cuộc phỏng vấn sâu nhằm hoàn thiện hơn nữa nội dung sách
Dự kiến phiên bản tiếng Việt sẽ ra mắt độc giả Việt Nam vào khoảng tháng 9
Theo chia sẻ của tác giả, mặc dù không thể có cơ hội gặp trực tiếp cố Tổng bí thư nhưng với sự yêu mến và kính trọng cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã quyết định chắp bút và viết nên cuốn sách này.
Cuốn sách đã được tác giả Cho Chul-hyeon ấp ủ trong hơn 10 năm, với ấn tượng đầu tiên vô cùng sâu sắc về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2014 khi cố Tổng Bí thư có chuyến thăm chính thức Hàn Quốc. Kể từ đó, ông đặt mục tiêu hoàn thành cuốn sách vào đúng dịp sinh nhật thứ 80 của cố Tổng Bí thư để có thể tận tay kính tặng cuốn sách này tới cố Tổng Bí thư. Tuy nhiên mong muốn của tác giả đã không kịp trở thành hiện thực khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã qua đời vào ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho chính phủ cũng như nhân dân Việt Nam.
Cuốn sách tiểu sử "Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng" bản tiếng Hàn đã được xuất bản vào tháng 4 vừa qua tại Hàn Quốc, sẽ được dịch sang tiếng Việt và dự kiến xuất bản tại Việt Nam vào tháng 9 tới. Tính cho tới nay, cuốn sách của tác giả Cho Chul-hyeon là cuốn sách đầu tiên và duy nhất viết về tiểu sử của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn với tác giả Cho Chul-hyeon được thực hiện vào ngày 31/7 tại văn phòng tòa soạn AJU News ở Jongno, Seoul.
Tôi hiện là một nhà văn. Trước đây, tôi làm phóng viên một thời gian. Sau đó tôi chuyển sang điều hành một kênh phát sóng trên mạng liên quan đến sách có tên gọi là 'On Book', đến năm 2012 kênh phát sóng được chuyển sang chương trình phát sóng trên truyền hình cáp và tôi đã trở thành giám đốc của kênh phát sóng khi đó có tên là 'BookTV'. Cho đến năm 2017, tôi xin về hưu và trở thành một nhà văn, người viết sách toàn thời gian. Như bạn có thể thấy trong phần "sơ lược về tác giả" ở đầu sách, trước đó tôi cũng đã xuất bản một số tác phẩm, chẳng hạn như cuốn sách tiểu sử về Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev (xuất bản vào năm 2017).
▶ Khi đọc mục giới thiệu sơ lược về tác giả, tôi thấy ông đã viết rất nhiều tác phẩm về cộng đồng người Hàn Quốc ở nước ngoài và các tác phẩm về khu vực Trung Á chẳng hạn như Uzbekistan. Tuy nhiên lần này, với cuốn sách "Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng", lý do gì đã thôi thúc ông tìm hiểu, nghiên cứu và cho xuất bản cuốn sách về cuộc đời của một vị Tổng Bí thư của Việt Nam?
Đáng nhẽ ra thì tôi đã bắt đầu viết cuốn sách về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước khi tôi tới Trung Á.
Vào năm 2014, cố Tổng Bí thư đã đến thăm Hàn Quốc theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc khi đó là bà Park Geun-hye. Nhưng như mọi người cũng biết, năm 2014 là thời điểm Tập đoàn Samsung đang ở trong tình thế khó khăn "tứ phía", không những thế Chủ tịch Samsung khi đó là ông Lee Kun-hee cũng đang phải nhập viện vì suy tim. Trong lịch trình chuyến thăm Hàn Quốc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đích thân đến thăm văn phòng Chủ tịch tập đoàn Samsung ở Samseong-dong, Seoul và làm việc với Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung lúc đó là ông Lee Jae-yong. Có thể nói hành động trực tiếp tới thăm văn phòng tập đoàn Samsung lúc bấy giờ đã khẳng định niềm tin của cố Tổng Bí thư với tập đoàn Samsung cũng như gián tiếp gửi đi thông điệp rằng mọi người không cần phải quá lo lắng về Samsung dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Lee Jae-yong.
Tôi không biết nhiều về nghi thức của các nguyên thủ quốc gia, nhưng đây là một sự kiện vô cùng hiếm gặp, khi lãnh đạo cao nhất của một quốc gia lại đích thâm tới văn phòng của người đứng đầu một công ty. Đây cũng là một chi tiết thể hiện sự nhạy cảm và tài ngoại giao của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chính ấn tượng sâu sắc đó đã thôi thúc tôi dành thời gian tìm hiểu về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thêm vào đó, lý do khiến tôi quan tâm đến cố Tổng Bí thư đó là vì ông ấy cũng từng là nhà báo với 30 năm kinh nghiệm tại Tạp chí Cộng sản; một người làm chính trị nhưng lại tốt nghiệp chuyên ngành văn học. Có thể thấy, trên thực tế phần lớn các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới đều hoạt động trong giới chính trị từ lâu, có kiến thức về luật hoặc xuất thân là luật sư, hoặc đã tham gia các đảng chính trị lâu năm thế nhưng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với nền tảng là sinh viên tốt nghiệp khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, lại rất khác biệt khiến tôi cảm thấy vô cùng tò mò.
Vì thế, tôi đã tìm kiếm, dịch, đọc các bài viết của Tổng Bí thư trên Tạp chí Cộng sản, càng đọc, tôi càng bị lôi cuốn và mong có thể tìm hiểu nhiều hơn về vị lãnh đạo đặc biệt này.
▶ Cuốn sách dày 420 trang chứa đựng rất nhiều thông tin, bắt đầu từ thời niên thiếu của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời kỳ công tác tại Tạp chí Cộng sản, thời kỳ giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cho tới thời kỳ nắm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam là Tổng Bí thư. Vậy xin hỏi ông đã mất bao lâu để chuẩn bị tài liệu và viết sách? Ngoài ra, trong quá trình thu thập tài liệu có điểm gì khó khăn hay chi tiết đáng nhớ nào không?
Để hoàn thành cuốn sách này, tôi đã dành 10 năm nghiên cứu tài liệu và gần 2 năm để chỉnh sửa và hoàn thiện.
Việc thu thập tài liệu về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không dễ dàng như tôi hình dung, bởi cố Tổng Bí thư vốn là một người rất giản dị, khiêm tốn, không thích chia sẻ quá nhiều về những thành tựu của bản thân.
Trước tiên, tôi đã tìm kiếm tất cả các bài viết của cố Tổng Bí thư trên Tạp chí Cộng sản, dịch và đọc chúng. Tôi cũng đã tìm hiểu thông qua báo chí quốc tế tại khắp các nước mà Tổng Bí thư đã thăm như Cuba, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và cũng tìm được bài luận văn của cố Tổng Bí thư viết trong thời sinh viên cũng như luận văn Tiến sĩ của cố Tổng Bí Thư viết trong thời kỳ du học Liên Xô để đọc và tham khảo. Qua đó, tôi đã có cái nhìn sơ lược về con người của cố Tổng Bí thư.
Quá trình này đã được tôi tiến hành và hoàn thành trong năm 2019. Tuy nhiên, sau đó, từ năm 2020 công cuộc tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu đã phải tạm dừng vì lý do khách quan là dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ khiến tôi không thể đến Việt Nam thường xuyên để tìm kiếm tài liệu. Mãi cho đến năm 2022, đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Việt Nam, tôi hạ quyết tâm phải xuất bản bằng được cuốn sách này. Và tôi muốn xuất bản cuốn sách vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 80 của cố Tổng Bí thư vào ngày 14/4/2024. Với quyết tâm đó, tôi đã tập trung toàn bộ sức lực vào việc viết, chỉnh sửa, chuẩn bị cho cuốn sách.
Kể từ khi cố Tổng Bí thư đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội, những thông tin công khai về ông có thể dễ dàng tìm kiếm được thông qua báo chí, truyền thông tuy nhiên những câu chuyện về thời đi học hay công tác tại Tạp chí Cộng sản của cố Tổng Bí thư lại vô cùng ít ỏi.
Do đó, tôi đã tìm đến gặp Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc lúc bấy giờ là Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng mong nhận được sự giúp đỡ tiếp cận với các nguồn thông tin. Đại sứ Tùng có nói với tôi rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người rất giản dị và khiêm tốn, có lẽ Tổng Bí thư sẽ không mong đợi những tác phẩm ca ngợi, tán dương mình. Đến khi liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam, tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Tuy vậy, tôi vẫn quyết tâm phải viết cuốn sách này. Vì thế tôi đã tự mình trực tiếp tìm đến quê hương của cố Tổng Bí thư ở làng Lại Đà, Đông Anh (Hà Nội) để gặp gỡ, nói chuyện với người dân ở đây và tìm kiếm những câu chuyện về thời thơ ấu của cố Tổng Bí thư. Tôi cũng đã ghé thăm trường THPT Nguyễn Gia Thiều và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, những ngôi trường mà cố Tổng Bí thư đã theo học. Thật may mắn, tôi đã tìm được tài liệu về những sinh viên ưu tú của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tài liệu được phát hành năm 2006 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập trường. Ở đó, tôi đã tìm được những câu chuyện về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ thời niên thiếu cho đến khi học đại học.
Từ nguồn tài liệu đó, tôi tìm đến những người bạn thuở đại học của cố Tổng Bí thư được đề cập trong tài liệu và thu thập thêm được nhiều thông tin quý báu về cố Tổng Bí thư. Những thông tin này đã giúp tôi hoàn thiện được cuốn sách.
▶ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được mọi người đánh giá là người kế nhiệm xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là một nhân vật được toàn thể người dân Việt Nam kính trọng. Dưới lập trường là một người nước ngoài, điều gì khiến ông ấn tượng nhất về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Tinh thần nhân văn "sĩ phu Bắc Hà" (người sẵn sàng hy sinh bản thân vì đất nước), lý thuyết "ngoại giao cây tre" và công cuộc bài trừ tham nhũng là những điều khiến tôi ấn tượng nhất khi nhắc đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cố Tổng Bí thư vừa là nhà lý luận uyên thâm nhưng ông cũng dẫn dắt người dân bằng trí tuệ và tinh thần nhân văn cao, thông qua đó giúp nâng tầm văn hóa Việt Nam.
Không những thế, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người kết hợp thành công giữa dòng chảy về tư tưởng và dòng chảy lợi ích kinh tế đòi hỏi sự tăng trưởng nhanh chóng sau Đổi mới (chính sách cải cách và mở cửa), góp phần không nhỏ giúp đất nước Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay. Tôi muốn nhắc đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như là người đề xướng "Diễn ngôn sông Hồng". Bởi cũng giống như dòng chảy của sông Hồng, dòng sông chảy qua Hà Nội (thủ đô của Việt Nam), cố Tổng Bí thư có cách lãnh đạo vừa uyển chuyển, vừa không ngừng chuyển động với mục tiêu (giúp Việt Nam) hướng ra "biển lớn".
Cố Tổng Bí thư cũng quan niệm Đảng Cộng sản Việt Nam phải là tổ chức trong sạch, vững mạnh và chính bản thân cố Tổng Bí thư cũng đã sống một cuộc đời vô cùng liêm khiết. Quan điểm này của cố Tổng Bí thư đã góp phần xây dựng hình ảnh một Việt Nam không tham nhũng, tiêu cực trong mắt bạn bè quốc tế.
▶ Qua những chia sẻ kể trên, có thể thấy, ông đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết cho cuốn sách này. Vậy, không biết phản ứng của độc giả Hàn Quốc và độc giả Việt Nam khi đọc/biết đến tác phẩm này là như thế nào?
Khi sách vừa ra mắt tại Hàn Quốc, chuyên gia đầu ngành Việt Nam học của Trường Đại học Seoul là Giáo sư Kim Yong-geun đã nói với tôi rằng cuốn sách này sẽ là một nguồn cung cấp nhiều tư liệu quý cho giới nghiên cứu Hàn Quốc. Một doanh nhân Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam cũng đã liên hệ đặt mua 1.200 cuốn để dành tặng cho các bạn sinh viên Việt Nam đang học tiếng Hàn Quốc.
Tôi được biết, ở Việt Nam cuốn sách "Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng" cũng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Nhiều ý kiến chia sẻ rằng các câu chuyện về tuổi thơ và thời gian học đại học (của cố Tổng Bí thư) chưa bao giờ được giới thiệu nhiều đến thế này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, người mới có chuyến thăm đến Hàn Quốc vào đầu tháng 7 vừa qua, cũng đã gửi lời cảm ơn đối tới tôi vì đã góp phần giúp độc giả Hàn Quốc hiểu thêm về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây quả thật là niềm vinh dự to lớn cho bản thân tôi, vì đã phần nào đóng góp được cho mối quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam, đồng thời cũng trở thành trách nhiệm to lớn để tôi tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung nhằm mang đến cho độc giả một cuốn sách hoàn thiện hơn nữa.
▶ Ngoài tiếng Hàn và tiếng Việt, ông có kế hoạch dịch và xuất bản cuốn sách này sang các ngôn ngữ khác chẳng hạn như tiếng Anh không? Ông muốn chỉnh sửa và bổ sung thêm những gì trong lần tái bản tiếp theo?
Ngoài tiếng Hàn và tiếng Việt, tôi dự định sẽ dịch cuốn sách này sang nhiều thứ tiếng khác nhau, bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, để nhiều người trên thế giới biết đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, biết đến Việt Nam và tìm đến Việt Nam nhiều hơn nữa.
Là tác giả (nước ngoài) của cuốn sách đầu tiên viết về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi muốn tiếp tục bổ sung thêm thông tin để hoàn thiện cuốn sách hơn nữa. Do đó, vào cuối tháng 8 này, chúng tôi dự định sẽ về Việt Nam và thực hiện thêm các phóng sự chuyên sâu để bổ sung nội dung cho cuốn sách.
Trước chuyến đi Việt Nam, vào ngày 19/8 tới đây tại Seoul chúng tôi có tổ chức một buổi giao lưu với độc giả Hàn Quốc để có thể giới thiệu, thảo luận, giải đáp những câu hỏi mà độc giả tò mò, thắc mắc về cuốn sách "Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng" cũng như cùng nhau trò chuyện, tưởng nhớ về "bác Trọng".
▶ Trước khi kết thúc buổi phỏng vấn, không biết ông còn có điều gì muốn đặc biệt nhấn mạnh hay nhắn nhủ với độc giả không?
Tuy đã gần 1 tuần kể từ khi Quốc tang của cố Tổng bí thư diễn ra, tuy nhiên cảm xúc trong tôi vẫn còn rất bối rối. Khi nghe tin cố Tổng bí thư qua đời, tôi cảm thấy như mất đi một nửa linh hồn, cảm giác mất mát quá lớn này thật khó diễn tả thành lời.
Tôi hy vọng cuốn sách của mình sẽ tiếp tục được độc giả đón nhận, nhất là các bạn Việt Nam. Để thông qua đó các bạn sẽ thêm tự hào về dân tộc, Tổ quốc mình, nơi sản sinh ra một vị lãnh đạo hết sức tuyệt vời.
Xin cảm ơn ông!