Đời sống Xã hội

Người tiêu dùng Hàn Quốc và thói quen 'mua sắm phục thù' trong đại dịch Covid-19

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:00 14-04-2021
Khảo sát của Saramin với 3.000 người trưởng thành Một nửa số lượng người được hỏi trong độ tuổi 20 cho biết "Đã từng 'mua sắm phục thù'"
Hàng dài người mua sắm đổ xô đến cửa hàng thời trang Chanel tại Seoul từ hôm qua (13/4). Tất cả đều hy vọng có thể mua được hàng trước đợt tăng giá sắp tới. Họ tụ tập bất chấp nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 khi số ca nhiễm mới trong vòng 1 tuần gần đây đang có xu hướng tăng cao. 

 

Dòng người xếp hàng dài trước cửa hàng chính tại Lotte Department Store ở Seoul vào ngày 13/5/2020, khi hãng thời trang cao cấp Chanel thông báo tăng giá một số sản phẩm.[Ảnh=Yonhap News]


Theo ghi nhận, hôm nay (14/4) tiếp tục có khoảng 100 người đã xếp hàng trước trung tâm thương mại Lotte Department Store ở Myeongdong, Seoul từ 8 giờ sáng, khoảng hai tiếng rưỡi trước khi trung tâm thương mại mở cửa mặc cho thời tiết se lạnh khi nhiệt độ buổi sáng giảm hơn 10 độ so với hôm trước.

Một quan chức tại cửa hàng bách hóa Lotte cho biết: “Ngay cả khi tôi đi làm lúc 6 giờ sáng, đã có 7 người ngồi xếp hàng chờ trước cửa trung tâm thương mại rồi."

Có nhiều tin đồn trên mạng xã hội cho rằng các sản phẩm của Chanel sẽ tăng giá trong thời gian tới nên đã có không ít người tiêu dùng không tiếc công tiếc sức xếp hàng từ sớm để có thể có cơ hội săn được những món xa xỉ phẩm trước khi chúng tăng giá.

Tuy nhiên, sự thật là ngay cả những khách hàng tới mua đồ tại đây cũng không thể xác nhận liệu giá các sản phẩm Chanel có thực sự tăng hay không. Các thương hiệu cao cấp không tiết lộ trước chính sách giá nên không thể biết trước khi nào và sản phẩm nào sẽ tăng giá, nhưng họ thường điều chỉnh giá một hoặc hai lần trong năm.

Người Hàn Quốc có cả tên gọi riêng cho hiện tượng này – "bobok sobi" (보복소비), tạm dịch là 'mua sắm phục thù'. Phát ngôn viên của Cửa hàng Lotte Moon Ho-ik cho biết sự nóng lòng sở hữu những mặt hàng cao cấp xuất phát từ mong muốn được mua sắm sau chuỗi ngày mệt mỏi vì phải sống chung với dịch bệnh và bị hạn chế về nhiều phương diện như không thể đi du lịch nước ngoài hay tụ tập nhiều người. 

Liên quan đến 'mua sắm phục thù', mới đây vào ngày 14 trang Saramin (nền tảng tìm kiếm việc làm uy tín của Hàn Quốc) đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát 3.000 người trưởng thành về trải nghiệm “mua sắm phục thù do Covid19”, cho thấy 38,3% số người được hỏi trả lời rằng họ "đã từng" 'mua sắm phục thù' hoặc đang "có kế hoạch".

 

[Ảnh=Saramin]


Trong số những người được hỏi ở độ tuổi 20, 46,3% cho biết họ đã từng 'mua sắm phục thù'. Theo sau là 42,2% ở độ tuổi 30, 31,4% ở độ tuổi 40 và 18% ở độ tuổi 50. Có thể thấy, tuổi càng trẻ thì tỷ lệ 'mua sắm phục thù' lại càng cao. Ngoài ra, nhóm “chưa kết hôn” (43,6%) cũng có tỷ lệ 'mua sắm phục thù' cao hơn 15,4% điểm phần trăm so với nhóm “đã kết hôn” (28,2%).

Lý do cho hành động này được nhiều người lý giải là “để giảm bớt cảm giác chán nản do Covid19 gây ra” (55,5%). Theo sau là các lý do như "Việc phải ở trong nhà trong một khoảng thời gian dài khiến nhu cầu mua sắm tăng lên" (46,6%), "Bởi vì tôi chủ yếu mua sắm trên Internet trong thời gian rảnh rỗi" (31,5%), "Bởi vì ngày càng có nhiều sản phẩm có thể giao dịch trên mạng nên tôi dễ dàng mua sắm được nhiều món đồ hơn" (31,5%). 

Các sản phẩm được mua nhiều nhất cũng khác nhau theo nhóm tuổi. Đối với những người ở độ tuổi 20, 'sản phẩm thời trang' (45,2%) đứng ở vị trí đầu tiên. Còn ở độ tuổi 30, 'sản phẩm liên quan đến nội thất gia đình' (18,9%), ở độ tuổi 40 (36,4%) và ở độ tuổi 50 (25,4%), 'Sản phẩm liên quan đến nấu ăn' lần lượt xếp đầu tiên trong các sản phẩm được mua nhiều nhất.

Số tiền mà các nhóm tuổi chi trả cho 'mua sắm phục thù' cũng rất khác nhau. Mức trung bình hàng tháng cho những người ở độ tuổi 20 là 740.000 won, ở tuổi 30 là 990.000 won, ở tuổi 40 là 1,4 triệu won và ở tuổi 50 là 1,25 triệu won.

Trong khi nhiều người lo ngại phong cách tiêu dùng này sẽ hướng giới trẻ tới lối sống vật chất, phù phiếm, các chuyên gia cho rằng chưa thể kết luận điều này sẽ đem tới ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực.

"Hàng hóa xa xỉ chỉ là một trong nhiều sản phẩm tiêu dùng và việc mua chúng hay không nằm ở lựa chọn cá nhân", giáo sư Sung Sung Tae-yoon, giáo sư ngành Kinh tế tại ĐH Yonsei nhận định.

"Nếu ai đó làm việc chăm chỉ để có tiền mua đồ hiệu, điều đó không hề có hại. Nhưng nếu họ sắm sửa vì muốn bắt chước, theo đuổi xu hướng thì thật kém khôn ngoan. Khi đó, niềm vui sẽ hóa thành gánh nặng lâu dài", giáo sư Kwak Geum-joo, giáo sư ngành Tâm lý học tại ĐH Quốc gia Seoul nói thêm.

 

Khách hàng xếp hàng dài để nhận thẻ số thứ tự vào mua hàng trước cửa hàng Chanel ở Shinsegae Department Store chi nhánh Gangnam vào ngày 6/3/2021. [Ảnh=Yonhap News]


© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기