Báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng Hàn Quốc
"Cần phải đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu và phát triển"
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu kinh tế thuộc Ngân hàng Hàn Quốc vào ngày 25, phân tích các yếu tố làm giảm năng suất lao động của các ngành sản xuất chế tạo sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, so với giai đoạn 2002~2008 trước khủng hoảng tài chính đã cho thấy tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong ngành chế tạo sản xuất của Hàn Quốc đã giảm 6,3 điểm phần trăm trong giai đoạn 2009~2017. Còn tốc độ tăng năng suất lao động của toàn ngành công nghiệp giảm 1,72 điểm phần trăm.
Năng suất lao động là lượng sản phẩm được sản xuất ra trên mỗi đầu vào lao động và là một chỉ số về mức độ hiệu quả của người lao động trong một quốc gia.
Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc đã phân tích rằng sự sụt giảm tốc độ tăng tỷ lệ thiết bị vốn (tài sản cố định hữu hình tính trên đầu người) do sự thu hẹp của đầu tư sau cuộc khủng hoảng tài chính đóng vai trò là yếu tố chính cản trở năng suất lao động.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính, sự suy giảm trong thương mại quốc tế do nhu cầu toàn cầu giảm cũng khiến cho năng suất lao động sụt giảm.
Thêm vào đó, xuất khẩu chậm chạp do nhu cầu ở nước ngoài giảm đã kéo theo sự sụt giảm trong việc sử dụng lao động và nguồn vốn do các công ty xuất khẩu nắm giữ, điều này đã góp phần làm giảm năng suất lao động.
Cụ thể, mức tăng năng suất lao động trung bình hàng năm trong sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, máy móc và thiết bị vận tải khác (đóng tàu, v.v.), chiếm 47,1% tổng giá trị gia tăng trong ngành sản xuất, đã giảm 10,3 điểm phần trăm sau khủng hoảng.
Xét về quy mô doanh nghiệp, tỷ lệ năng suất lao động sau khủng hoảng của các doanh nghiệp lớn giảm 7,9%, lớn hơn so với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (giảm 4,6%).
Viện nghiên cứu kinh tế của ngân hàng Hàn Quốc cho biết "Để tăng năng suất lao động của các doanh nghiệp lớn và các ngành công nghiệp hàng đầu đang trì trệ kể từ khủng hoảng, chúng ta cần nỗ lực thúc đẩy đầu tư, cải thiện việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) cũng như nâng cao hiệu quả của các nghiên cứu và phát triển. Thêm vào đó cũng cần chuẩn bị môi trường thể chế nhanh gọn hợp lý để các công ty năng suất thấp có thể rút lui một cách trơn tru hơn."