Hà Nội (TTXVN 13/3)
Sau một năm đầy ấn tượng với mức nhập siêu cao, bước sang năm 2019, nhập siêu đã quay trở lại ngay từ tháng đầu tiên với mức tăng nhẹ và chính thức tăng gần 800 triệu USD vào tháng 2. Lo ngại trước việc xuất khẩu năm 2019 sẽ không tăng tưởng như kỳ vọng, ngay từ những tháng đầu năm này, Bộ Công Thương đã hoạch định nhiều phương án; trong đó, tập trung chủ yếu vào tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới(FTA) góp phần cân bằng cán cân thương mại.
*Nhập siêu quay lại
Theo nhận định từ Bộ Công Thương, nguyên nhân của sự sụt giảm do thời gian này vướng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài tới 8 ngày làm việc so với tháng trước đó. Dù vậy, tổng giá trị xuất nhập khẩu vẫn tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tính chung, 2 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa bị mất cân bằng nhẹ với con số thâm hụt 64 triệu USD.
Đáng lưu ý, trong tháng 2, doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước nhập siêu lên tới gần 3,83 tỷ USD. Trong khi đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 3,77 tỷ USD.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc nhập siêu của doanh nghiệp trong nước và xuất siêu của doanh nghiệp FDI là dễ hiểu vì doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nhiều hàng hóa tiêu dùng, máy móc thiết bị…Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI nhất là các doanh nghiệp quy mô lớn là những doanh nghiệp chế xuất, sản xuất xuất khẩu, gia công có kim ngạch xuất khẩu lớn có khi lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm như các nhà máy của Tập đoàn Samsung.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một điểm sáng là lũy kế hết tháng 2 tốc độ tăng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục cao hơn tốc độ tăng của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bởi, nếu những năm trước đây, doanh nghiệp FDI luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn doanh nghiệp trong nước, thì từ năm 2018 trở lại đây đã có sự thay đổi khi doanh nghiệp trong nước vượt doanh nghiệp FDI và xu hướng này tiếp tục duy trì trong 2 tháng đầu năm 2019.
*Mở rộng thị phần
Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7-8% của năm 2019, ông Phạm Tất Thắng, cố vấn cao cấp Bộ Công Thương cho rằng, năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu 36,8 tỷ USD sang các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam cũng xuất siêu sang EU. Đây là hai thị trường lớn và tiềm năng của Việt Nam.
Do đó, CPTPP được thực thi từ đầu năm nay và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ được thông qua trong năm nay sẽ mở ra triển vọng cho xuất khẩu năm 2019.
Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA được thông qua, hàng Việt Nam sẽ thâm nhập sâu vào được thị trường rộng lớn và khó tính nhất, giúp xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu phát triển, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, ngành công thương sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp trọng điểm như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân nhận diện cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP và các FTA song phương.
Chính vì vậy, thời gian gần đây Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức các buổi phổ biến kiến thức về xuất xứ hàng hóa trong CPTPP cho doanh nghiệp hai miền tại Hải Dương và TP Hồ Chí Minh. Điều này không những mang lại hiệu quả cao và nhận được sự tán thưởng mạnh mẽ từ phía doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để đẩy mạnh mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công Thương cũng đã đẩy mạnh phương thức xúc tiến thương mại. Điều này đã được giải mã qua sự kiện công bố kế hoạch hợp tác đưa các doanh nghiệp Việt Nam lên nền tảng của "người khổng lồ" thương mại điện tử Amazon thông qua chương trình bán hàng toàn cầu của Amazon - Amazon Global Selling.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục các giải pháp đưa hàng hóa Việt Nam vào kênh phân phối nước ngoài như: AEON với mục tiêu xuất khẩu 500 triệu USD và năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2025.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng, Bộ Công Thương cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Mặt khác, nhằm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương cũng sẽ tập trung lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể, nhất là khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực./.
Uyên Hương