Theo TTXVN, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhất là với các thị trường khu vực CPTPP. Tuy nhiên, dư địa từ các thị trường này còn rất lớn và là mảnh đất tiềm năng giúp tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai. Nhưng để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, vẫn cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước. Bởi đây là đòn bẩy giúp hàng hóa Việt Nam tự tin và vươn xa hơn trên trường quốc tế.
▲ Tăng trưởng khả quan
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Canada liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng lưu ý, đây là hai thị trường tiềm năng thuộc khu vực thị trường CPTPP.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý I đạt 4,62 tỷ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018.
Còn tính riêng tháng 3/2019, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,68 tỷ USD, tăng mạnh 62,25% so với tháng 2/2019 và tăng 2,71% so với tháng 3/2018.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản là hàng dệt may (đạt gần 900 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (trên 630 triệu USD), máy móc thiết bị (450 triệu USD), hàng thuỷ sản (trên 306 triệu USD)…
Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng phân bón có sự tăng trưởng đột biến trong quý I khi đạt 8.126 tấn, tương đương trị giá 3,7 triệu USD, tăng 509% về lượng và tăng 1.158% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản cũng có sự tăng trưởng mạnh trong quý I là sản phẩm hoá chất (tăng 70%); thức ăn gia súc và nguyên liệu (tăng 56,8%); quặng và khoáng sản (tăng 52%); sắt thép các loại (tăng 49%); chất dẻo nguyên liệu (tăng 43%)…
Phân tích từ các chuyên gia thương mại cho thấy: Xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản tăng nhanh trong thời gian qua là nhờ Hiệp định CPTPP bởi Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Mặt khác, với hai hiệp định thương mại tự do (FTA) là Việt Nam - Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản, một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản cũng được xóa bỏ rào cản thuế quan.
Song hành cùng với Nhật Bản, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Canada đã tăng gấp 3 lần từ 1,14 tỷ USD năm 2010 lên 3,85 tỷ USD trong năm 2018; trong đó Việt Nam xuất siêu sang thị trường này đạt 2,14 tỷ USD.
Đặc biệt, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Canada gồm dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ…
Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm, nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả… cũng bước đầu có tăng trưởng xuất khẩu tích cực sang thị trường này.
Theo ông Bùi Tuấn Hoàn - Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), ngoài thị trường lớn với 37 triệu dân, Canada còn có 250.000 người gốc Việt Nam. Do đó, đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng như các sản phẩm thực phẩm chế biến của Việt Nam tiếp cận trong thời gian tới.
Hơn nữa, Canada có chính sách khá mở về nông sản nhiệt đới với thuế nhập khẩu bằng 0% và không có nhiều rào cản kỹ thuật. Vì vậy, nếu khắc phục được hạn chế do bảo quản và vận chuyển xa, hoa quả tươi xuất khẩu được nhiều hơn vào thị trường nước này.
Chia sẻ thêm về cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada cho biết, tuy thị phần hàng Việt Nam tại Canada hiện chiếm chưa đến 1% lượng hàng nhập khẩu của Canada nhưng nhiều mặt hàng của Việt Nam lại được đón nhận rất tốt tại thị trường này như dệt may, da giày, thủy sản, hàng nội thất ....
Hơn nữa, với việc thực thi CPTPP, các doanh nghiệp Canada ngày càng quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam và muốn đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp nước này có thế mạnh như: cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, hàng không, giáo dục, lâm nghiệp.
▲ Chủ động thích ứng
Nhận định từ Bộ Công Thương cho thấy, việc mở rộng thị trường xuất khẩu được coi là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh. Tuy nhiên, đến nay hoạt động xuất khẩu sang khu vực CPTPP của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.
Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng này, Bộ Công Thương cho rằng đó là khó khăn khách quan về địa lý, văn hóa, ngôn ngữ, chính trị. Chẳng hạn như rào cản về ngôn ngữ, khoảng cách địa lý, doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề về thủ tục xuất nhập cảnh, nhiều địa bàn không có đường bay thẳng… cũng tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa và vận chuyển nên đã hạn chế xuất khẩu của Việt Nam vào Nga, Đông Âu, châu Phi, Mỹ Latinh, Tây Á.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục xem xét cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm nông sản vào các nước thường cần nhiều năm và nước nhập khẩu xem xét theo thứ tự đối với từng mặt hàng cụ thể cũng là rào cản gây cản trở cho các doanh nghiệp Việt trong hoạt động xuất khẩu
Hơn nữa, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của ta trong lĩnh vực nông sản luôn gặp phải sự cạnh tranh rất lớn từ các quốc gia khác trong khối ASEAN, nhất là là mặt hàng gạo, trái cây đến từ Thái Lan.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước, các FTA nói chung và CPTPP nói riêng đều hướng đến đối tượng được hưởng lợi là doanh nghiệp. Nhưng điều lớn nhất mà doanh nghiệp được hưởng lợi không chỉ riêng với thuế mà thay đổi về thể chế và tạo sự thông thoáng trong kinh doanh.
"Tham gia CPTPP hay các FTA nói chung đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải sẵn sàng thay đổi các văn bản pháp luật không còn phù hợp trong sân chơi hội nhập, phải tuân thủ các quy tắc của các FTA. Chính điều này sẽ "cởi trói" cho doanh nghiệp" - ông Lĩnh nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng, tìm kiếm thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu.
Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, thúc đẩy thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tăng năng lực sản xuất của ngành để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Đây được xem là chương trình hành động tổng thể của Chính phủ về thực thi CPTPP, khẳng định các cam kết hội nhập của Việt Nam nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho nền kinh tế, địa phương và người dân.
Tuy nhiên, để tăng kim ngạch xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo: Bên cạnh việc nâng cao năng lực để đưa hàng hóa thâm nhập vào các thị trường CPTPP, các doanh nghiệp cần chú trọng các quy định về rào cản cũng như xung đột thương mại có thể xảy ra để có giải pháp ứng phó kịp thời trước sân chơi hội nhập./. Uyên Hương