Kinh tế Chính trị

Bất ổn từ các chính sách mới của Tổng thống Trump hạn chế sự tăng trưởng của nhiều ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)13:48 20-02-2025
Ngày càng có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Trong "Báo cáo giám sát ngành công nghiệp trọng điểm" công bố ngày 19, Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) dự đoán rằng với việc chính quyền Tổng thống Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai, "tình trạng bất ổn chính sách vẫn tiếp diễn trong thời điểm hiện tại, rủi ro suy giảm đối với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước sẽ tăng lên".

Mặc dù sự bùng nổ xuất khẩu chip bán dẫn hiệu suất cao sẽ tiếp tục trong năm nay, nhưng tăng trưởng xuất khẩu chip bán dẫn nói chung dự kiến ​​sẽ chậm lại do nhu cầu chậm chạp đối với chip bán dẫn thông dụng và ảnh hưởng của hiệu ứng cơ sở (base effect).

Về xuất khẩu ô tô, dự kiến ​​"mặc dù nhu cầu ở Bắc Mỹ vẫn còn cao, nhưng xuất khẩu sẽ giảm do doanh số bán chậm ở châu Âu và sản xuất trong nước tăng do chính sách bảo hộ ở Mỹ được tăng cường".

BoK cũng phân tích liên quan đến ngành công nghiệp hóa dầu rằng "sẽ khó có thể tăng sản lượng và xuất khẩu đáng kể do sự cải thiện chậm trễ của ngành sản xuất toàn cầu và tình trạng cung vượt cầu".

Ngành công nghiệp thép cũng được dự kiến ​​sẽ tiếp tục trì trệ do "sự suy thoái của thị trường xây dựng trong nước và sự phục hồi chậm trễ của thị trường bất động sản Trung Quốc". Bên cạnh đó, "việc Mỹ dự kiến ​​áp dụng mức thuế 25% cũng trở thành một rủi ro kéo giảm (tăng trưởng của ngành)".

Tuy nhiên, ngược lại với các nganh kể trên, triển vọng của ngành đóng tàu lại khá tích cực.

BoK cho biết, "Do ngành đóng tàu tiếp tục bùng nổ nên các đơn đặt hàng chọn lọc đối với tàu thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao sẽ tiếp tục được ghi nhận và lợi nhuận dự kiến ​​sẽ còn được cải thiện hơn nữa".

"Chính sách năng lượng nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Trump tập trung vào nhiên liệu hóa thạch, tăng cường hợp tác với các đồng minh và lợi ích bất ngờ từ việc kiềm chế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ có tác động tích cực đến ngành đóng tàu trong nước", BoK cho biết thêm.

Viện nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng công nghiệp IBK Hàn Quốc đã phân tích trong báo cáo có tiêu đề "Tác động của thuế quan phổ quát của Mỹ đối với xuất khẩu trong nước" vào ngày 11 rằng nếu chính phủ Mỹ thực sự áp dụng thuế quan phổ quát, có khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ giảm từ 1,8% (12,5 tỷ đô la) đến 4,6% (31,26 tỷ đô la, tương đương khoảng 45 nghìn tỷ KRW) so với năm ngoái (683,8 tỷ đô la), tùy thuộc vào tỷ lệ thuế quan (10-25%).

Tác động của mức thuế quan chung của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của dự kiến ​​sẽ nặng nề hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ so với các tập đoàn lớn. Ngoài ra, xuất khẩu từ hầu hết các nhóm ngành công nghiệp đều dự kiến ​​sẽ sụt giảm.

Nếu áp dụng mức thuế phổ quát 25%, lượng hàng xuất khẩu chính sang Mỹ, đặc biệt là ô tô, thiết bị truyền thông và hóa chất tinh khiết, ước tính sẽ giảm lần lượt là 18,59%, 21,17% và 50,23%.

Dựa trên kim ngạch xuất khẩu ô tô sang Mỹ năm 2024 (34,7 tỷ đô la Mỹ), mức giảm dự kiến ​​là khoảng 6,5 tỷ đô la Mỹ (9,3 nghìn tỷ KRW dựa trên tỷ giá hối đoái KRW/USD là 1.440).

Tuy nhiên, trong phân tích này, ngay cả khi áp dụng mức thuế suất 25% cho chất bán dẫn, xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng 1,01%.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기