Đời sống Xã hội

Gần 4.000 người 'chết cô độc' mỗi năm tại Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:07 17-10-2024
Phần lớn là nam giới ở độ tuổi 50~60 'Cái chết cô độc' ở người trẻ nhiều nhất là do tự sát
Số người Hàn Quốc trải qua "cái chết cô độc" ngày càng tăng, đạt gần 4.000 người mỗi năm.

Cô đơn đã nổi lên như một vấn đề xã hội nghiêm trọng ở Hàn Quốc, trong đó người già phải trải qua sự cô đơn do gia đình tan vỡ hoặc nghỉ hưu, còn thế hệ trẻ trở nên cô lập vì lý do kinh tế như không tìm được việc làm.

Các chuyên gia cho rằng để ngăn chặn sự gia tăng số ca tử vong mà không ai hay biết này, chính phủ nên thực hiện các biện pháp tích cực để ứng phó cũng như thành lập các hội/nhóm cộng đồng để các thành viên trong xã hội có thể dễ dàng tiếp cận.

 
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa ẢnhYonhap News
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. [Ảnh=Yonhap News]
Theo 'Kết quả khảo sát về những cái chết cô độc' do Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc công bố vào ngày 17, năm 2023 Hàn Quốc đã ghi nhận 3.661 trường hợp "chết cô độc"; chiếm 1,04% tổng số ca tử vong.

"Cái chết cô độc" là một thuật ngữ bắt đầu được sử dụng ở Nhật Bản vào những năm 1970.

Tại Hàn Quốc, số liệu chính thức về tình trạng những cái chết cô độc chưa được thực hiện, nhưng với việc thực hiện 'Đạo luật quản lý và phòng ngừa cái chết cô độc' (Đạo luật ngăn chặn cái chết cô độc) vào năm 2021, tới tháng 12/2022, Bộ Y tế và Phúc lợi đã lần đầu tiên công bố kết quả của ‘Cuộc khảo sát về những cái chết cô độc năm 2022'.

Theo kết quả khảo sát vào thời điểm đó, số người trải qua cái chết cô độc vào năm 2021 là 3.378 người, chiếm 1,06% tổng số ca tử vong.

Kể từ đó, số người chết trong cô đơn không ngừng gia tăng, lên tới 3.559 vào năm 2022 và 3.661 vào năm 2023.

Bộ Y tế và Phúc lợi cho rằng sự gia tăng số lượng hộ gia đình độc thân (hộ gia đình 1 thành viên) là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng số ca tử vong trong cô đơn.

Số lượng hộ gia đình độc thân tại Hàn Quốc tăng lên đáng kể hàng năm, từ 7,166 triệu vào năm 2021 lên 7,502 triệu vào năm 2022 và 7,829 triệu vào năm 2023.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy những cái chết cô độc xảy ra chủ yếu ở những người lớn tuổi ở độ tuổi 50 và 60.

Xét theo nhóm tuổi, những cái chết cô độc ở độ tuổi 60 vào năm 2022 và năm 2023 chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số những cái chết cô độc (không bao gồm những trường hợp chưa rõ tuổi), lần lượt là 31,4% và 31,6%. Xếp ở vị trí thứ 2 là nhóm tuổi 50 với tỷ lệ lần lượt là 30,4% và 30,2% trên tổng số.

Có thể thấy những người ở độ tuổi 50 và 60 cộng lại chiếm hơn 60% tổng số ca tử vong trong cô đơn.

Đặc biệt, tỷ lệ cái chết cô độc ở nam giới ở độ tuổi 50 và 60 là vô cùng lớn, chiếm tới 54,1% và 53,9% tổng số cái chết cô đơn lần lượt vào năm 2022 và năm 2023.

Noh Jeong-hoon, người đứng đầu Cục Phúc lợi khu vực thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, cho biết: "Chúng tôi tin rằng những cái chết cô đơn ở những người ở độ tuổi 50 và 60 có liên quan đến các bệnh mãn tính, các bệnh liên quan đến rượu hoặc do phải trải qua việc ly hôn, mất người thân, v.v.. Phản ánh những đặc điểm này, chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống ứng phó với khủng hoảng cái chết cô độc vào năm tới để lên danh sách ‘các hộ gia đình có nguy cơ trải qua có cái chết cô độc’ và cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương để quản lý".

Các chuyên gia cũng có chung quan điểm rằng người cao tuổi có khả năng cao trải qua cái chết cô độc khi các mối quan hệ xã hội của họ gần như bị cắt đứt sau khi nghỉ hưu; do đó cần phải tạo nền tảng giúp họ kết nối với các mối quan hệ xã hội.

Seok Jae-eun, giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Hallym, cho biết: "Những người ở độ tuổi 50 và 60 rất dễ bị tổn thương về mặt kinh tế sau khi nghỉ hưu và đây là thời điểm thường xuyên xảy ra các sự kiện đau lòng trong vòng đời như ly hôn. Vì không còn duy trì được các mối quan hệ một cách khăng khít nên những người trong nhóm tuổi này có nguy cơ cao sẽ ra đi một mình mà không có ai bên cạnh".

Jeong Sun-dul, giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học nữ Ewha, cho biết: "Nếu những người ở độ tuổi 50 và 60 không thể tìm được công việc khác sau khi nghỉ hưu thì khả năng cao sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, làm rạn nứt các mối quan hệ. Chúng ta cần giúp người trung tuổi này tìm việc làm và cung cấp địa điểm tổ chức các hoạt động cho họ, tương tự như các hoạt động được tổ chức cho người cao tuổi tại các trung tâm phúc lợi".

Nhóm người trẻ tuổi không có nhiều cái chết cô độc như các nhóm tuổi khác, tuy nhiên phần lớn các trường hợp chết cô độc đều là do tự sát.

Tỷ lệ tự sát trong số tất cả những cái chết cô độc là 13,9% vào năm 2022, trong khi tỷ lệ tự sát trong số những cái chết cô độc ở độ tuổi 20 và 30 trong cùng năm lần lượt là 71,7% và 51,0%.

Bộ Y tế và Phúc lợi cho biết: "Cả năm 2022 và năm 2023, nhóm tuổi càng trẻ thì tỷ lệ chết cô độc do tự sát càng cao. Do đó, chúng ta cần phải liên kết các chính sách giảm bớt những cái chết cô độc với các chính sách ngăn ngừa tự tử".

Cục trưởng Cục Phúc lợi khu vực Noh Jeong-hoon cho biết: "Quá trình những người ở độ tuổi 20 và 30 chết trong cô đơn thường có liên quan đến thất bại trong công việc hoặc thất nghiệp".

Giáo sư Seok phân tích: "Khi xã hội của chúng ta ngày càng trở nên cá nhân hóa hơn, có rất nhiều người trẻ rời nhà và sống một mình. Một số người mất hy vọng vì không kiếm được việc làm, trong khi những người khác thì mắc nợ và không thể tìm ra cách giải quyết. Bởi vì bất cứ ai cũng có thể đưa ra lựa chọn ngu ngốc ít nhất một lần và cuối cùng phải gánh những khoản nợ không thể trả nổi nên cần phải cung cấp các dịch vụ giúp cho những người trẻ tìm cách khắc phục thông qua tư vấn tài chính".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기