Phiên thảo luận chủ đề “Thị trường số, cơ hội toàn cầu” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN sáng 13/9
Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) hiện nay đang diễn ra nhanh chóng, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người.
Sáng nay, 13 tháng 9 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN, phiên thảo luận chủ đề “Thị trường số, cơ hội toàn cầu” đã diễn ra với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh, có ông Toby Edwards (Chủ tịch công ty Shipa Freight, các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất), ông Gerry Mattios (Phó Chủ tịch, Công ty Bain & Company), bà Bharathi Viswanathan (Giám đốc Thông tin, Tập đoàn Coca-Cola), ông Santitarn Sathirathai, Tư vấn Kinh tế trưởng, Tập đoàn SEA, Singapore và 200 đại biểu tham dự.
Phiên thảo luận tập trung vào 4 chủ đề chính gồm: Sự bùng nổ thị trường thương mại điện tử, Hạ tầng số, Dịch vụ tài chính di động và Dữ liệu xuyên biên giới.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Xu hướng số hoá hay công cuộc chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến dịch vụ; từ sản xuất đến phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng...
Do những thay đổi mang tính cách mạng khoa học và công nghệ dẫn đến thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý nhà nước, xã hội cũng như phương thức và cách thức tổ chức của các doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “Chính phủ Việt Nam có 3 nội dung cơ bản cần làm. Thứ nhất, có chiến lược phát triển toàn diện tiếp cận CMCN 4.0. Thứ hai, bằng kế hoạch cụ thể tạo ra quan điểm hiểu biết ở cơ quan chính sách. Thứ ba, là đạo tạo nguồn nhân lực”.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu không có chiến lược chung với nỗ lực chung trong nội khối ASEAN thì chắc chắn sẽ không khai thác được cơ hội kinh tế số.
Làm rõ hơn về vai trò của Chính phủ, theo Bộ trưởng, Chính phủ xây dựng, hoàn thiện môi trường nói chung bao gồm thể chế, pháp lý là cơ bản nhất để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.
Bên cạnh đó, những điều kiện hiện đã có nền tảng ban đầu, cam kết về sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, vấn đề đầu tư, đảm bảo an ninh, an toàn cho người sử dụng thương mại điện tử trong thanh toán điện tử.
Cuối cùng, theo Bộ trưởng là chiến lược đào tạo nhân lực, Việt Nam không làm được điều này nếu không tăng cường vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
"CMCN 4.0 sẽ xoá bỏ một số công việc nhưng tạo cơ hội cho công việc mới và là yếu tố quan trọng nhất để tăng năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế" - Chủ tịch WEF Klaus Schwab nhấn mạnh tới thực tại và tương lai của ASEAN trong bối cảnh bao trùm về CMCN 4.0.
[Video = www.weforum.org]