Đời sống Xã hội

Khách nước ngoài đến Hàn Quốc tăng nhưng doanh thu du lịch của Hàn Quốc lại giảm…Lý do là vì?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:50 23-05-2025
Số lượng khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc trong quý đầu tiên của năm nay đạt mức cao kỷ lục, vượt qua mức trước đại dịch COVID-19, tuy nhiên thâm hụt cán cân du lịch lại lên tới 3,3 tỷ đô la.
 
Du khách nước ngoài đang theo dõi lễ đổi gác trước cung Gyeongbuk Seoul ẢnhYonhap News
Du khách nước ngoài đang theo dõi lễ đổi gác trước cung Gyeongbuk, Seoul. [Ảnh=Yonhap News]
Theo báo cáo 'Hiệu suất du lịch trong và ngoài nước quý I năm 2025' do Yanolja Research công bố vào ngày 22, tổng số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc trong quý I/2025 là 3,87 triệu người, ăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng tăng 0,7% so với quý I/2019, trước khi xảy ra COVID-19.

Doanh thu du lịch ở mức 3,78 tỷ đô la Mỹ, giảm 23,8% so với năm 2019 (4,96 tỷ đô la Mỹ). Cụ thể, mức tiêu dùng bình quân đầu người giảm 24,4% xuống còn 976 đô la so với năm 2019 (1.290 đô la).

Có thể thấy, mặc dù số lượng du khách tăng lên nhưng mức tiêu thụ thực tế lại giảm.

Một số phân tích cho rằng sự khác biệt về đặc điểm tiêu dùng do lượng khách du lịch bằng du thuyền (cruise) tăng là một phần nguyên nhân khiến doanh thu du lịch phục hồi chậm mặc dù lượng khách du lịch đến Hàn Quốc tăng.

Trong quý I năm nay, 7,4% khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc theo dạng du lịch bằng du thuyền, tăng đáng kể so với mức 0,7% của năm 2019. Tuy nhiên, khách du lịch bằng du thuyền có thời gian lưu trú ngắn và mức tiêu thụ chỗ ở, thực phẩm, đồ uống bị hạn chế nên tác động lan tỏa đến nền kinh tế địa phương là rất nhỏ.

Ngoài ra, doanh số bán hàng miễn thuế dành cho người nước ngoài đã giảm mạnh từ 4,09 tỷ đô la năm 2019 xuống còn 1,59 tỷ đô la trong năm nay. Các chuyên gia phân tích rằng sự suy giảm này là do lượng tiêu dùng của khách du lịch Trung Quốc giảm và thay đổi trong mô hình tiêu dùng.

Theo khu vực, Châu Á chiếm 81% (khoảng 3,14 triệu) tổng số khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc. Tỷ lệ phục hồi chỉ đạt 98,1% so với năm 2019, chưa đạt mức phục hồi hoàn toàn. Trong đó, lượng khách du lịch Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 1,334 triệu lượt, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2019 (1,6 triệu lượt).

Ngược lại, thị trường của các quốc gia có vị trí địa lý xa Hàn Quốc lại cho thấy sự phục hồi đáng kể. Chẳng hạn như Mỹ (37,6%), Châu Âu (2,5%), Châu Phi (13,4%) và Châu Đại Dương (44,7%) đều đã vượt qua mức năm 2019.

Đặc biệt, Đài Loan đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia/vùng lãnh thổ có lượng khách đến Hàn Quốc lớn thứ ba, tăng trưởng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước lên 395.000 người. Hơn 38% du khách Đài Loan nhập cảnh qua các sân bay địa phương như Gimhae, Jeju, Daegu và việc khai thác cân bằng các đường bay của các hãng hàng không trong và ngoài nước được đánh giá là đã góp phần thúc đẩy nhu cầu tăng cao.

Liên quan đến sự chậm trễ trong việc tăng nhu cầu du lịch trong nước từ châu Á, Seo Dae-cheol, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Yanolja Research, đã chỉ ra tình trạng tắc nghẽn trong các đường bay và cho biết: "Việc thiếu các chuyến bay thẳng từ các hãng hàng không nước ngoài đến các sân bay địa phương của Hàn Quốc đang cản trở sự phục hồi nhu cầu ở các nước lớn tại châu Á".

Mặt khác, du lịch ra nước ngoài của người Hàn Quốc đã có sự phục hồi rõ rệt. Số lượng người Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài trong quý I/2025 là 7,8 triệu người. Đạt 99,1% so với mức năm 2019 (7,87 triệu người).

Nhật Bản vẫn là điểm đến phổ biến nhất với 2,506 triệu du khách, tăng 20,4% so với năm 2019.

Việt Nam (1,26 triệu) cũng duy trì xu hướng tăng, tăng 13,8% so với năm 2019.

Tuy nhiên, Thái Lan (-7,3%), Mỹ (-4,6%), Philippines (-24,1%), Hồng Kông (-24,9%) và Ma Cao (-34,3%) lại ghi nhận đà giảm so với trước đại dịch.

Chi tiêu du lịch của người Hàn Quốc ở nước ngoài đạt 7,08 tỷ đô la, gần với mức năm 2019 (7,19 tỷ đô la) và chi tiêu bình quân đầu người cũng đạt 908 đô la, gần tương tư với mức của năm 2019 (914 đô la).

Theo đó, thâm hụt cán cân du lịch trong quý I/2025 được ghi nhận ở mức 3,3 tỷ đô la. Mức thâm hụt này tăng hơn 50% so với năm 2019 (-2,23 tỷ đô la).

Dữ liệu này cho thấy rằng mặc dù lượng khách du lịch trong nước (inbound) phục hồi, cơ cấu doanh thu của ngành du lịch đang suy yếu do lượng khách du lịch ra nước ngoài (outbound) tăng.

Hong Seok-won, nhà nghiên cứu cấp cao tại Yanolja Research cho biết: "Chỉ riêng sự phục hồi về mặt số lượng không thể đảm bảo một ngành du lịch bền vững, mà cần phải có sự chuyển đổi về chất lượng để tăng thời gian lưu trú và sức tiêu thụ. Chúng ta phải tăng cường khả năng tiếp cận du lịch khu vực bằng cách đa dạng hóa cơ sở hạ tầng hàng không tại các sân bay địa phương. Và du lịch chất lượng cao thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao sẽ là chìa khóa để cải thiện sự cân bằng du lịch".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기